Quá trình phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi được thành lập vào năm 1981 gắn với vai trò quan trọng của đoàn thể Ni giới. Đội ngũ Ni sư Phật giáo Việt Nam luôn cố gắng hoàn thiện bản thân trong công tác giáo dục và phát triển văn hóa Phật giáo. Dưới ánh sáng tâm linh của Đức Phật, ngày nay, chính chư Ni đã xây dựng và làm nên nhiều thành tựu to lớn trong công tác giáo dục và văn hóa, kế thừa truyền thống của các Ni sư tiền bối trong suốt tiến trình lâu dài, trường tồn của lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
-
Ni giới với sự phát triển của giáo dục trong Phật giáo
“Giáo dục yếu kém thì Phật giáo dễ suy vi, giáo dục được chú ý đúng mực thì Phật giáo hưng thịnh”‛1. Hiểu được ý nghĩa của giáo dục, Ni giới ở Việt Nam luôn cố gắng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển của công tác giáo dục trong Phật giáo với nhiều thành tựu to lớn. Những thành tựu đó được thể hiện đa dạng trên nhiều phương diện và gắn với những bối cảnh lịch sử khác nhau của dân tộc.
Lịch sử Phật giáo xưa nay luôn đồng hành cùng dân tộc, những trang sử Ni giới cũng không tách rời lịch sử đất nước. Không những thế, trải qua các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đã xuất hiện rất nhiều vị Trưởng lão Ni nghiên cứu Phật pháp uyên thâm, nghiêm trì Giới Luật, hành thiền đắc định được môn đồ học chúng rất kính mộ.
Truyền thống của các bậc danh Ni và nữ Phật tử tiền bối như Ni sư Diệu Nhân (1041-1113), Ỷ Lan (1044-1117) và các bậc Ni sư thời cận – hiện đại như Ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942), Sư trưởng Như Thanh (1911-1999), Ni trưởng Giác Nhẫn (1919-2003), Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên; Ni trưởng Trí Hải (1938-2003)…, Ni sư Huệ Từ (chùa Giác Tâm – Thành phố Hồ Chí Minh), Ni sư Như Đức (thiền viện Viên Chiếu – Long Thành), Ni sư Như Như (Tu viện Đại Tòng Lâm – Bà Rịa Vũng Tàu), Ni trưởng Huệ Giác (Quan Âm Tu viện – Biên Hòa)… luôn được giới nữ Phật tử học tập, phát huy, được xem là tấm gương trong việc học tập, trau dồi hạnh tuệ, việc hành xử thế gian hằng ngày, giáo dưỡng con cháu gìn giữ nếp nhà, công quả kinh kệ chăm lo chùa cảnh.
Trước năm 1975, Ni giới Việt Nam đã quan tâm đến tiền đồ đạo pháp, chú trọng vấn đề giáo dục Ni chúng như mở các Phật học Viện, Ni trường (bao gồm các lớp gia giáo). Tại miền Bắc, các Ni viện lần lượt được hình thành như chùa Viên Minh, Ni viện Bồ Đề, Ni viện Vân Hồ, ngoài ra còn một số chùa Ni được tổ chức như một Ni viện. Tại miền Trung, năm 1928, Ni viện Diệu Viên được thành lập; năm 1932, Ni viện Diệu Đức tiếp tục được thành lập. Từ năm 1934 trở đi, nơi đây đã quy tụ được hàng trăm Ni sinh từ các miền của đất nước về tham học.
Ngoài ra, các Ni viện còn hỗ trợ tích cực, lãnh đạo Ni chúng đấu tranh vì độc lập dân tộc. Tại miền Nam, năm 1927, lớp học Gia giáo đầu tiên của Ni chúng miền Nam được tổ chức. Đến năm 1936, Ni trưởng Diệu Tịnh mở lớp học tại chùa Hải Ấn (Bà Quẹo). Từ năm 1936, Ni viện Dược Sư được hình thành, đến năm 1954 đã trở thành Ni viện rất quy mô. Năm 1946, thành lập lớp Gia giáo cho Ni chúng tại chùa Phước Huệ (Sa Đéc). Năm 1946, thành lập Ni viện Tăng Già tại chùa Chánh Giác (quận 4). Năm 1950, mở lớp học Ni tại chùa Từ Quang (Sa Đéc)…
Nhìn chung, Ni giới Việt Nam trước ngày đất nước thống nhất (1975) đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển và mở rộng của giáo dục Phật giáo. Cơ sở đào tạo Ni chúng được mở rộng, chương trình giáo dục cụ thể theo đẳng cấp từ sơ đẳng, trung đẳng, trung đẳng chuyên khoa, cao đẳng, cho đến đại học và cao học. Trên cơ sở đó, giáo dục giúp Ni chúng trở thành những tu sĩ Phật giáo chân chính, học để am tường lời dạy của Phật và vận dụng vào cuộc sống của mình cũng như với mọi người xung quanh, nhằm làm cho con người hướng đến chỗ hiền thiện hơn. Cùng với đó, giáo dục còn đào tạo nên nhiều vị Tôn túc Ni hiện nay thuộc hàng giáo phẩm, lãnh đạo Ni giới Việt Nam trong và ngoài nước.
Khi nước nhà mới thống nhất, trong giai đoạn từ 1975-1981, Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng đã phấn đấu, chung sức chung lòng cùng toàn dân chia sẻ những khó khăn của đất nước trong bối cảnh vừa kết thúc chiến tranh. Phần lớn các trường Phật học, Ni trường hay Ni viện đều có chung tư duy, việc học là cần thiết, nhưng xây dựng đất nước càng quan trọng hơn. Do đó, các học Tăng, học Ni tạm thời xếp bút nghiên, đèn sách để tham gia lao động sản xuất, xây dựng đất nước theo lời dạy của Tổ Bách Trượng”Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thự”‛.
Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, tích cực đẩy mạnh hoạt động giáo dục Tăng Ni; từ đây, đã có rất nhiều thay đổi trong quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho người xuất gia, dù là Tăng hay Ni đều được đào tạo chính quy như nhau. Cùng với đó, việc đào tạo đội ngũ Ni giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược hoằng pháp lâu dài của Phật giáo, đồng thời đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giáo dục nguồn nhân lực tương lai cho đất nước. Giáo dục và đào tạo Ni giới trẻ kế thừa mạng mạch Phật pháp là trách nhiệm chung của chư Tăng Ni và quý Phật tử.
Ni giới phối hợp với các trường đại học, các tổ chức, chuyên gia tổ chức”Ni giới Phật giáo Việt Nam – Truyền thống và hiện đại” (2016), Hội thảo khoa học “Di sản Sư trưởng Như Thanh – Kế thừa, phát triển Ni giới Việt Nam” (2019), Hội thảo khoa học”Nữ Phật tử với Phật giáo và lễ tưởng niệm 906 năm ngày Ni sư Diệu Nhân cùng chư vị tiền bối viên tịch” (2019). Ngoài ra, chư Ni cũng tích cực tham gia soạn thảo nội dung, đóng góp ý kiến trong hội thảo của các đơn vị, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Trong xây dựng nơi tu tập, chư Ni đầu tư tâm sức tôn tạo chùa tháp, thành lập các cơ sở thờ tự trang nghiêm, tạo thêm điều kiện, không gian, sức mạnh… cho việc hoằng pháp lợi sinh khởi sắc, hội nhập với thời đại mới. Không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của Phật tử, truyền bá Phật pháp, nơi thân tâm thanh tịnh, nhắc nhở con người từ bi, xóa bỏ tham – sân – si, những ngôi chùa Ni còn được vun vén, chăm chút, tạo cảm giác gần gũi cho Phật tử, khách thập phương đến chùa như sự trở về với những người mẹ, người chị trong gia đình.
Hiện nay, số lượng chư Ni ở Việt Nam đông hơn chư Tăng. Trong đó, có nhiều vị tốt nghiệp học vị thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều vị đi học ở nước ngoài, có hiểu biết sâu rộng, thông thạo ngoại ngữ, am tường thế sự, nhiều vị tham gia giảng dạy tại các trường cao – trung cấp Phật học, góp phần quan trọng phát triển đạo pháp.
Những thành quả của giáo dục Phật giáo đối với Ni giới còn được thể hiện qua các hoạt động quốc tế, dù là ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam. Từ đó khẳng định năng lực, phẩm chất, vị thế của Ni giới Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh một quốc gia rất coi trọng việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giới thiệu hình ảnh và đất nước con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Điều đó được khẳng định qua ba lần đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam, và đặc biệt là Hội nghị Ni giới, do Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương đứng ra tổ chức với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (năm 2009-2010).
-
Ni giới với sự phát triển văn hóa trong Phật giáo
Văn hóa Phật giáo là một phạm trù rộng lớn, bao quát trên nhiều lĩnh vực: pháp phục, ngôn ngữ, di sản, kiến trúc… Đồng thời, văn hóa Phật giáo luôn gắn liền với tiến trình phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Vì thế, để nền văn hóa Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững thì yếu tố then chốt chính là phải nâng cao tri thức văn hóa, đồng thời đào tạo đội ngũ Ni – Tăng tài năng.
Chính từ những thành tựu của giáo dục qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau, Ni giới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn hóa trong Phật giáo với lý tưởng nhân văn, bác ái, vị tha và hướng thiện. Đội ngũ Ni sư luôn ý thức được nhiệm vụ xây dựng, phát triển một nền văn hóa Phật giáo mang đậm tính dân tộc và phù hợp với từng yêu cầu khác nhau của dân tộc.
Với tinh thần”nhập thế””đạo pháp và dân tộc”, “tốt đời, đẹp đạo”, Ni giới đã góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng và hài hòa của Văn hóa Phật giáo.
Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ đầu du nhập, cũng xuất hiện những bậc nữ lưu kiệt xuất. Trong các yếu nhân của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43), có những người là Phật tử, tu nữ và nữ tín đồ như: Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa… Tham gia công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, đến khi rời quân ngũ, họ lại trở về chùa, tiếp tục nếp sống tu hành cao quý.
Đặc biệt, thời Lý Thánh Tông, có Ni sư Diệu Nhân là một vị thiền sư tinh nghiêm Giới Luật, hành thiền được chính định. Thời Trần, khoảng giữa thế kỷ XIV, có Ni sư Tuệ Thông, tu trên núi Thanh Lương, hành khổ hạnh, trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt. Thời vua Lê – chúa Trịnh, thế kỷ XVII, có Ni sư Diệu Đăng, Ni sư Diệu Tín xuất thân danh gia quý tộc, vì giác ngộ lẽ vô thường nên từ bỏ phú quý, tìm về Yên Tử xuất gia tu tập.
Những vị Ni sư thời cổ – trung đại đã góp phần gắn văn hóa Phật giáo với tư tưởng đại đoàn kết, thống nhất dân tộc. Văn hóa Phật giáo đi vào đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nên nền tảng đạo đức xã hội, triết lý nhân sinh, là nguồn cảm hứng cho văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc. Đồng thời, đó là chất keo gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc và trở thành hệ tư tưởng của văn hóa Việt Nam, không thể lẫn lộn với đặc trưng văn hóa Phật giáo của các nước khác.
Trong thời kỳ cận hiện đại, Việt Nam từng có Sư bà Diệu Không, Sư bà Như Chí, Sư trưởng Như Thanh, Ni sư Huỳnh Liên, Ni sư Bạch Liên… một thời vang danh trong Ni giới. Hay như, Ni sư Trí Hải có trình độ Phật học uyên thâm, đóng góp cho nền văn học Việt Nam nhiều dịch phẩm như Con đường thoát khổ, Câu chuyện của dòng sông… Ni giới Phật giáo luôn nỗ lực không ngừng, đồng lòng chung sức làm đẹp cho đạo, làm tốt cho đời.
Tiếp nối tấm gương đi trước với những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thừa thẩm thấu sâu trong Ni giới Việt Nam các thời đại, thế hệ Ni giới hiện nay là những người sống theo đạo đức tu hành, nghiêm trì Giới Luật, giữ gìn đạo hạnh và là tấm gương sáng cho Phật tử noi theo. Cuộc sống thanh bạch, vì cộng đồng, vì người nghèo, người bệnh… của các Ni sư là nguồn cảm hóa cho mọi người hướng thiện, góp phần phát triển văn hóa Phật giáo trong giai đoạn mới.
Các kỳ Đại hội Ni giới Việt Nam được tổ chức đều nhấn mạnh đến việc chấn chỉnh đội ngũ Ni sư sống theo kỷ cương luật Phật và luật pháp của Nhà nước. Hoạt động của Ni giới góp phần làm sáng tỏ hơn vai trò của nữ giới Phật giáo trong xã hội hiện thực; mặt khác, những hoạt động này hướng đến mục đích củng cố, xây dựng, chăm lo, đào tạo, chấn chỉnh, truyền dạy Giới Luật cho Ni sư nhằm đưa họ vào khuôn khổ để sống tốt đời, đẹp đạo.
Trong xã hội ngày nay, Ni giới phần nào đã được trang bị kiến thức đầy đủ để hội nhập vào sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, những mặt trái của thời đại thông tin là không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh ấy, Ni giới nỗ lực gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn hóa Phật giáo, gắn đạo với đời, đề cao quan điểm nhập thế hành đạo. Đội ngũ Ni sư đem tất cả tâm huyết phụng sự chúng sinh. Ni giới phải xem việc gắn đạo với đời như một lẽ tất yếu trong đạo hạnh của mình, bởi:”dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.
Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại và mạng xã hội, các chư Ni nhanh chóng tìm hiểu, tiếp thu, thay đổi hình thức truyền giảng cho phù hợp, dễ tiếp cận. Nội dung truyền bá đến chúng sinh không chỉ gói gọn trong các vấn đề của kinh sách mà được kết hợp với những vấn đề trong gia đình, xã hội, môi trường sống… Những hoạt động mà chư Ni đang thực hiện là sự kế thừa của lịch sử, đồng thời đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh hiện đại, thể hiện tinh thầ”nhập thế” của Phật giáo.
Với tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác”, Ni giới đã hướng dẫn Phật tử sống tri túc và có trách nhiệm với bản thân, gia đình, và cộng đồng xã hội, ứng xử với nhau trên tinh thần từ – bi – hỷ – xả, làm tròn bổn phận của Phật tử với đạo pháp và nghĩa vụ của công dân với đất nước. Phật giáo lưu chuyển trong mạch sống của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm, chư Ni trong lịch sử đã truyền bá Chánh pháp bằng những phương pháp uyển chuyển, dung dị, gần gũi, giúp giáo lý nhà Phật in sâu vào đời sống và tư tưởng người Việt.
Ngày nay, tín đồ Phật giáo thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp, hoàn cảnh khác nhau trong xã hội nên việc định hướng, dẫn dắt, hướng dẫn tu tập cần sự vận dụng phương tiện khéo léo, phù hợp. Trong các đạo tràng thính pháp, đa số là người bình dân, đội ngũ Ni sư đã chú ý ứng dụng giáo pháp thuyết giảng phù hợp, cụ thể, quan tâm hướng dẫn họ tu tập hành xử đúng Chánh pháp, không để xảy ra mê tín dị đoan, thực hành sai lệch.
Nhiều vị Ni trưởng, chân Ni đã mạnh dạn thuyết giảng về một số hành vi chưa đúng với giáo lý của Phật giáo, nhắc nhở các tín đồ nữ chỉ chú trọng lễ lạy, dâng sao giải hạn, cầu tài lộc, bình an và sức khỏe, đốt nhiều vàng mã… mà không hiểu được giáo lý, ý nghĩa của Phật pháp. Do đó, việc nâng cao nhận thức đúng đắn giáo lý Phật giáo luôn là vấn đề quan trọng được Ni giới quan tâm, dẫn dắt.
Không chỉ truyền giảng, thuyết pháp, trong hoạt động của các Ni còn lồng ghép nội dung giúp tín đồ nhận thức các hiện tượng, mối quan hệ, những biến chuyển của xã hội một cách đúng đắn, khách quan để từ đó hiểu đúng và xem việc chấp hành pháp luật như là một chuẩn mực về đạo đức xã hội, là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Ngoài ra, thông qua các nghi lễ được Ni sư thực hành cho người dân (cầu an đầu năm, nghi lễ hằng thuận,..), văn hóa Phật giáo lại có điều kiện thẩm thấu sâu hơn, chuyển tải những giá trị tốt đẹp, lối sống lành mạnh, nếp sống chan hòa.
Kết luận
Những thành quả trên cho thấy Ni giới Việt Nam hiện nay đã nối tiếp truyền thống và phát huy những cái mới, cái hay, cái đẹp để được thành tựu và phát triển hơn nữa, xứng đáng là nữ lưu họ Thích. Mặc dù còn một số hạn chế theo thiểu kiến cá nhân, nhìn chung, Ni giới Việt Nam đã góp phần làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, trang nghiêm, vững mạnh. Thành tựu của Ni giới trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa góp phần giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện đường hướng hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, nhất là đóng góp công sức cho đạo pháp và dân tộc trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển.
Khi đánh giá về vai trò của Ni giới trong lịch sử dân tộc, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã tự hào nói:”Vai trò của nữ giới nói chung và đoàn thể Ni giới Phật giáo nói riêng chính là một mạch nguồn mang Chính pháp đến xua đi những khổ đau, bất hạnh, lan tỏa hạnh phúc, vinh quang cho đời, cho xã hội và non sông Việt Nam. Có thể thấy, Ni giới đóng vai trò quan trọng không chỉ với Phật giáo mà còn đối với toàn thể sự phát triển chung của lịch sử đất nước”2.
Trên con đường phát triển, Phật giáo Việt Nam nói chung và Ni giới nói riêng đã nỗ lực vượt qua các rào cản, phát huy năng lực vốn có để chung tay với Giáo hội phát triển các hoạt động giáo dục, văn hóa… Ni giới tham gia các hoạt động với số lượng khá đông, có khởi sắc đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn một số lý do làm giới hạn sự học tập, sự dấn thân của chư Ni trẻ trong các công tác giáo dục, văn hóa. Do vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của Ni giới trong thời đại hiện nay, theo tinh thần của Ban Tôn giáo Chính phủ: Mong rằng trên bước đường phát triển tiếp theo của Phật giáo sẽ có những cái nhìn đúng hơn để phát huy nhận thức trong sáng và năng lực làm lợi ích cho đời, làm đẹp cho đạo, không luận là hàng nữ lưu hay nam giới, bất kể là người xuất gia hay tại gia. Có như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa thể hiện được chân lý bình đẳng của Đức Phật dạy, vừa góp phần xây dựng thế giới Ta bà được an vui và phát triển bền vững.
TS. Phạm Thị Thanh Huyền
- SC. Thích nữ Liên Hiền, “Một số đóng góp của Ni giới trong nền Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX”, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/17317, truy cập ngày 01/9/2023.
- SC. Thích nữ Liên Hiền, Tlđd.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Thành Công (2018), “Tự hào Ni giới Việt Nam với giải thưởng Nữ giới Phật giáo xuất sắc thế giới” https://phathocviennguyenthieu.vn/tin-ngoai-nuoc-13/tu-hao-ni-gioi-viet-nam-voi-giai-thuong-nugioi-phat-giao-xuat-sac-the-gioi-7.html, truy cập ngày 01/9/2023.
- TS. Võ Văn Dũng (2016), “Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Hà Nội.
- SC. Thích nữ Liên Hiền, “Một số đóng góp của Ni giới trong nền Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX”, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/17317, truy cập ngày 01/9/2023.
- Đỗ Hoa (2022), “Ni giới góp phần thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, https://phatgiao.org.vn/ni-gioi-gop-phan-thuc-day-su-phat-trien-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-d70169.html#, truy cập ngày 01/9/2023.
- TS. Bùi Thị Hòa (2019), Ni giới Việt Nam nối mạch truyền thống, thực hiện chân lý bình đẳng, dấn thân làm lợi cho đạo, làm đẹp cho đời, Hội thảo Nữ Phật tử Phật giáo Việt Nam, Hà Nội.