Ngày trước gia đình tôi nghèo lắm. Mà hầu như trong xóm đa phần đều như thế. Chỉ được vài hộ là khá giả thôi. Nhớ cứ mỗi lần Tết cổ truyền sắp về là ba mẹ tôi lại lo. Lo lắm. Mới tầm đầu tháng Chạp thôi là mẹ tôi đã chau mày ủ rũ. Bởi Tết về là phải chi nhiều thứ, trong khi ba mẹ không có công việc ổn định. Nghề nông, cứ hễ ai kêu gì thì làm nấy thôi. Khổ nỗi, cả xóm có cả trăm hộ như ba mẹ tôi, nên việc thuê người khá là chụp giật. Vì vậy mà có khi mấy ngày liền ba mẹ nằm ở nhà thở dài thườn thượt, mặt buồn dàu dàu vì không ai gọi đi làm. Nỗi lo càng chất chồng thêm.
Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Không có tiền để sắm sửa Tết, ba mẹ phải đi chạy vạy mượn nợ để lo cho cả nhà. Tết nhất dù nghèo, cũng phải có mâm ngũ quả, nhành mai, bánh mứt, nồi thịt kho… với người ta cho có không khí. Đặc biệt là mua cho các con mỗi đứa một bộ đồ mới. Hồi đó ít khi mua đồ chợ, thường là may ở tiệm. Mẹ lo xa nên ngay đầu tháng Chạp đã đi mượn nợ người bà con xóm trên về mua vải, dắt anh em chúng tôi lại tiệm may lấy số đo. Khỏi phải nói, nghe được may đồ Tết là chúng tôi mừng lắm. Trẻ con mà, nào có hiểu nỗi lo toan vất vả của người lớn, cứ được ăn ngon mặc đẹp là thích vô cùng. Trong khi chúng tôi hồn nhiên vui vẻ, cười tươi với cô thợ may thì trong lòng mẹ hoang mang với nhiều cảm xúc khó tả. Vui vì con mình có áo mới mặc đi chơi Tết, rầu vì sang năm phải “cày” để trả nợ cho người ta. Từ khi đặt may đồ, ngày nào chúng tôi cũng chạy sang tiệm may ngó chừng, hỏi thăm cô thợ rằng đồ mình đã được may xong chưa. Bao lần hỏi rồi bao lần thất vọng ra về: “Đồ còn nhiều lắm con ơi, chưa xong đâu. Khi nào may xong, cô sẽ gọi mấy đứa sang lấy nhé!”.
Rồi cuối năm, ba mươi Tết, cả nhà tôi cũng có một cái Tết đúng nghĩa. Ba chạy nợ nhiều chỗ mới được tiền nên đi chợ chiều. Trên vai ba là cả khoảng trời xuân với đầy đủ bánh, trái, thịt, vật phẩm cúng kiếng… Dù trễ nhưng chưa muộn. Mẹ và bà vội vàng làm mâm cơm cúng ông bà. Ba thì trang hoàng nhà cửa, chưng mâm ngũ quả. Chúng tôi lo bận… “canh chừng” cô thợ may để nhận đồ Tết. Vì lẽ khéo tay may đẹp, nhiều người đặt hàng, nên tiệm của cô quá đông khách. Mãi 7 giờ tối chúng tôi mới ù té chạy về khoe với cả nhà rằng đồ tết đã may xong. Ba cười: “May thiếu chịu mà các con làm quá, năm sau cô Tám không nhận may đồ nữa là mệt đó”.
Đêm giao thừa, mẹ mang đồ của tất cả những thành viên trong nhà đi ủi. Để có chiếc bàn ủi than con gà, mẹ phải đi bộ mất hai cây số mới mượn được. Chúng tôi nôn nao không ngủ, cứ ngồi bó gối canh chừng mẹ ủi đồ. Bếp than cháy đỏ rực cả một trời tuổi thơ, phá tan cái lạnh tê buốt tràn vào ngôi nhà lá xập xệ nơi chúng tôi che mưa che nắng. Lúc đó thằng Út hồn nhiên hỏi mẹ: “Sao mẹ ủi đồ vá cho ba vậy? Đồ mới ba đâu?”. Mẹ cười nhưng lòng đau lắm: “Ba con tiết kiệm lắm, nên không thích may đồ mới, nhóc ạ!”. “Đồ mới đẹp, thơm mà sao ba không thích nhỉ?” – nó lại hỏi cắc cớ. Chị Hai giải thích: “Nhà mình nghèo nên ba nhường cho tụi mình đó Út à!”.
Sáng mồng một Tết, mẹ không cần gọi chúng tôi cũng ngoan ngoãn thức dậy rửa mặt. Tối Giao thừa thức quá khuya nên sáng ra mặt ai cũng bơ phờ. Có đứa nào ngủ được đâu, lăn qua lộn lại cho đến sáng. Nhưng khi mặc đồ mới là tươi tỉnh ngay. Phải nói mùi áo mới thơm thiệt, rất lạ, thích gì đâu! Một cảm giác lâng lâng khó tả khi đưa tay vuốt ve từng thớ vải. Ba chìa phong bao lì xì đỏ thắm cho mỗi đứa rồi dặn dò: “Ngoan ngoãn, chăm học để sau này đỡ vất vả nha các con”. Chị Hai được giao nhiệm vụ dắt các em đi hội chợ xuân. Trên đường đi gặp lũ trẻ cùng xóm, chúng gọi nhau í ới, rồi tháp tùng đi chung xôm tụ. Mùi vải mới, mùi gió Tết và cả mùi hoa mai, vạn thọ quyện vào nhau làm chúng tôi quên đi hết mọi cơ cực thường ngày.
Giờ gia đình nhàn nhã hơn, vì chúng tôi đều ăn học đến chốn, có việc làm ổn định. Ba mẹ đã già, màu trắng bạc vương trên tóc ngày một nhiều. Mỗi lần Tết về, ba mẹ luôn họp mặt anh em rồi nhắc về quãng đời cơ cực. Cốt là để chúng tôi nhớ mà phấn đấu lao động hăng say. Ba giờ đã “chịu” mặc áo mới ngày xuân rồi. Nhiều lần len lén nhìn cách ba vuốt ve vạt áo, xoa xoa túi áo sơ mi trắng làm chúng tôi hạnh phúc vô cùng. Tuổi thơ chúng tôi đã từng như thế đấy!
Trần Thái Học (ĐSHĐ-Xuân Giáp Thìn)