a. Tư tưởng Không trong Kinh điển thuộc văn hệ Bát Nhã:
Để tìm hiểu về tư tưởng Không này, chúng ta phải nghiên cứu các Kinh điển Bát Nhã. Kinh điển Bát Nhã có khá nhiều, cốt lõi là Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, sau đó phát triển thành Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Pháp Hoa… Kinh Bát Nhã Ba La Mật thảo luận về các uẩn, xứ, giới,… Như Lai nói: “Sắc không, thọ, tưởng, hành, thức, cũng không…” Nhãn xứ không, pháp xứ cũng không. Như Lai nói: “Nhãn giới không, pháp giới cũng không, nhân duyên tánh không, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên không…” Như Lai nói: “Quá khứ vị lai hiện tại pháp không, ta nói rằng, tất cả pháp đều không…” Như vậy, Kinh Bát Nhã đã cho rằng tất cả đều không. Những gì mà phái Hữu Bộ cho rằng thật có thì Bát Nhã cho rằng không thật có, là giả có. Tuy vậy, vấn đề được đặt ra rằng nếu cho là không thì những thứ có thể cầm nắm được thì giải thích như thế nào, có hay không? Ở điểm này, tác giả Thích Hạnh Bình đã sử dụng một đoạn Kinh văn trong Bát Nhã để làm sáng tỏ: “Chư pháp do nhân duyên hòa hợp, hiển bày sự giả danh… Do vậy, đối với 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới…, cho đến các pháp thuộc quá khứ vị lai hiện tại đều là pháp bất khả thuyết… Vì sao? Vì sự hợp tan của các pháp đều không có tướng nhất định, không thể lấy đôi mắt có thể thấy được”. Như vậy từ ý nghĩa của đoạn Kinh này, chúng ta có thể thấy được rằng, hiện tướng của các sự vật hiện tượng không nói lên hết được bản chất của chính sự vật hiện tượng ấy. Có những hiện tượng mà các giác quan không thể cảm nhận được nhưng nếu cho là không có thì không đúng ví dụ như suy nghĩ của con người. Các vật nhìn thấy được, cân, đo, đong, đếm được chỉ là một phần trong vạn pháp. Theo đó, được gọi là Hữu kiến hữu đối sắc, nghĩa là mắt có thể nhìn thấy, ngoài ra, còn có Vô kiến hữu đối sắc, nghĩa là hiện tượng mắt không nhìn thấy nhưng vẫn có tác động lên cơ thể, cảm nhận được như gió, hương thơm, mùi vị, âm thanh; và Vô kiến vô đối sắc tức là không thấy không cảm nhận được nhưng vẫn có, đó là suy nghĩ. Do vậy, chúng ta có thể thấy rằng, những sự vật có hình tướng chỉ để nhận biết sự vô thường, biến hoại đang diễn ra, không thể dùng những hình tướng hạn hữu này để gắn cho các pháp. Sự vô thường như ta đã biết như một dòng chảy không ngừng trong từng khoảnh khắc. Một triết gia cổ đại đã nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Vậy, vô thường diễn ra liên tục, là không có thực thể cố định nào để nói rằng có mà chỉ là giả có, rồi tan biến, hoại diệt, và tiếp tục hình thành cái khác, cứ xoay vần như thế mãi không cùng, không có điểm dừng và cũng chẳng có khởi đầu cho một sự vật hiện tượng nào. Các pháp luôn vô thường biến đổi, không có tướng nhất định. Tuy nhiên, giai đoạn này, Phật giáo Đại thừa giải thích rằng những ai muốn thấy được pháp Không thì phải có trí tuệ Bát nhã, hay trí tuệ của một vị Bồ tát. Thực hành hạnh Bồ tát, để có được trí tuệ siêu việt, điều này gây ra sự ái ngại lớn đối với người tu tập, vì quả bị Bồ tát không thể nói đạt là đạt, phải nỗ lực tu tập rất nhiều. Do vậy, đến thời kỳ Long Thọ, một cách hiểu sâu sắc, thực tế hơn về tánh Không đã được giải thích trọn vẹn, gần gũi, dễ nhận ra trong cuộc sống hằng ngày.
b. “Duyên khởi tánh Không”của Long Thọ:
Nội dung giai đoạn này đặc trưng bởi tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ. Là một Luận sư nổi tiếng không chỉ trong thời kỳ Phật giáo Đại thừa mà còn cả Phật giáo nói chung, vì vậy tác phẩm Trung Quán Luận của Long Thọ mang một ý nghĩa rất lớn. Vừa phê phán sâu sắc quan điểm sai lầm của Hữu Bộ lại vừa giải thích sâu rộng, tháo gỡ những gút mắc trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy một cách rõ ràng, Trung Quán Luận được đánh giá rất cao và xem như là một đại diện cho Phật giáo Đại thừa khi nhắc đến.
Trung Quán Luận bàn về tánh Không, tuy vậy, tác giả trình bày bằng phương pháp dùng quan điểm của Hữu Bộ làm phông nền để lập luận về quan điểm của mình. Đây là cách trình bày thể hiện trí tuệ siêu việt, dùng phương pháp đặt ngược lại vấn đề để thấy những điểm bất hợp lý của đối phương, rồi sau mới đưa ra luận điểm của bản thân. Do vậy, nội dung chủ yếu của Luận Trung Quán là phê phán những sai lầm của Hữu Bộ, nhưng đồng thời cũng từ đây làm nổi bật lên quan điểm xuyên suốt là Tánh Không (Sūnyatā) đặc trưng của Phật giáo Đại thừa.
Như đã trình bày, Duyên khởi là nguyên lý nòng cốt giải thích sự có mặt của vạn hữu trên thế gian. Tuy nhiên, phái Hữu Bộ trình bày có một tánh cố định, vạn vật được tạo ra, thường hằng, đã phủ nhận duyên khởi, vì các vật sẽ không tương tác với nhau, không diễn ra sự vô thường, cái mới không xuất hiện. Nếu Duyên khởi có một tánh cố định, làm sao có thể được, ví như cơ thể con người không diễn ra sự trao đổi giữa các chất, thức ăn vào cơ thể không chuyển hóa thành dưỡng chất, máu không hấp thụ, không nuôi cơ thể được thì cơ thể này không thể có sự sống, chỉ là xác chết. Khi xác chết không có sự phân hủy thì xác nằm đó, thây chất đầy đường, không bao giờ mất thì thế giới này sẽ ra sao? Cây cối không quang hợp với ánh sáng mặt trời, không hút nước, không nhận dinh dưỡng từ đất thì sao tồn tại… Như vậy, quan niệm của Hữu Bộ đã lộ ra điểm bất hợp lý, trên thực tế không thể như những gì họ trình bày được:
“Chúng duyên trung hữu pháp,
Thị sự tắc bất nhiên,
Tánh tùng chúng duyên xuất,
Tức danh vi tác pháp.”
Đã nói rằng duyên sinh, có sự kết hợp thì sao có thể có tánh cố định. Bản thân vật chất không thay đổi làm sao kết hợp với cái khác để hình thành cái mới, trong khi đó thế giới vẫn ngày ngày thay đổi, từng khoảnh khắc ngắn ngủi, sát na thời gian đều biến chuyển không ngừng. Mâu thuẫn trong quan điểm của Hữu Bộ ngày càng sâu sắc, không thể chấp nhận được. Hữu Bộ thừa nhận các pháp có mặt là giả có, biến chuyển, bản chất cố định vậy các pháp được tạo ra như thế nào? Sự biến chuyển của cái giả có kia ra sao?
“Nhược hữu quyết định tánh
Thế gian chủng chủng tướng
Thường bất sanh bất diệt
Thường trụ nhi bất hoại.”
Đoạn kệ này trích trong Trung Quán Luận được dịch nghĩa: nếu có tánh quyết định hay một tánh cố định thì các tướng trạng của thế gian sẽ không bao giờ có sinh diệt, thường trụ mãi mãi mà không bị hủy hoại. Từ ý nghĩa của đoạn kệ này, chúng ta có thể nhận thấy đây chính là quan điểm của Hữu Bộ, vì cho rằng cực vi là hữu, bản chất của sự vật hiện tượng là hữu, không thay đổi. Long Thọ lập luận rằng nếu bản chất tạo ra các vật là hữu, là cố định, không do Duyên khởi khi tạo ra các vật có tướng trạng cũng sẽ không thay đổi, không có sự sinh diệt, biến chuyển nữa, tồn tại hoài, thế giới đứng yên một chỗ. Điều này đi ngược lại lời Phật dạy, đó là sự vô thường, ở đây không có vô thường thì chẳng phải điều Phật đã dạy.
“Chư pháp nhược vô tính
Vân hà thuyết anh nhi
Nãi chí ư lão niên
Nhi hữu chủng chủng dị.”
Nghĩa là:
“Các pháp nếu không tính
Vậy sao nói được hài nhi
Và người già lớn tuổi
Có tướng nhiều khác biệt.”
Hoặc:
“Nhược vô hữu không giả,
Vị đắc bất ưng đắc,
Diệc vô đoạn phiền não,
Diệc vô khổ tận sự.”
Đoạn này lại càng khẳng định hơn về ý nghĩa cho đoạn trên, nếu khẳng định mọi thứ không có tánh không, luôn hằng hữu thì những gì chưa đạt được không thể đạt, những phiền não không thể đoạn trừ, không thể nói đến việc hết khổ đau trên thế gian này. Thế gian không có vô thường thì chỉ là một thế giới chết, không có sự sống, vì không có sự sinh sôi nảy nở, cái mới không sinh ra, cái cũ tồn tại mãi, trái đất không quay, đứng yên một chỗ, nơi nào là ngày thì không có đêm; nơi nào là đêm thì không có bình minh ló dạng. Như vậy rõ ràng, sự sống bị xáo trộn, mất cân bằng sẽ dần đi đến hoại diệt.
“Nhược phiền não tánh thật,
Nhi hữu sở thược giả,
Vân hà đương khả đoạn,
Thùy năng đoạn kì tánh.”
Bài tụng này cho thấy Long Thọ đã lật ngược lại vấn đề: Nếu các pháp đã có tánh Không thay đổi, hay tự tánh thì phiền não cũng có tánh thật. Phiền não có tánh thật, nghĩa là bị lệ thuộc, thuộc cái gì? Thuộc về tâm hay ngã, vậy ai có thể đoạn được phiền não, đã có sự lệ thuộc thì sao có thể tách rời, phân ly, làm sao đoạn trừ được. Không đoạn trừ được đồng nghĩa với thường hằng, phiền não tồn tại sẽ chẳng có Niết Bàn, an lạc, không có giải thoát, giác ngộ.
Để khẳng định lại ý nghĩa Không của vạn vật, Long Thọ trình bày dựa vào Duyên khởi, lấy Duyên khởi làm cơ sở lý luận, làm luận cứ:
“Vị tằng hữu nhất pháp,
Bất tùng nhân duyên sinh,
Thị cố nhất thiết pháp,
Vô bất thị không giả.”
Bài kệ này với ý nghĩa rằng chưa từng có một pháp nào mà không do nhân duyên được hình thành, do đó không có một pháp nào không mang ý nghĩa không cả. Một bài tụng có ý nghĩa lớn lao và trở thành tông chỉ cho nhiều tông phái như Thiên Thai, Hiền Thủ… Ý nghĩa không trong bài kệ thể hiện đặc trưng về lý duyên khởi tạo thành các pháp, không có pháp nào tự hình thành nên pháp khác. Vì vậy nên:
“Chúng nhân duyên sinh pháp,
Ngã thuyết tức thị không,
Diệc vi thị giả danh,
Diệc thị trung đạo nghĩa.”
Luận Trung Quán có đoạn: “Các pháp do duyên sanh,Ta nói nó là không”. Bài kệ này ý nghĩa cũng tương tự: Do nhân duyên sinh ra các pháp nên gọi đó là nghĩa không, cũng gọi là giả danh hay mang ý nghĩa trung đạo. Về ý nghĩa trung đạo rất quan trọng, bởi lẽ Đức Phật dạy người tu hành phải lìa bỏ hai cực đoan chấp có và chấp không. Không ở đây mang hình thức không thường hằng, cũng không phải là đoạn diệt, chỉ để minh chứng cho sự duyên sinh của các pháp, không pháp nào có bản chất thường hằng, thực thể.
“Thị cố kinh trung thuyết,
Nhược kiến nhân duyên pháp,
Tắc vi năng kiến Phật,
Kiến khổ tập diệt đạo.”
Đoạn kệ này, Long Thọ khẳng định lại lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali: “Ai thấy được duyên khởi người ấy thấy pháp, ai thấy được pháp, người ấy thấy lý Niết Bàn”. Như vậy, dẫn chứng đã cho thấy, ý nghĩa không đã y cứ vào nguyên lý Duyên khởi để kết luận, điều này khác với Hữu Bộ.
Bằng trí tuệ của mình, Long Thọ đã lập luận rất logic về Duyên khởi, nền tảng của tư tưởng Không để thấy rõ bản chất thật sự của các pháp. Không dựa trên hiện tượng mà dựa trên bản chất, không căn cứ vào không gian, thời gian mà tập trung vào thuộc tính của vạn vật. Do đó, tánh Không trong Phật giáo Đại thừa giải thích rõ nhất về bản chất của các pháp. Tuy nhiên, người học Phật cần nên nhớ rằng, mọi cố gắng để giải thích về giáo lý Phật giáo chỉ nhằm làm sáng tỏ những lời Phật dạy, hiểu đúng để tu tập chứ không để chấp vào ngôn ngữ, kiến thức. Lìa có và không, nhị biên, thực hành Trung đạo là điều cần làm.
C. Kết luận
Vạn vật vô thường, không có gì là tuyệt đối. Tánh Không trong thời kỳ Phật giáo Đại thừa đã cho người học Phật thêm hiểu, thêm nhẹ nhàng trong tâm thức. Qua bài nghiên cứu này, người viết cũng học được thêm nhiều kiến thức hữu ích trong tu tập. Tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản hơn khi những việc bất như ý xảy ra. Tất cả đều do nhân duyên. Thực hành buông xả những điều trái ý nghịch lòng, dần dần tiến đến buông bỏ cả những hỷ, nộ, ái, ố làm chủ bản thân. Kiến thức của mỗi con người là hữu hạn, cần phải nỗ lực trau giồi, học hỏi thêm nữa để vượt qua được chính mình. Học Phật cần phải có Chánh kiến để quan sát, hiểu thấu và tu tập, không để hơn thua, tranh giành.Tất cả mọi thứ trên đời đều là tánh Không, con người không sở hữu được gì, vậy nên hãy buông xả, đừng cố chấp vọng tưởng để rồi khổ đau không dứt.
Nhuận Bảo (Ni sinh Khóa XI HVPGVN tại TP.HCM) {ĐSHĐ-057}