2. Khổ
Là tính chất của sự vật, là cơ sở của Tứ Diệu Đế (khổ đế) bởi vạn vật chịu chi phối của sự vô thường, thành trụ hoại không, thân tứ đại thì chịu sanh, lão, bệnh, tử. Theo cách nhìn của đạo Phật đời là bể khổ.
Đời là bể khổ bấp bênh ngoài
Đời dẫn người đời đến gốc gai
Đời buộc thiện nhân tu thiện chí
Đời đưa thiện quả đến tương lai.
Chân lý thứ nhất – Khổ đế – của Tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau:
Xét theo nguyên nhân và mức độ gây khổ thì có tam khổ (ba loại khổ), còn nếu xét theo hình thức sự việc thì có bát khổ (tám loại khổ).
Tam khổ
1. Khổ khổ: là khổ này chồng chất khổ kia, ví dụ đã nghèo đói còn gặp nạn bão lũ…
2. Hoại khổ: Sự hư hoại không mãi còn của thân người, sự vật hiện tượng, làm chúng ta đau khổ. Không ra khỏi sanh, lão, bệnh, tử đối với thân và thành, trụ hoại, không đối với sự vật, hiện tượng.
3. Hành khổ: là sự vận hành tiếp nối của sự khổ theo tính chất nhân quả luân hồi. Ví dụ thân ta tạo nghiệp xấu ở kiếp này, như giết người, trộm cắp. Sự khổ khi vào lao lí, bị tử hình đó là khổ ở đời này, khổ này vận hành tới đời sau, do giết người, nên chết yểu, mạng sống ngắn, trộm cắp của người sanh ra nghèo khổ thiếu thốn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc…
Bát khổ
1. Sanh nghĩa là khi chúng ta nằm trong bào thai chật hẹp cũng khổ, khi sanh ra đời bật tiếng khóc đầu tiên, lớn lên kiếm tiền mưu sinh, làm lụng vất vả… quả thật sanh ra là khổ.
2. Lão: Khi già nua, răng rụng, mắt mờ, tai điếc, bệnh hoạn, đau nhức cơ thể không còn khỏe mạnh như thời trung niên.
3. Bệnh: Già thì phải bệnh, đủ thứ bệnh trên cuộc đời.
4. Tử: Bệnh xong thì tới giai đoạn chết, giã từ cuộc đời, còn gì đâu nữa?
5. Ái biệt ly khổ: Yêu thương xa lìa là khổ.
6. Oán tắng hội khổ: Ghét gặp nhau là khổ.
7. Cầu bất đắc khổ: Cầu xin không được là khổ.
8. Ngũ ấm xí thạnh khổ: Năm ấm chống trái nhau là khổ.
3. Vô ngã
Là không có ngã, chẳng có cái gì trường tồn, bất biến, vững chắc, tồn tại mà không phụ thuộc vào cái khác, sự vật có mặt là do duyên sinh khởi phát, sự vật không có quyền với sự sinh ra và sự hoại diệt của chính nó. Ví dụ thân người này thật là ta thì khi ra lệnh cho nó không được già, không được bệnh không được chết, nó phải nghe theo thì mới là ta, đằng này ngược lại, chính vì tứ đại không có thực thể, sắc thân ngũ uẩn này vô ngã, không phải là tôi mà chỉ là tập hợp của ngũ uẩn.
Ngũ uẩn: Vốn không có thực thể, nếu có thực thể thì sẽ không bị vô thường chi phối và sẽ còn mãi. Như thân tứ đại này của chúng ta, được cấu thành từ đất, nước, gió, lửa, hay còn gọi là Ngũ ấm (ấm là ngăn che), Ngũ uẩn (uẩn là chứa nhóm) vì không có thực thể nên không thể trường tồn mãi mãi.
“Thân này không phải là tôi
Tôi không kẹt vào nơi thân ấy
Tôi là sự sống thênh thang
Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.”
(Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Các pháp vô ngã, nghĩa là không có tánh cố định, tùy theo tâm người mà nó hiện. Vì không cố định cho nên, nói vô ngã. Vô ngã là vậy, chớ không phải pháp vô ngã là pháp không có ta. Pháp không cố định thay đổi tùy theo tâm của con người.
“Vạn pháp duy tâm tạo”.
Mối liên hệ của Tam Pháp Ấn và cuộc sống thực tế ứng dụng tu tập.
Lợi ích:
+ Giúp người tu vượt qua khỏi vô minh tham ái, giảm tham ái về thân, tâm, hoàn cảnh…
+ Giúp chúng ta bớt tham muốn, ít muốn biết đủ.
+ Giảm sự chấp trước về mọi thứ đặc biệt là ngã (là tôi) và ngã sở (của tôi), chấp thường (đời này được làm người, mãi về nhiều đời sau luôn được làm người tiếp tục), chấp đoạn (chết là hết).
+ Nhân nơi vạn cảnh vô thường, nhận được và tập sống dần với cái chân thường nơi mỗi chúng ta.
Ta bà khổ lắm ai ơi
Kiếp người khó được là nơi bắt đầu
Đừng mong đừng muốn đừng cầu
Tiền tài danh lợi nỗi sầu bi ai
Quán tưởng nghĩ đến ngày mai
Tứ đại tan rã có ai được gì
Sinh ra tay trắng có gì
Đến khi xuống đất được gì trong tay
Cho nên, phải biết phải hay
Làm lành tránh dữ nghiệp xoay luân hồi
Thành tâm tu tập ta ngồi
Tin lời Đức Phật vun bồi kiếp sau.
TAM ĐỒ TRONG TA
Nhìn lại kiếp sống đã qua
Tam đồ ác đạo hóa ra tâm mình
Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh
Đường nào cũng có điêu linh kiếp trần.
Hỏa đồ lửa đốt cháy thần
Đao đồ đâm chém tất phần tứ thân
Huyết đồ cắn xé bất nhân
Còn đâu đạo nghĩa đạo nhân con người.
Vậy nên xin hãy đừng lười
Đừng gieo oan trái đồng thời phát tâm
Đừng sân, đừng hận, đừng thâm
Cái tâm hung ác mê lầm bỏ đi
Bao nhiêu nghiệp chướng sân si
Ta đem vứt hết nghiệp đi đâu còn
Mong ta hãy giữ tâm tròn
Tin sâu nhân quả sẽ còn phước duyên.
Một mai tâm sẽ tinh chuyên
Bạn lành thầy tốt tuyên truyền điều hay
Những điều Phật dạy lành thay
Đoạn ác tu thiện rõ bày trong kinh.
Cho nên, ta hãy giữ mình
Ăn chay niệm Phật tầm thinh cứu mình
Cố gắng giữ giới tâm bình
Cầu xin Đức Phật rõ tình xót thương.
Từ bi hỷ xả dẫn đường
Buông bỏ tất cả chơn thường bên ta
Mong cho tất cả nhà nhà
Ấm êm hạnh phúc Ta bà an vui.
(Phật tử Nhuận Đức)
Qua nội dung của Tam Pháp Ấn giúp chúng ta nhận thức đúng về mọi vật, có Chánh kiến, thấy rõ về Tam Pháp Ấn vô thường, khổ-vô ngã, năm uẩn vốn không, không chấp để ràng buộc vào tự ngã, nhìn sai lầm về các pháp. Tam Pháp Ấn: là chìa khoá để mở ra cánh cửa giải thoát, quán niệm để chuyển hóa thân và tâm. Chúng ta cùng cố gắng nỗ lực, tinh tấn dẹp mây mù, nhận chân và tập sống dần với cái bất hoại, nơi thân ngũ uẩn, tứ đại bại hoại này. Lập chí hùng cường, không bao giờ bỏ cuộc, kiên tâm bền chí với lý tưởng tu tập tốt đẹp trong mọi hình thức từ cư sĩ hoặc tu sĩ đều có thể ứng dụng tu tập trong đời sống thực tế.
“Phật ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân quên gốc nên ta tìm Phật
Đến lúc biết rồi thì Phật chính là ta.”
(Vua Trần Nhân Tông)
Được như thế thì cuộc đời này tươi đẹp biết bao, thêm một người biết tu, sống thiện lành thì nhân gian bớt đi một tù nhân, số lượng nhà tù giảm xuống khi được nhiều người biết quay đầu hướng thượng sống đúng chánh pháp. Chúng ta hãy cùng học pháp, cùng tập tu, ứng dụng những điều ta đã học vào cuộc sống thực tế thì lợi ích an vui biết dường nào.
“Tu mà không học là tu mù
Học mà không tu là đãy đựng sách.”
(HT. Thích Khánh Anh)
Hải Thuần Bảo Hải (ĐSHĐ-135)