2.5. Hạn chế
Tăng về số lượng nhưng chưa hoàn toàn chất lượng
Với đường lối giáo dục mở rộng, điều kiện sinh hoạt dễ dàng, không khí học tập sôi nổi, Ni chúng được theo học các trường lớp từ Sơ cấp đến Tiến sĩ. Từ khi thực hiện giáo dục bình đẳng cho Tăng và Ni, số lượng Ni sinh bao giờ cũng vượt trội. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhất định về việc bỏ học giữa chừng, học xong không định hình được sẽ làm gì, kiến thức thiếu chắc chắn… Đây là một vấn đề đáng quan tâm.
Bị ngoại cảnh tác động, lạm dụng công nghệ số dẫn đến “thế tục hóa”
Ý thức học Phật chưa cao, bản lĩnh tu tập chưa vững nên Ni trẻ dễ bị ngoại cảnh tác động. Nhiều bậc Ni trưởng mang nỗi ưu tư khi thấy Ni trẻ vượt khỏi tầm tay của mình. Triết gia Jean Jacques Rouseau1 từng nói: “Khoa học kỹ thuật làm băng hoại thuần phong mỹ tục và đạo đức tâm linh”. Ni giới trẻ ngày nay bị hấp dẫn bởi những thành tựu tin học, lang thang mãi trên xa lộ thông tin mà không chịu khám phá nơi nội tâm của chính mình, từ đó con người trở nên xơ cứng, cộc cằn, máy móc.
Biết nhiều nhưng không hiểu mấy
Quá chú trọng việc thâu nạp kiến thức mà không có thời gian trải nghiệm những điều mình học được, đây là một thực trạng đáng báo động hiện nay. Với lợi thế là “trẻ”, nhiệt huyết, năng động và tiếp thu nhanh, Ni trẻ có khả năng tiếp thu và ghi nhận kiến thức rất tốt, có thể nói đọc làu làu, trình bày lưu loát nhưng không hiểu gì, thậm chí chỉ nói suông chứ không thực hành. Nên nhớ lời răn của chư Tổ: “Học không tu thì mãi chỉ là cái đãy đựng sách”; cũng có nghĩa, nếu chỉ “học gạo” thì sẽ không toát lên được năng lượng của một bậc xuất trần.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục Ni giới trẻ
Thừa kế những giá trị mà các bậc tiền bối đã gây dựng trong quá khứ, Ni giới trẻ đã tinh cần phát triển để đem lại những thành tựu trên. Quy luật biến chuyển luôn hiện hữu; chúng ta phải luôn luôn tiếp thu, thay đổi để không nằm ngoài khế lý, khế cơ và khế thời. Cho nên, để khắc phục những hạn chế còn tồn đọng, người viết xin phép đưa ra một số giải pháp như sau:
Hoàn thành vai trò của một vị Thầy
Việc giảng dạy cho các đệ tử chưa bao giờ dễ dàng, khi có một số người hiểu nhưng không mang ra thực hành; một số khác không hiểu gì và cũng không cố gắng tìm hiểu, chỉ thích làm những việc mà Thầy không dạy bảo… Nỗi khổ tâm của người Thầy là như thế.
Song song với việc mở mang trí tuệ, người học trò phải tiếp nối được nếp sống đạo hạnh của chư Phật, chư Tổ và Thầy, thể hiện tinh thần kế thừa chân chính. Do vậy, người Thầy phải truyền dạy qua cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Dưới sự dẫn dắt của người Thầy, càng nhiều không gian tự thân khơi ngộ và khai sáng; đứng trên lập trường của người làm trò, không chỉ phụng hành mỹ đức “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (một ngày làm thầy, suốt đời làm cha), mà đặc biệt trong thiền môn còn thường nhận được sự chỉ bảo từng câu từng chữ, thì huệ mạng hồi sinh, nhân sinh đổi mới.
Hướng dẫn, giúp học Ni trẻ có định hướng đúng đắn
Phát Bồ-đề tâm là căn bản của việc học Phật. Cửa chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được2.
Lấy Văn – Tư – Tu làm nền móng, tránh trường hợp học Ni mơ hồ, hoang mang trên lộ trình đang theo học. Khi học Pháp, mới chỉ là Văn tuệ (lý thuyết) chỉ dẫn, sau đó chúng ta cần Tư duy (Tư tuệ) để nhận diện ra đâu là đúng pháp, đâu là tà pháp. Cuối cùng mới áp dụng pháp vào thực tiễn (Tu tuệ), tránh nhầm lẫn cho rằng không cần học nhiều, phải tập trung tu tập là chính, mặc dù nếu không có Văn tuệ thì làm sao mà Tư và Tu tuệ đúng được. Khi đã trạch pháp chính xác thì ta mới dấn thân phụng sự, lan tỏa giúp người khác đi theo con đường đúng đắn.
Học Ni trẻ cần tâm tâm niệm niệm nghĩ nhớ đến tâm hình và sứ mạng của bản thân để không bị “thế tục hóa”, không để những cám dỗ thấp kém của xã hội lôi kéo, chạy theo hư vọng mà quên mất giới thân đã thọ, huệ mạng đang hành.
Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ Ni tài
Hiện nay, số lượng Ni chúng tham gia các lớp học từ Sơ cấp cho đến Tiến sĩ Phật học trong và ngoài nước rất đông nhưng khi hoàn thành chương trình học, thì số lượng trở về phục vụ Giáo hội lại khá khiêm tốn. Lãnh đạo Ni giới cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, trọng dụng các Ni tài mạnh dạn phục vụ, tham gia giảng dạy ở các trường Sơ, Cao – Trung Phật học.
Ở các Học viện Phật giáo, Tăng, Ni sinh trước khi tốt nghiệp phải có thời gian thực hành ở các chùa vùng xa, biên giới, hải đảo hay tham gia các hoạt động, phong trào dài hạn liên quan đến lĩnh vực theo học, một mặt nhằm phục vụ chúng sanh, mặt khác có môi trường cọ xát với thực tế, để sau này ra làm Phật sự có khả năng tùy thuận tốt. Điển hình về công tác sư phạm, ở các trường mầm non, mẫu giáo, cũng như các lớp học tình thương cấp một, hai và ba trực thuộc tự viện, người đứng đầu cần biết rõ các vị học Ni có kỹ năng sư phạm để mời về giảng dạy hoặc tạo điều kiện thuận lợi khi các vị học Ni bày tỏ nguyện vọng muốn giảng dạy.
Kết luận
Nhìn lại những chặng đường giáo dục Ni giới từ buổi đầu thành lập giáo đoàn Ni cho đến nay, có thể thấy, các bậc tiền nhân đã vượt qua biết bao thử thách để đạt mục đích xây dựng – đào tạo nhiều thế hệ Ni vừa có học, vừa có hạnh, kiện toàn nhân cách của một tu sĩ. Thế hệ Ni trẻ ngày nay, thừa hưởng truyền thống tinh thần của các bậc tiền bối, phải càng nỗ lực hơn nữa trong việc tu học cũng như phụng sự đạo đời, mới mong xứng đáng là những người con Phật. Đây là điều kiện quan trọng và trở thành nền tảng giúp chư Ni đi đến mục tiêu giác ngộ trọn vẹn như Đức Phật đã tuyên bố trong ý nghĩa bình đẳng, không phân biệt giới tính. Ngoài ra, nhờ vậy mà Ni giới có cơ hội dấn thân, nỗ lực nâng cao kiến thức để phụng sự đạo pháp và dân tộc trong tình hình mới của đất nước. Những đặc điểm này chắc chắn sẽ được Ni giới Việt Nam phát huy hơn nữa trong thời gian tới, bởi vì điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng.
NS. TN. Từ Thảo (ĐSHĐ-132)
- Jean Jacques Rouseau (1712-1788): Nhà triết học chính trị, âm nhạc, giáo dục, văn học lỗi lạc thế kỷ XVIII.
- Thích Trí Quang (Dịch, 2011), Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, NXB. Phương Đông Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 13.