Ngôi chùa bé nhỏ nằm lọt thỏm trong thung lũng, giữa bốn bề đồi dốc nhấp nhô. Chùa có tuổi đời chừng 20 năm. Trụ trì của chùa là ni cô Tịnh Tâm, người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời mình cho trẻ thơ, cho Phật học. Từ một người giỏi việc kinh doanh, đang làm ăn phát đạt, vì buồn chuyện gia đình, bà đem hết số tiền tích góp lâu nay để xây chùa, từ thiện.
Chùa được nhiều phật tử chú ý không vì kiến trúc đẹp, công trình hoành tráng, hay tuổi thọ lâu năm mà vì các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. Người ta lên đây cúng dường vì các bé, họ muốn góp một phần công sức để giúp mỗi bé có khẩu phần ăn ngon hơn, những chiếc áo ấm hơn, học hành tốt hơn. Mặt khác, Phật tử thích không gian hữu tình nơi đây nên hễ ai viếng chùa là nán lại ít ngày để nghe kinh kệ, đàm đạo cùng sư cô hoặc ngắm cảnh chùa cho quên hết những chuyện trần tục âu lo. Chùa tuy nhỏ nhưng phía sau chùa, sư cô Tịnh Tâm cho xây, một dãy nhà khách lợp lá để các Phật tử có thể ở vài ngày. Hai bên hông chùa là hai dãy nhà lợp ngói, nơi để các trẻ nhỏ sinh hoạt và vui chơi.
Cứ cách vài tháng, chùa lại nhận được một trẻ cơ nhỡ, không cha mẹ, hoặc một số cha mẹ thấy con mình khuyết tật nên bỏ rơi. Họ dẫn con mình lên chùa, bỏ đấy rồi lặng lẽ ra về, kèm theo mảnh giấy viết tay để trong giỏ đồ. Đứa trẻ khóc bù lu bù loa, sư cô thấy tội nên cưu mang. Trẻ khuyết tật được sư cô cho ở riêng các trẻ bình thường để tiện chăm sóc. Trẻ nam cũng được cách ly với trẻ nữ để dễ giáo dục tâm lý. Những đứa trẻ nam, sau khi vào tuổi lên 10, sư cô sẽ đưa các bé đến các chùa khác để các thầy dễ dạy dỗ, còn các bé gái thì được giữ lại. Cũng may nhờ có chính quyền địa phương giúp đỡ nên mọi thủ tục nhận trẻ được giải quyết rốt ráo.
Có một trường hợp rất đặc biệt như trong chuyện cổ tích. Cách đây 10 năm, vào một buổi sáng, vẫn như mọi ngày, sư cô Tịnh Tâm dậy sớm quét lá trước sân chùa. Chợt sư cô nghe tiếng khóc của trẻ thơ dưới góc cây bàng. Bước lên bậc thang, sư cô thảng thốt thấy một đứa trẻ còn đỏ hỏn, mới đẻ độ chừng vài ngày. Trong tã lót của trẻ có một lá thư ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân của cha, mẹ đứa bé. Họ nhờ sư cô nuôi giúp vì hoàn cảnh riêng và hứa một ngày nào đó sẽ quay lại. Nuôi một đứa trẻ mới đẻ hết sức khó khăn, lúc ấy chưa có trữ sữa sẵn như bây giờ, sư cô phải cùng với các ni cô khác lấy nước cơm cho bé bú. 10 năm thắm thoát qua mau. Đứa bé giờ đã khôn lớn, được sư cô đặt pháp danh là Linh Tâm. Sư cô đã đem chuyện này kể lại cho Linh Tâm nghe để mong cô bé nhớ về nguồn cội. Nhưng nghĩ tới cảnh Linh Tâm đoàn tụ gia đình, sư cô vừa mừng vừa tủi. Dù gì thì cô bé cũng đã gắn bó với ngôi chùa này đã nhiều năm. Linh Tâm ngoan hiền, học giỏi lại siêng năng nên được lòng mọi người, kể cả sư cô. Bản thân sư cô muốn Linh Tâm theo con đường đi đến đức Phật nhưng sư cô thường than thở: “Biết đâu nó không thuộc về thế giới này!”.
– Nếu một ngày ba mẹ đón con về, sư cô có buồn không?
Câu hỏi cắc cớ của Linh Tâm làm cho sư cô khó trả lời:
– Ờ… tất nhiên là sư cô buồn rồi! Các con sống ở ngôi chùa này đều là người một nhà, một đứa đứt tay sư cô còn xót nói chi là xa nhau. Nhưng sư cô vui hơn buồn, vì con và ba mẹ được gặp lại nhau. Tình nghĩa gia đình là thiêng liêng nhất mà!
– Nhưng con không nỡ xa sư cô. Sư cô là bà tiên hiền hậu, đã giúp cho chúng con no bụng, mặc đẹp, học hành đàng hoàng…
– Con đừng nói thế. Người nhà Phật ai cũng làm như sư cô thôi.
***
Điều sư cô lo lắng đã đến. Vào một ngày đẹp trời, có đôi vợ chồng trung niên đến gặp sư cô và bày tỏ câu chuyện ngày xưa. Hai người chìa ra hai tờ chứng minh nhân dân và nhận là ba mẹ của bé Linh Tâm. Sau khi đọ với tờ giấy năm xưa kỹ càng, sư cô cho người gọi Linh Tâm ra. Sư cô bảo:
– Đây là ba mẹ của con, đến chào ba mẹ đi. Cô bé ngập ngừng nhưng rồi theo phản xạ tự nhiên, cô chạy đến ôm chằm lấy ba mẹ mà khóc. Cả gia đình vui sướng trong nước mắt khiến ai cũng mủi lòng.
– Nhà chùa cho phép hai thí chủ dẫn cháu về đoàn tụ với gia đình đó. Còn về việc học, hôm nào rảnh rỗi, hai thí chủ có thể liên hệ với trường của cháu để rút học bạ. Phía nhà chùa cũng sẽ tranh thủ chuyển hộ khẩu của Linh Tâm về với gia đình.
Sư cô nói hết câu rồi chào mọi người bỏ về phòng, với lý do mệt. Đâu ai biết được, sư cô đang khóc, khóc trong lòng nhiều lắm. Nhưng con bé không thuộc về thế giới này thì sao giữ lại được.
Cả ngày hôm sau, sư cô không ăn uống, mặt buồn rười rượi nhìn vào khoảng không vô định. Chợt sư cô nghe tiếng trẻ gọi mình. Bọn trẻ đã được đi tham quan hết rồi kia mà? Là Linh Tâm. Sư cô thay đổi sắc mặt thấy rõ:
– Con đi với ai? Đến đây có chuyện gì?
– Dạ, ba mẹ đưa con đến để xin được quy y!
– !!!
Nguyễn Hoàng Duy (ĐSHĐ-009)