Hạnh phúc thay Ni giới được xuất gia, học đạo, hành đạo như ngày hôm nay, là nhờ ân đức của Đức Phật. Ngài thị hiện trên cõi đời này đã san bằng mọi bất công của xã hội. Đức Phật đã thiết lập một xã hội đầy tính nhân văn, không có phân chia giai cấp trong một con người, khi dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn.
Xá Vệ trăng gầy soi lối cũ
Kỳ Hoàn Tịnh Xá áo sờn vai.
Đã bao lần Ngài A Nan thưa thỉnh, kể lể đủ điều, nhưng Đức Phật vẫn một mực từ chối. Đức Thế Tôn bảo: “Này A Nan, Ta đã biết điều ấy, nhưng vì độ người nữ vào Giáo đoàn, Chánh pháp sẽ bị hoại diệt 500 năm”. Nhưng Ngài A Nan cố khẩn cầu, cuối cùng Đức Thế Tôn từ bi hứa khả, nhưng Ngài ban hành Bát Kỉnh Pháp.
Tộc tánh nữ lắng nghe, Đức Như Lai vô sở trước đẳng Chánh Giác tuyên thuyết pháp Bát Kỉnh, Tỳ kheo ni trọn đời tán thán không được tái phạm.
1. Tỳ kheo ni tuy 100 tuổi Hạ, thấy Tỳ kheo mới thọ giới phải đứng dậy nghinh tiếp, chào hỏi, lễ bái mời ngồi.
2. Tỳ kheo ni không được mắng nhiếc Tỳ kheo.
3. Tỳ kheo ni không được cử tội, nói lỗi Tỳ kheo, nhưng Tỳ kheo được phép cử tội Tỳ kheo ni.
4. Tỳ kheo ni ở trong Đại Tăng cầu thọ Chánh giới.
5. Tỳ kheo ni phạm tội Tăng Tàn, phải ở trong hai bộ Tăng hành phép Ma Na Đỏa.
6. Mỗi nửa tháng Tỳ kheo ni phải đến trong Tăng cầu người Giáo Thọ.
7. Tỳ kheo ni không được ở chỗ không có Tỳ kheo mà Kiết Hạ An cư.
8. Hạ An cư rồi phải đến Tỳ kheo cầu 3 việc Tự Tứ Thấy, Nghe, Nghi.
Ngài Kiều Đàm Di Mẫu trực tiếp lãnh thọ và phụng hành. Cho đến khi gần nhập diệt, Ngài đã dành trọn thời gian tu tập xây dựng Ni đoàn, trở thành nơi nương tựa cho hậu thế Ni lưu.
Ngày 05-06/02 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 22-23/3/2018), chúng tôi được về tham dự Lễ Tưởng niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo tại tỉnh Đồng Nai. Theo bối cảnh lịch sử, Ni giới được bắt nguồn từ thời Di Mẫu. Trong quá trình độ đời, chính Đức Phật là người đầu tiên chấp thuận và sáng lập Giáo đoàn Ni, tức là cho phép thành lập một đoàn thể phụ nữ có Giới luật và kỷ cương, vào khoảng năm thứ 20 trên bước đường hóa duyên độ chúng.
Trong hàng Thánh đệ tử, Đức Thế Tôn đã khen ngợi Tỳ kheo ni Đại Ái Đạo có phẩm hạnh thâm đạt, trí tuệ, giới hạnh và tinh thần vững chắc, tự tại từng nhập, từng xuất, mười tám pháp thần biến dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn trước khi nhập diệt. Đó là kết tinh của quá trình tu tập, miên mật. Không dừng lại ở đó, Tỳ kheo ni Đại Ái Đạo còn nương oai đức của Đức Thế Tôn đã hướng dẫn cho Ni chúng từng bước tu tập đi vào Thánh vị.
Các bài tham luận của chư Tôn Thiền Đức là những bài học quý giá, sâu sắc, thâm thúy. Điển hình là hành trạng và sự hy sinh của Ni trưởng Huệ Hương, hiện là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Đồng Nai. Ni trưởng đã và đang là chiếc cầu nối cho đồng bào nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, thiếu phương tiện học hành, thiếu nơi thờ cúng tâm linh. Ni trưởng Huệ Hương cũng là người tiên phong nhận cờ luân lưu tổ chức Hội thảo Sakyadhita tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ni trưởng Huệ Giác cũng không kém phần xuất sắc với những hành động bảo vệ hành tinh xanh. Ni trưởng chẳng quản gian lao, chẳng từ khó nhọc, đi gieo hạt giống thiên nhiên, đem lại sinh khí mới cho cuộc đời. Với những cống hiến đối với việc trồng và bảo vệ rừng, Ni trưởng là tấm gương sáng cho chư Ni hậu học chúng con noi theo, luôn tâm đắc và cảm phục.
Chư Ni hiện nay trên ba miền Nam, Trung, Bắc có được sự thống nhất hòa hợp như nước với sữa. Cụ thể như Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai, thành đạt như ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự gia hộ của mười phương Chư Phật, chư Tổ và chư Ni Phật giáo Việt Nam tiền bối hữu công. Các Ngài đã gia hộ cho chúng ta một năng lượng vững chải, trên bước đường tu học. Các bậc Tôn túc trong Giáo hội đã và đang từng bước nâng đỡ chư Ni như: mở trường Cao, Trung, Đại học Phật giáo hay các khóa Trụ trì, Giảng sư,… và Ni giới đều có mặt trong các lớp học. Các Ngài hợp tác hài hòa hay chia sẻ an lạc trong các Phật sự từ Trung ương đến địa phương.
Nhiều vị Tôn túc Ni gương mẫu được chư Tăng quý kính, thường được mời đến để trao đổi Phật sự, chẳng hạn như Sư trưởng thượng Như hạ Thanh. Vào dịp đảnh lễ Khánh tuế Sư trưởng, tôi được nghe Hòa thượng thượng Như hạ Tín, nguyên Phó ban Tăng sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, kể về tài năng, đức độ của Sư trưởng: “Vào thế kỷ XX, có bốn vị Ni xuất sắc là: Ni trưởng Chí Kiên, Ni trưởng Huyền Huệ, Ni trưởng Huyền Học và Ni trưởng Như Thanh. Mỗi vị chỉ giỏi về một môn, riêng Ni trưởng Như Thanh rất giỏi, giỏi về mọi mặt và Ni trưởng thực hành Bát Kỉnh Pháp, Giới luật nghiêm minh. Tôi nhớ có lần Ni trưởng bị bệnh, nhưng đến giờ thiết lễ Cầu an, Ni trưởng vẫn bảo đệ tử đưa ra đảnh lễ đại Tăng, khiến huynh đệ chúng tôi rất xúc động.”
Sư trưởng thượng Như hạ Thanh
Lập nên trang sử lưu danh với đời
Chèo thuyền Bát Nhã ra khơi
Khêu đèn trí tuệ tuyệt vời trần gian.
Chúng ta cũng biết, không phải vô duyên cớ mà Đức Thế Tôn chế ra Bát Kỉnh Pháp cho Tỳ kheo ni. Nếu không vì sự an toàn, tốt đẹp, lợi ích, tương lai cho hai bộ Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, cũng như để trang nghiêm Giáo hội, chắc chắn Đức Thế Tôn không chế ra Bát Kỉnh Pháp. Nhất là việc Đức Phật dùng Bát Kỉnh Pháp để trợ duyên cho Tỳ kheo ni thuận lợi trong việc tu tập, cũng đạt được quả vị ngang hàng với Tăng. Thực tế, Ni giới Việt Nam luôn luôn được sự bảo hộ của chư Tăng trong tu tập và hành đạo.
Ở Việt Nam, sau năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Sư trưởng Như Thanh đứng ra kêu gọi các Trưởng lão Ni chọn ngày Đức Phật Thích Ca xuất gia, ngày 08/02 âm lịch làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di Mẫu. Phẩm Đại Ái Đạo nhập Niết Bàn, Kinh Tăng Nhất A Hàm số 52 chỉ nói về chuyện Ngài Kiều Đàm Di nghe tin Đức Phật gần ba tháng nữa sẽ nhập diệt, nên xin phép Phật nhập Niết Bàn trước, Đức Phật im lặng đồng ý, không nhắc đến ngày viên tịch của Ngài Kiều Đàm Di.
Các em Ni trẻ thân mến, các em phải biết muốn thoát ly sanh tử luân hồi là nhờ Giới luật và cũng chính Giới luật là thềm thang, là cửa ngõ duy nhất vào cung điện Niết Bàn. Nhưng Chánh giới chúng ta thọ nhận là do đại Tăng truyền trao, vậy chúng tôi cũng như các em phải tuân hành Bát Kỉnh Pháp. Quý Ngài là tàng cây đại thọ, là thạch trụ nơi chốn tòng lâm, là người Cha tinh thần của chúng ta. Ông bà thường nói: “Con có Cha như nhà có nóc”. Nếu trong Giáo hội không có đại Tăng bảo hộ, Ni chúng chúng ta sẽ được an lạc như thế này. Đức Thế Tôn dạy điều thứ bảy của Bát Kỉnh Pháp: “Tỳ kheo ni không được ở chỗ không có Tỳ kheo mà Kiết hạ an cư”. Ngài chỉ sợ chúng ta bị nạn phạm hạnh hoặc bị ngoại đạo lấn hiếp. Cho nên, chúng ta tuân hành Bát Kỉnh Pháp sẽ được nhiều lợi lạc trong đời sống Tăng lữ và phụng hành theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, là thuận theo Chánh pháp.
Các em tôn kính các bậc Tôn túc giáo phẩm trong Giáo hội, là các em đã xây dựng Tịnh độ ở trần gian. Thời Đức Phật còn tại thế, hễ Tỳ kheo ni phạm vào giới cấm, Đức Phật nhóm chúng Tăng gạn hỏi, rồi Ngài bảo các thầy Tỳ kheo: “Hãy Kiết giới cho Tỳ kheo ni”. Như thế, chúng ta đủ biết công đức của đại Tăng lớn lao biết dường nào.
TKN. Phước Giác
Sc. Vạn Dung diễn đọc