Xe bánh mì thịt của bà lão đứng nhỏ bé ngay góc đường đông đúc người qua lại. Dường như tôi bị “bỏ bùa” vì cái mùi vị quen thuộc của ổ bánh mì thịt do chính tay bà lão làm, nên mỗi sáng sớm, tôi đều ghé chỗ này mua cho mình một ổ và gặm suốt một quảng đường dài từ trên xe buýt đến trường học. Xe bánh mì của bà thường đông nghẹt. Đó là lẽ dĩ nhiên vì chẳng những tôi mà còn rất nhiều người khác khen bà biết cách làm nhân và nước xốt, cái vị đặc biệt mà không nơi nào có được.
Cứ tầm 6 giờ sáng, chiếc xe bánh mì của bà đứng lọt thỏm trong vòng vây của mọi người. Già, trẻ, lớn, bé, ai cũng tranh thủ xếp hàng để mong có được bữa sáng ngon miệng. Hơn thế, nơi đây cũng gần trường khiếm thị nên trẻ khiếm thị đến đây mua rất nhiều. Các bạn học sinh này có cái thú rất hay là vai vác ba lô, một tay cầm gậy dò đường, một tay cho ổ bánh mì vào miệng, ăn ngon lành.
Sáng nào cũng vậy, tôi thường phải nhường chỗ để cho các bạn khiếm thị mua trước, mình thì lui về đứng phía sau. Dù trễ xe buýt, trễ học ít phút cũng chẳng sao, bởi ít ra mình cảm thấy trong lòng vui sướng vì làm được một việc có ý nghĩa. Thế nhưng, xã hội có những người suy nghĩ ngược lại. Một số bạn sinh viên, học sinh lành lặn nhưng vẫn chen lấn, đẩy các bạn khiếm thị về phía sau để giành phần ưu tiên cho mình. Thậm chí, có nhiều người công chức chạy xe tay ga bóng loáng, ăn mặc sang trọng, chẳng chịu bước xuống xe mà đậu ngay dưới lòng lề đường và réo gọi bà lão bán trước cho mình với vẻ bốp chát. Họ còn “uy hiếp” bà lão nếu không bán trước thì họ sẽ rồ ga chạy ngay và không bao giờ mua bánh mì của bà nữa (vì những vị khách này thường mua cao giá hơn sinh viên và học sinh).
Tội nghiệp cho bà lão, nhiều lúc muốn bán cho các em khiếm thị trước nhưng vì sợ mất khách, bà buộc lòng phải ưu tiên cho “khách hàng VIP”. Nguyên nhân những công chức đưa ra rất ư là “chính đáng”: sợ trễ giờ. Tội cho các em khiếm thị, bẩm sinh đã bị khiếm khuyết về đôi mắt, giờ lại bị những người lành lặn, có đôi mắt “sáng quắc” tranh giành phần ưu tiên của mình.
Xã hội cho chúng ta quá nhiều thứ, kể cả đôi mắt “sáng như trăng rằm”, thế sao mọi người còn cố tranh giành với những người khiếm thị để làm gì nhỉ? Các bạn không may mắn ấy sẽ nghĩ gì về chúng ta? Chúng ta có đôi mắt nhưng lại không nhìn thấy được cảnh khổ của người khác. Vậy trong trường hợp này ai mù, chúng ta hay những em khiếm thị?
Thành Đặng (ĐSHĐ-004)