“Và bao giờ con cũng phải đọc tiếng “thầy” một cách trân trọng vì sau tiếng “cha” thì tiếng “thầy” là tiếng cao quí hơn cả, là tiếng đẹp đẽ hơn cả mà một người có thể đem tặng người khác.”
(Edmond de Amicis – Tâm hồn cao thượng).
Giữa xã hội, quan hệ Thầy – trò được xem là một trong những mối quan hệ quan trọng và thiêng liêng nhất. Người thầy đóng một vai trò không thể thay thế được cho sự hình thành nhân cách đạo đức và phát triển trí tuệ của người học trò. Đối với Phật giáo, mối quan hệ này càng trở nên đặc biệt thiêng liêng và cao cả. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường nghe bàn nhiều đến vai trò của người thầy mà ít luận hơn về bổn phận của một người đệ tử. “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, quan hệ thầy – trò cũng vậy, có học trò mới có người thầy, như tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên” thì làng hài cũng có câu đùa: “Không trò đố thầy dạy ai”, ngụ ý là tất cả đều ở trong một mối tương quan tương duyên, cái này có vì cái kia có. Bài viết của chúng tôi khảo sát về đề tài “Bổn phận của người học trò trong đạo Phật” dựa trên một số Kinh, Luật và Luận để góp phần làm sáng thêm ý nghĩa và giá trị của mối quan hệ thầy – trò.
1. Đức Phật: người chỉ đường
Chúng ta đều biết rằng sau khi thành đạo, Đức Phật chưa chuyển pháp luân ngay vì sợ pháp của Ngài tế nhị, sâu kín, không ai có thể tiếp nhận. Sau khi chấp thuận lời cầu thỉnh của chư Thiên, Đức Phật đã nghĩ đến hai vị thầy đầu tiên của mình và muốn chia sẻ kinh nghiệm cho họ. Vì hai vị thầy đều đã tịch, Đức Phật tìm đến năm anh em Kiều Trần Như và từ đây mối quan hệ thầy – trò trong Tăng đoàn đã được thiết lập.
Một trong mười danh hiệu của Đức Phật là “Thiên nhân sư”, nghĩa là bậc thầy của trời và người. Đức Phật tự nhận mình là vị đạo sư, tức là người chỉ đường: “Như Lai như vị lương y, biết bịnh mà chỉ thuốc, còn uống hay không, không phải lỗi của lương y. Lại như người dẫn đường rất tốt, chỉ dẫn đường tốt cho người, nhưng nghe rồi mà không đi, thì không phải lỗi của người dẫn đường.” (Kinh Di giáo, Hòa thượng Trí Quang dịch). Trong Kinh Trung Bộ, kinh Ganaka Moggallana số 107, Ngài cũng dạy: “Này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường”.
2. Vai trò, tư cách và phẩm chất cần có của người Thầy trong đạo Phật
Trước khi thành đạo, Đức Phật cũng đã trải qua thời gian cầu học với những vị thầy xuất sắc nhất bấy giờ. Ngài đã tỏ ra là một người học trò không chỉ thông minh xuất chúng mà còn khiêm cung và nỗ lực hơn ai hết. Sau khi không còn học hỏi thêm được gì nữa, Đức Phật đã quyết định dựa vào kinh nghiệm tự thân để một mình tìm đạo và chứng đạo. Mục đích của Ngài khi truyền trao kho tàng chánh pháp đó là vì để “đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Kinh Tăng Chi Bộ).
Như vậy, vai trò đầu tiên của người Thầy trong đạo Phật cũng chính là để thực hiện mục đích đó. Sứ mạng “tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, duy trì mạng mạch Phật pháp cũng là để thực hiện mục đích đó. Đức Phật đã khẳng định trong kinh Tương Ưng Bộ rằng: “Này Ānanda, toàn phần đời sống phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du”. Từ đó, yếu tố phẩm chất không thể thiếu của một vị Thầy chính là trí tuệ, Bồ Đề tâm và lòng bi mẫn. Cùng với những phẩm chất quan trọng khác, ví dụ như: “1. Một vị thầy tâm linh phải có hành vi đạo đức phù hợp, không làm tổn hại người khác mà ngược lại còn giúp đỡ họ; 2. Có khả năng định tĩnh; 3. Không chấp ngã và không có những ý niệm về tự ngã; 4. Giảng dạy mọi người với tâm thương yêu, không vụ lợi; 5. Có sự hiểu biết, có tri thức phù hợp; 6. Chuyên tâm giảng dạy không biết mệt mỏi; 7. Thông thạo nhiều kinh điển; 8. Nghiên cứu sâu và thực chứng nhiều hơn học trò; 9. Khéo thuyết giảng; và 10. Không thất vọng và bỏ rơi học trò khi họ có những biểu hiện chưa tốt. Nếu được thì nên tìm những vị thầy tâm linh hội đủ 10 phẩm chất nói trên, hoặc ít nhất là 5 phẩm chất đầu.” (Làm sao để kiếm tìm vị thầy tâm linh? – Nguyệt san Giác ngộ).
Sự thật là rất khó để biết được những phẩm chất bên trong một con người, một người Thầy cũng vậy. Không thể nhìn nhận phẩm chất một người Thầy thông qua số đệ tử mà họ có hay danh tiếng của họ. Truyền thống Ấn Độ cổ cho rằng cần tới 12 năm để tìm hiểu một vị thầy tâm linh, trong thời gian đó, chúng ta chỉ nên xem họ là một bậc thiện tri thức mà đừng vội tin tưởng gì ở họ cả.
Người Thầy trong đạo Phật phải vừa là hiện thân vừa là nguồn cảm hứng cho người học trò trong việc học và hành chánh pháp. Trong ý nghĩa đó, người thầy tâm linh là người chỉ cho người học trò thấy vị thầy bên trong họ để từ đó giúp họ đạt đến trí tuệ, như Ngài Lama Thubten Yeshe từng dạy: “Một vị thầy tâm linh là một người thật sự có thể chỉ cho bạn thấy Phật tánh trong tâm bạn và là người biết những phương thuốc tuyệt hảo để chữa trị những tâm bệnh của bạn”.
Người Thầy trong đạo Phật đặc biệt phải có yếu tố vô ngã, vị tha, đồng thời luôn cảm thấy một nỗi buồn thương vô hạn trước thực tại đau khổ của luân hồi, từ đó có kinh nghiệm về buông bỏ, xả li và khuyến khích học trò có những trải nghiệm này.
Tư cách cần có của một người Thầy khi nhận đệ tử đã được ghi trong nhiều Kinh, Luật. Ví dụ kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Mười pháp nói về tiêu chuẩn của người Thầy khi muốn trao truyền giới pháp, nuôi dạy Sa – di: “Vị Tỳ-kheo đó có giới, sống được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha; đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp; là người nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, cất chứa điều đã được nghe… khéo thông hiểu, khéo quyết định, theo kinh, theo chi tiết; Vị ấy có khả năng nuôi dưỡng bệnh nhân hay khiến người nuôi dưỡng; có khả năng làm cho tịnh chỉ bất mãn hay khiến tịnh chỉ bất mãn; có khả năng đoạn trừ đúng pháp ác tác khởi lên; có khả năng phân biệt chỉ trích tà kiến khởi lên; có khả năng khích lệ trong tăng thượng giới; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tâm; có khả năng khích lệ trong tăng thượng tuệ”.
Về tư cách lý tưởng, Tứ Phần luật dạy, nếu chưa thành tựu năm pháp sau thì chưa thể truyền cụ túc cho người. Năm pháp đó là:
1. Giới chưa thành tựu;
2. Định chưa thành tựu;
3. Tuệ chưa thành tựu;
4. Giải thoát chưa thành tựu;
5. Giải thoát tri kiến chưa thành tựu.
Luật Thập tụng quy định người Thầy phải thành tựu 5 pháp: tín, giới, đa văn, xả, tuệ.
Về tư cách chung, Tăng kỳ luật nêu rõ người thầy phải thành tựu 10 pháp mới được độ người xuất gia, thọ cụ túc. Đó là:
1. Trì giới;
2. Học rộng A-tì-đàm;
3. Học rộng Tì-ni;
4. Học giới;
5. Học định;
6. Học tuệ;
7. Biết rõ pháp xuất tội;
8. Đủ khả năng chăm sóc người bịnh;
9. Có khả năng giải quyết những khó khăn cho đệ tử;
10. Tuổi đủ 10 hạ.
Nhìn chung, theo luật định, tư cách người thầy cần có năm điều chủ yếu:
1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2. Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
3. Kiến thức phải rộng rãi.
4. Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5. Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử. (Dẫn theo Đại đức Thích Trung Thiện – Vai trò người thầy trong trọng trách duy trì mạng mạch Phật pháp, Tạp chí Văn hóa Phật giáo).
Kinh Ưu bà tắc giới, Đức Phật dạy người thầy đối với đệ tử phải: “Một lòng dạy dỗ, xem họ như đứa con một của mình, mà không cầu sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình”. Tứ phần luật nói: “Hòa thượng khán đệ tử, đương như nhi ý; đệ tử khán Hòa thượng, đương như phụ ý. Triển chuyển tương kính, trọng tương chiêm thị, như thị chánh pháp tiện đắc cửu trụ”. Nghĩa là, Hòa thượng đối đãi đồ đệ, giống như cha mẹ đối đãi con cái; đồ đệ cư xử với Hòa thượng, giống như con cái cư xử với cha mẹ. Tương kính nhau, coi trọng nhau, Chánh pháp như thế liền được trụ lâu ở đời.
Kinh Thiện Sinh trong kinh Trường A – hàm do Hòa thượng Tuệ Sỹ dịch, dạy về sự săn sóc của một bậc Sư trưởng đối với đệ tử như sau:
1. Dạy dỗ có phương pháp.
2. Dạy những điều chưa biết.
3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.
4. Chỉ cho những bạn lành.
5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.
Quảng Luận (ĐSHĐ-134)