Đại lễ trùng tụng Tam tạng lần thứ 18 tổ chức tại Tháp Đại Giác (Mahabodhi Temple, Bodhgaya, Ấn Độ) từ ngày 02-12/12/2024, dấu mốc quan trọng không chỉ cho đời sống Phật giáo đương đại mà còn ẩn trong đó vai trò của Tăng đoàn dưới trọng trách đảm đương gánh vác sứ mạng Thế Tôn giao phó bảo tồn, tiếp nối và truyền bá. Đại lễ là cầu nối gắn kết thế hệ hôm nay với dòng chảy lịch sử của sáu kỳ kết tập kinh điển thời quá khứ.
1. Kỳ kết tập lần thứ nhất: Diễn ra ngay sau khi bậc Chánh Đẳng Giác rời bỏ nhục thân nhập Niết-bàn (khoảng năm 483 TCN) tại thành Rājagṛha, do ngài Mahākāśyapa chủ trì.
2. Kỳ kết tập lần thứ hai: Diễn ra khoảng 100 năm sau kỳ kết tập lần thứ nhất, tại thành Vaiśālī, nhằm giải quyết những bất đồng về Giới luật.
3. Kỳ kết tập lần thứ ba: Diễn ra dưới triều đại vua Aśoka, khoảng năm 250 TCN, tại thành Pātaliputra, với mục tiêu xác định và bảo tồn Kinh điển.
4. Kỳ kết tập lần thứ tư: Diễn ra tại Kashmir, dưới sự bảo trợ của vua Kaniṣka, khoảng thế kỷ 1 CN. Lần này, các kinh điển được biên soạn và dịch sang tiếng Sanskrit.
5. Kỳ kết tập lần thứ năm: Diễn ra tại Mandalay, Myanmar, vào năm 1871 dưới sự bảo trợ của vua Mindon. Kỳ kết tập này nhấn mạnh việc bảo tồn Kinh điển trong thế kỷ XIX.
6. Kỳ kết tập lần thứ sáu: Diễn ra tại Rangoon, Myanmar, vào năm 1954-1956. Đây là kỳ kết tập quy mô lớn nhất với sự tham gia của các nhà Sư từ nhiều quốc gia và hệ phái khác nhau.
Sau sáu kỳ kết tập, giáo pháp được hệ thống hóa một cách chính xác và chặt chẽ, bảo đảm sự toàn vẹn và tính thuần khiết của lời Thế Tôn dạy. Về sau không còn hình thức kết tập mà chuyển qua trùng tụng (tụng đọc lại).
Đại lễ trùng tụng tái hiện tinh thần đoàn kết và hòa hợp của sáu kỳ kết tập trước, hướng đến mục tiêu bảo tồn Pháp bảo giữa bối cảnh thế giới đang trong vòng biến đổi. Chính việc tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng nơi khởi nguồn giác ngộ càng làm nổi bật sứ mệnh linh thiêng này.
Vai trò đặc biệt của Campuchia
Với vai trò nước đăng cai, Campuchia đã tổ chức lễ khai mạc ấn tượng bắt đầu với cuộc diễu hành trang nghiêm từ Kalachakra Ground đến tháp Đại Giác. Sắc màu của cờ Phật giáo đại diện cho các Tăng đoàn từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ bay phấp phới dưới thời tiết 5 độ nơi đất Phật đang vào đông làm lòng người con Phật dâng tràn niềm xúc động sâu xa.
Giới luật và thông điệp giác ngộ
Vinaya-pitaka, điểm nhấn của đại lễ. Nếu tạng kinh cung cấp lời dạy của Thế Tôn, tạng Luận đưa ra sự phân tích đánh giá thì tạng Luật chính là xương sống trong đời sống tu tập. Dù không trực tiếp đưa đến chứng đắc nhưng đây là nền tảng mang tính thiết yếu của sự giải thoát và duy trì mạng mạch Phật pháp.
Lời tụng Pāli có một lực chiêu cảm đặc biệt không chỉ khiến người nghe nhận diện được uy phong mà còn đưa nhịp đập trái tim của Tăng đoàn hôm nay hòa điệu cùng Tăng đoàn thuở trước. Đồng thời, giúp nhớ lại các quy tắc cốt lõi, thiết yếu và khuyến tấn hành giả, đặc biệt là giới trẻ Phật tử, không chỉ nên gia tâm học hỏi mà phải dấn thân thực hành Pháp và Luật để an lạc có mặt trong đời sống hiện tại.
Gắn kết cộng đồng quốc tế
Với sự tham gia của hơn 10.000 Tăng Ni cùng Phật tử từ nhiều quốc gia, đại lễ không đơn thuần như dịp trùng tụng Tam tạng mà còn là cầu nối gắn kết các truyền thống Phật giáo trên toàn cầu. Từ các nước như Campuchia, Myanmar, Lào, Việt Nam, cho đến Hoa Kỳ.
Biên giới, sắc tộc, màu da, giai cấp đã hoàn toàn hòa tan vào nhau. Đặc biệt, sự tham gia của đại biểu ngoại giao từ các quốc gia như Ấn Độ và Hoa Kỳ đã cho thấy tầm ảnh hưởng vượt cả thời gian, không gian của di sản mà Thế Tôn để lại.
Không gian linh thiêng và di sản toàn cầu
Dưới cội Bồ đề, sự kiện đã mang đến những giây phút kết nối trực tiếp các hành giả với nguồn mạch giáo lý giác ngộ, nơi bước chân của bậc Đại Giác đã từng qua.
Như Ajahn Amaro người phát ngôn chính của buổi lễ chia sẻ, việc tụng đọc lại những lời dạy của Đức Phật tại nơi này làm tăng cường sự gần gũi giữa người hành Pháp hôm nay và bậc Thầy cao cả ngày xưa. Hơn thế nữa, Bồ Đề Đạo Tràng, một di sản văn hóa thế giới, càng khẳng định vai trò là “trái tim” của Phật giáo quốc tế.
Gợi mở cho tương lai
Đại lễ trùng tụng lần thứ 18 không chỉ như sự kiện tụng đọc lại Tam tạng mà đây là lời nhắc mạnh mẽ về trách nhiệm bảo tồn Pháp bảo. Việc duy trì và phát triển các kỳ trùng tụng trong tương lai vô cùng cần thiết để thế hệ mai sau tiếp tục “lấy Pháp và Luật làm thầy” như lời căn dặn cuối cùng của bậc Đại Giác trước khi tịch diệt.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng mở ra cơ hội hợp tác đa phương giữa các quốc gia Phật giáo và cộng đồng quốc tế, góp phần lan tỏa thông điệp hòa bình và từ bi trong bối cảnh thế giới gia tăng bất ổn.
Lễ trùng tụng Tam Tạng đã trở thành biểu tượng của lòng tín ngưỡng, sự hòa hợp và trí tuệ vô tận mà Đức Phật đã trao tặng cho nhân loại.
Phương Dung (ĐSHĐ-136)