Vạn Hạnh ngôi chùa nhỏ nhỏ thôi
Bên trong chật chội vừa chỗ ngồi
Nằm trong ngõ hẻm song quang đãng
Phật tử Thầy trò chỉ thế thôi
Phước đức tràn đầy tâm hỷ lạc
An bần thủ đạo thoát luân hồi
Nguồn tâm sáng tỏ, tâm bình dị
Vạn sự hanh thông nguyện cứu đời.
Vâng! Ngôi chùa Vạn Hạnh, phường 5, quận 10 đầu tiên là do tín chủ Cụ ông Nguyễn Văn Ký và Cụ bà Trần Thị Đàng mua căn nhà nhỏ, để cho người em trai là Cố HT. thượng Giác hạ Ngươn ở tịnh tu. Ngài sống độ nhật bằng:
Một bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh trông người thế
Mây trắng hỏi đường qua.
Ác vàng tên ruổi, thỏ bạc thoi dong, thuận thế vô thường, Ngài đã “Quảy dép về Tây chốn nghỉ ngơi” vào năm 1963.
Già Lam vắng vẻ, Giáo hội và môn phái cử HT. thượng Giác hạ Đạo về lo Phật sự, đến năm 1964, Hòa thượng cũng lại:
Hạc vàng cất cánh ngắm phương trời
Huyễn thân trả lại cho trần thế.
Giáo hội một lần nữa cử ĐĐ. Thích Thiện Thuận và tám Đại đức về chung lo Phật sự, trau giồi Phật học lẫn thế học. Đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chín Đại đức trở về quê hương để chăm lo mảnh vườn, nơi chôn nhau cắt rốn.
Lại một lần nữa, thân mẫu của Thầy Thiện Thuận và Phật tử thỉnh nguyện HT.thượng Thiện hạ Thông là Sư huynh của HT. Giác Đạo cho Ni trưởng Như Ngộ tu học tại chùa Từ Nghiêm về Trụ trì. Được Hòa thượng và Giáo hội chấp thuận, thế là Ni trưởng Như Ngộ và Sư muội Phước Giác ở từ năm 1979 đến nay.
Trải qua 36 mùa An cư tại Già Lam Vạn Hạnh, Ni trưởng Như Ngộ và Ni sư Phước Giác đã đào tạo và cưu mang Ni chúng, được 10 vị tốt nghiệp Cử nhân Phật học và 4 vị tốt nghiệp Cao đẳng, nay có 5 vị ra Trụ trì. Song song với việc tu học, Ni trưởng Như Ngộ còn tổ chức, tham gia các chuyến từ thiện về vùng sâu, vùng xa, cũng như cấp học bổng cho các cháu nhà nghèo hiếu học; ủng hộ chăm lo cho gia đình nghèo trong địa bàn Phường 5 và Quận 10 trong dịp Tết Nguyên đán, mười lăm năm liền phát quà tại Chùa Vạn Hạnh để bà con nghèo vui Xuân cùng đất nước, mỗi phần gồm: nước tương, dầu ăn, gạo, mì, đường, bì thơ, mỗi phần trị giá khoảng 400.000 đồng. Vào mùa Vu Lan nhớ đến ân đức sinh thành, chùa vận động Phật tử hướng về bà con có mảnh đời bất hạnh, bà con khó khăn, san sẻ với tinh thần “một miếng khi đói bằng gói khi no”, năm 2017 đã phát hơn 3 tấn gạo. Gần đến Tết Nguyên đán hằng năm, chùa đều tổ chức về huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum để giúp khoảng 200 hộ nghèo, bà con miền Cao nguyên. Tôi được chùa cho tháp tùng trên chiếc xe 16 chỗ. Nhà chùa tổ chức rất chu đáo, lương thực lo cho cả đoàn, cụ bị thức ăn, nước uống, trái cây,… Đi đến đâu, cần thì dừng xe ca hát hoặc cho vào tủ đựng những món cần thiết trong ngày, cho có sức rồi tiếp tục hành trình. Đến Kon Rẫy trời đã chiều, nên ngủ tạm nhà quen qua đêm, sáng ra đợi người dân trong Buôn làng, họ đi bộ gần 10 cây số mới đến chỗ lãnh quà. Có một em bé thân hình đen rắn chắc, khoảng 7-8 tuổi ôm thùng mì vừa đi vừa nói: “Tao về nói Mẹ cho tao mấy gói ăn cho đã, cho đỡ thèm”, nghe nói mình muốn rơi nước mắt. Ở thành phố có đứa trẻ nào đói khát thèm ăn như thế? Đến lượt bà già khoảng 70 tuổi da đen sạm, trông tiều tụy như người 80 tuổi, bà dẫn theo 3 đứa cháu khoảng 5 tuổi. Nghe người xung quanh kể về bà, bà là vợ lão già làng, ông và con trai chết trong lúc đi rừng bị cây ngã, bỏ lại đứa cháu bà nuôi được 20 tuổi, cưới vợ cho nó, nó đẻ được 3 đứa con một lần, rồi nó cũng chết, vợ nó bị nhà mẹ bắt về gả chồng rồi, bỏ lại ba đứa nhỏ là cháu cố, họ nói tiếng dân tộc đớ đớ rất là khó nghe. Nhìn thấy bà già và ba trẻ nheo nhóc, Ni trưởng Như Ngộ rất thương tâm, thế là còn bao nhiêu tiền trong túi dốc hết cho bà, kể cả những chai dầu gió còn sót trong xách cũng được đưa ra. Chứng kiến những mảnh đời bất hạnh quá đỗi thương tâm như thế, nên dù xa xôi ngàn dặm, vất vả cả đêm, ngồi xe trên đoạn đường sau mùa lũ, nhưng vừa đi vừa được đấm lưng, nên Ni trưởng rất vui. Với tấm lòng từ bi quảng đại, Ni trưởng đến với bà con ruột thịt, không nỡ khước từ.
Một buổi chiều, tôi lại theo chân Ni trưởng đến Bệnh viện Ung Bướu, đường Nơ Trang Long để thăm viếng bệnh nhân. Cùng đi có Sư cô Trung Chính từ Lộc Uyển về. Chúng tôi được bệnh viện cử nhân viên dẫn đi từng phòng, từng giường, tặng cho bệnh nhân một chút tiền để phụ mua thuốc kèm theo lời an ủi bệnh nhân của quý Sư. Tôi tin rằng bệnh nhân sẽ bớt được cơn đau, vì niềm tin Tam Bảo được thể hiện qua chiếc áo lam, như những bà mẹ hiền đến bên giường vuốt ve, trìu mến khi con đau ốm.
Thương thay cho kiếp nhân sinh
Trong thân phải chịu bệnh tình oan khiên
Chấp tay cầu cứu mẹ hiền
Quán Âm Bồ tát linh thiêng độ đời.
Trên đường về, ánh nắng trải dài trên tàng cây ngọn cỏ, cơn gió thổi nhẹ, chúng tôi cảm nghe một niềm vui len lỏi vào tâm hồn.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-060)