Nhập thế là đặc điểm nổi bật của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng trở thành mục tiêu, lý tưởng và hành động cao đẹp trong phụng sự đạo pháp và dân tộc của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam giải thích: “Nhập thế là một khuynh hướng tư tưởng của một học thuyết, một tôn giáo chủ trương tham gia các hoạt động chính trị và giải quyết các vấn đề chính trị – xã hội thì Phật giáo không phải là một tôn giáo nhập thế. Trái lại, nó là một tôn giáo “xuất thế”. Nhưng trong sự phát triển của mình, không phải lúc nào Phật giáo cũng xa lánh các vấn đề chính trị – xã hội. Tùy điều kiện cụ thể mà lúc này hay lúc khác, nơi này nơi khác, đạo Phật thấy cần thiết phải tham gia hoạt động xã hội. Việc đó đã làm cho hoạt động Phật giáo trở nên sinh động và có ý nghĩa thời sự thiết thực1”. Trong Đạo Phật hiện đại hóa, Thích Nhất Hạnh cho rằng: Đạo Phật, trong chân tinh thần của nó, phải có cả hai mặt xuất thế và nhập thế, hai mặt này có liên hệ mật thiết với nhau. Xuất thế có nghĩa là nắm được chân lý của cuộc đời, làm chủ được mình, được tình thế và không còn bị sai sử, lung lạc, chìm đắm bởi cuộc đời. Còn nhập thế là đem từ bi và trí tuệ – bản chất của đạo Phật vào mục đích thiện hóa, mỹ hóa thế tục mà không phải để cho thế tục hóa. Không nhập thế thì không phải là đạo Phật nữa2. Như vậy, Phật giáo nhập thế là mang từ bi và trí tuệ của đạo Phật phụng sự nhân sinh, nhằm làm lợi ích cho cuộc đời, hướng con người theo các giá trị Chân, Thiện, Mỹ. Để nhập thế hoằng hóa độ sinh, Phật giáo chủ trương tùy duyên, khế lý, khế cơ; đây chính là nguyên lý căn bản nhằm thích ứng, phù hợp với xã hội các quốc gia, dân tộc.
Trong tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam, sự ra đời của tổ chức Ni bộ Nam Việt (1956), sau khi hợp nhất với Ni bộ Nam Việt và Trung Việt thì đổi tên thành Ni bộ Bắc tông (1964), là một sự kiện đặc biệt và độc đáo. Tổ chức này quy tụ hầu hết chư Ni Bắc tông ở miền Nam Việt Nam trong hàng ngũ một tổ chức thống nhất với đường hướng, nội quy, kế hoạch hoạt động rõ ràng và cụ thể. Trải qua 3 nhiệm kỳ hoạt động, trong vai trò là Vụ trưởng, Sư trưởng Như Thanh (1911-1999) và các vị Ni trưởng Huyền Học (1920-1994), Ni trưởng Liễu Tánh (1916-1982), là những thuyền trưởng cầm lái con thuyền Ni bộ vững vàng vượt qua bao khó khăn, thử thách, hoàn thành sứ mệnh. Đến năm 1972, Ni bộ Bắc tông quản lý 989 Ni chúng, 146 tự viện và 50 tịnh thất. Ngoài ra, còn điều hành 4 Phật học Ni viện là Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Quang, Diệu Đức với tổng số Ni chúng theo tu học là 335 vị, bao gồm cả Sơ cấp.
Trong khoảng 20 năm tồn tại, bên cạnh nỗ lực xây dựng tổ chức đoàn kết, hòa hợp để vững mạnh, trang nghiêm giới luật giúp tinh tấn tu hành theo lý tưởng giác ngộ, giải thoát, Ni bộ Bắc tông, với chủ trương nhập thế, đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, nhằm giúp đỡ người dân trong bối cảnh xã hội miền Nam đối mặt chiến tranh lan rộng. Qua đó góp phần chứng minh vai trò, vị trí to lớn của Ni giới đối với đạo pháp và dân tộc trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Tính nhập thế của Ni bộ Bắc tông mãi là nét son, góp phần tô đậm truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.
1. Mở trường học miễn phí cho trẻ em nghèo
Đây là hoạt động đầu tiên và nổi bật nhất của Ni bộ Bắc tông. Tiêu biểu nhất, sau khi thành lập chùa Huê Lâm (1945) tại Sài Gòn, đến năm 1952, Sư trưởng Như Thanh xây Trường Kiều Đàm, dạy bổ túc văn hóa cho Ni chúng cùng trẻ em nghèo địa phương đến học miễn phí với số lượng học sinh khoảng 200 em mỗi năm3. Đây là một địa chỉ tiên phong, mở đầu cho các hoạt động từ thiện xã hội phong phú, đa dạng của chư Ni sau này. Nhằm chăm lo giúp đỡ trẻ em, học sinh nghèo, hệ thống trường học trực thuộc Tổ đình Huê Lâm ngày càng mở rộng. Theo kết quả thống kê, ngoài Trường Tiểu học Kiều Đàm còn có Trường Trung Tiểu học Kiều Đàm (800 học sinh/năm), Trường Mẫu giáo Kiều Đàm (200 học sinh/năm4), Ký nhi viện Kiều Đàm ở Sài Gòn (800 học sinh/năm), Ký nhi viện Kiều Đàm ở Vũng Tàu (56 học sinh/năm). Hệ thống Trường Kiều Đàm, bắt đầu hình thành từ thập niên 50 của thế kỷ XX, là thành tựu nổi bật trong lĩnh vực giáo dục của Ni bộ Bắc tông. Sau này, với uy tín của mình, Sư trưởng Như Thanh tiến đến thành lập Hội Từ thiện Phật giáo Việt Nam với mục đích giúp đỡ giáo dục cho trẻ em nghèo5. Tính đến năm 1972, Ni bộ xây dựng mạng lưới ở các tỉnh, thành gồm 71 trường mẫu giáo sơ cấp với 12.300 học sinh6. Đây là một con số ấn tượng, mang ý nghĩa xã hội lớn lao trong thời điểm này! Ngoài ra, Ni bộ Bắc tông tổ chức thêm các lớp học cắt may, đan thêu miễn phí cho phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp tại chùa Huê Lâm (Sài Gòn), chùa Diệu Ấn (Ninh Thuận).
2. Phát triển hệ thống cô nhi – ký nhi viện, mở phòng khám và phát thuốc, trại dưỡng lão
Nhằm giúp đỡ người dân nghèo, nhất là ở nông thôn, tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục, Ni bộ Bắc tông đã tích cực xây dựng các cơ sở này ở hầu hết các tỉnh, thành miền Nam Việt Nam thời đó. Đặc biệt, chư Ni các tỉnh miền Trung chú trọng hoạt động này một cách thường xuyên, liên tục, bởi đây là vùng đất chịu nhiều mất mát, đau thương do tình hình chiến sự lan rộng, thiên tai thường ập đến. Tiêu biểu ở Huế, Ni trưởng Diệu Không (1905-1997) là vị Ni tâm huyết, khởi xướng các chương trình mở cô nhi – ký nhi viện và phòng khám chữa bệnh cho cộng đồng ở các tỉnh miền Trung: “Khi đã xuất gia, Ni trưởng cho xây dựng nhiều cô nhi viện, ký nhi viện như: Cô nhi viện Tây Lộc ở Huế, Cô nhi viện Diệu Định ở Đà Nẵng, Cô nhi viện Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang, Bình Thuận và Cô nhi viện Diệu Giác ở Sài Gòn để làm nơi gom nhặt những trẻ em cơ nhỡ, mồ côi sống lang thang về nuôi dưỡng… Chùa Hồng Ân mở trạm khám chữa bệnh miễn phí, cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân nghèo vùng núi non xa thị thành ở Dương Xuân và các vùng lân cận. Đồng thời, tổ chức những chuyến thăm khám lưu động ở các vùng trong và ngoài tỉnh7”. Theo Kỷ yếu Ni bộ Bắc tông năm 1972, hệ thống cô nhi – ký nhi viện thuộc Ni bộ Bắc tông bao gồm: chùa Long An (tỉnh Quảng Trị) mở một cô nhi – ký nhi viện nuôi 40 em; chùa Bảo Thắng mở ký nhi viện Diệu Nhân nuôi 338 em; chùa Bảo Quang (thị xã Đà Nẵng) có một cô nhi viện nuôi 150 em; Ni viện Diệu Quang (Khánh Hòa) lập ký nhi viện Phước Điền, nuôi 150 em; chùa Linh Sơn (Khánh Hòa) mở ký nhi viện nuôi 86 em; Kim Quang Ni thất (Khánh Hòa) nuôi 50 em; chùa Diệu Ấn (Ninh Thuận) nuôi 178 em; chùa Vạn Phước (Bình Dương) nuôi 100 em; chùa Diệu Tràng (Sài Gòn) nuôi 110 em; chùa Huệ Lâm (Sài Gòn) nuôi trên 100 em; chùa Diệu Giác (Sài Gòn) nuôi 120 em; chùa Huê Lâm (Sài Gòn) nuôi 50 em; chùa Quan Âm (Định Tường) nuôi 70 em. Riêng Ni bộ Thừa Thiên-Huế thành lập Cô nhi viện Tây Lộc nuôi 365 em và 15 ký nhi viện gồm 2.150 em; Ni bộ tỉnh Quảng Ngãi đảm nhận 1 cô nhi viện 300 em; Ni bộ Bình Định phụ trách 1 cô nhi viện gồm 120 em; Ni bộ Phú Yên đảm nhận 1 cô nhi viện gồm 150 em; Ni bộ Tuyên Đức quản lý 6 ký nhi viện, tất cả 1.000 em8.
Song song đó, cần kể đến các phòng thuốc phục vụ người dân nghèo được thành lập ở chùa Long An (Quảng Trị), chùa Tịnh Nghiêm (Quảng Ngãi), chùa Linh Phong (Tuyên Đức), chùa Huê Lâm (Sài Gòn), chùa Quan Âm (Định Tường) và 10 phòng phát thuốc của Ni bộ Thừa Thiên-Huế9 . Ngoài ra, về nuôi dưỡng người già neo đơn, cần ghi nhận Ni bộ Thừa Thiên-Huế quản lý một viện dưỡng lão, nuôi 40 người10. Qua các hoạt động này cho thấy chư Ni chia sẻ trách nhiệm xã hội để giúp đỡ các đối tượng tổn thương, đó là trẻ mồ côi, nhà nghèo và người già neo đơn, bệnh tật. Bên cạnh đó, Ni bộ khuyến khích các tự viện Ni, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện, mở ký nhi viện, phòng y tế, lớp dạy nghề để giúp đỡ con em đồng bào thiếu phương tiện cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng11. Để có thể chăm sóc tốt cho họ, nhất là chú trọng kỹ năng công tác xã hội, Ni bộ Bắc tông ra chủ trương và tạo điều kiện cho Ni chúng đăng ký học các khóa đào tạo y tá, dục nhi và dưỡng nhi, cán sự xã hội, sau đó phân công tham gia phục vụ tại các cơ sở này. Dương Hoàng Lộc cho rằng: “Hoạt động nuôi trẻ mồ côi, mở trường học, mở phòng khám chữa bệnh không chỉ xuất phát từ tấm lòng từ bi mà cần có sự đoàn kết linh hoạt và thống nhất chủ trương trong toàn bộ hệ thống, đặc biệt là trang bị kiến thức lẫn kinh nghiệm chuyên môn mới có thể hỗ trợ, giúp đỡ tốt cộng đồng, Sư trưởng Như Thanh cùng chư Ni lãnh đạo Ni bộ qua các nhiệm kỳ đã chủ trương vận động, tạo điều kiện cho nhiều vị Ni trẻ tham gia các khóa học đào tạo y tá, sư phạm mầm non, cán sự xã hội để tự tin dấn thân phụng sự xã hội12”.
3. Cứu trợ xã hội
Nhiều ngôi chùa Ni thuộc Ni bộ Bắc tông thường xuyên đi ủy lạo, phát quà cứu trợ người dân ở các vùng bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai, góp phần xoa dịu nỗi đau thương, mất mát của cộng đồng.
Về nguồn kinh phí duy trì, Ni bộ chủ trương tự túc bằng các cơ sở kinh tế nhà chùa, nhằm tránh lệ thuộc và bị động. Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972 ghi nhận nhiều tự viện Ni tích cực tham gia cứu trợ13: Chùa Long An đảm trách đặc ủy xã hội tỉnh Quảng Trị thường ủy lạo, cứu trợ đồng bào chiến cuộc; chùa Bảo Quang (Đà Nẵng) ủy lạo đồng bào chiến nạn tại các y viện; Ni bộ tỉnh Quảng Ngãi tham gia công tác cứu trợ đồng bào chiến nạn; Ni viện Diệu Quang (Khánh Hòa) tổ chức quyên góp tiền, gạo, thực phẩm, áo quần để cứu trợ nạn nhân chiến tranh, chăm sóc trẻ em trong trại tị nạn; chùa Viên Giác (quận 7, Sài Gòn) đi ủy lạo hàng năm; chùa Phổ Đức (Định Tường) mỗi năm có 3 kỳ ủy lạo các khám đường, bệnh viện, tích cực tham gia cứu trợ, “góp phần rất lớn vào việc xua tan nỗi đau khổ vì chiến cuộc, nghèo đói và bệnh tật của hàng chục, hàng trăm ngàn gia đình thiếu may mắn14”.
Kết luận
Những hoạt động từ thiện xã hội tiêu biểu của Ni bộ Bắc tông nêu trên cho thấy chư Ni dấn thân nhập thế bằng ý thức trách nhiệm xã hội, bằng năng lực nội tại hun đúc từ kiến thức và kỹ năng, nhất là lòng từ bi, để xoa dịu nỗi đau, vơi bớt khó khăn của nhiều gia đình, nhiều hoàn cảnh trong bối cảnh chiến tranh ngày một lan rộng và tàn phá ác liệt. Điều này góp phần thể hiện phẩm chất Bi – Trí – Dũng của những người con gái Đức Phật thời đó. Họ nhập thế để cứu khổ cứu nạn cho tha nhân, mang đạo vào đời, tỏa sáng từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Để đạt được những thành tựu nổi bật ấy, trước hết, Ni bộ Bắc tông phải là một tổ chức đoàn kết, vững mạnh, có đường hướng và mục tiêu hoạt động thống nhất, bám sát thực tiễn để triển khai các hoạt động phụng sự đạo pháp và dân tộc phù hợp tình hình thực tiễn xã hội. Ngoài ra, tính nhập thế của Ni bộ Bắc tông cho thấy vẻ đẹp lòng nhân ái, vị tha của người phụ nữ Việt Nam, góp phần thắp sáng giá trị nhân văn của con người Việt Nam.
TS. Dương Hoàng Lộc (ĐSHĐ-135)
- Nguyễn Tài Thư (Chủ biên, 2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB. Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.367-368.
- Thích Nhất Hạnh (2008), Đạo Phật hiện đại hóa, NXB. Văn hóa Thông tin Hà Nội, tr.7-8.
- Tổ đình Huê Lâm (1999), Sư trưởng Như Thanh: Cuộc đời và sự nghiệp, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.14.
- Tổ đình Huê Lâm (1999), Sđd, tr.104.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.17.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.3.
- Chùa Hồng Ân (2017), Ái Đạo Dư Hương, NXB. Thuận Hóa Huế, tr.15-16.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.14-17.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.14-17.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.14.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.32.
- Dương Hoàng Lộc (2019), “Sư trưởng Như Thanh người khởi xướng và tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội”, in trong NS.TS. Như Nguyệt (Chủ biên), Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa và phát triển Ni giới Việt Nam, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.106.
- Kỷ yếu Đại hội Ni bộ Bắc tông năm 1972, tr.14-17.
- Tổ đình Huê Lâm (1999), Sđd, tr.97.