Làm lễ cúng xong mồng ba Tết, cha quay sang bảo tôi: “Con nhớ thủ tục cúng kiếng hết chưa. Đừng để sau này cha mất đi, những phong tục này cũng bị mai một. Mâm cúng gia tiên nhạt thếch, nhang khói ông bà lạnh tanh là coi không đặng đó”. Tôi gãi đầu cười: “Dạ để con ráng nhớ”.
Nói vậy chứ thật tình là tôi không thể nhớ hết. Dù rằng cha chỉ từng tí, từ cách cúng bao nhiêu cái chén, mấy cây nhang, đến món gì đặt ở đâu cho trang trọng và trong lời khấn cũng phải chỉn chu làm sao… Cha là con trai duy nhất trong nhà, lo việc thờ cúng ông bà, có lẽ vậy mà cha rành tất cả các lễ nghi cúng kiếng. Vả lại, vốn dĩ cha sống hoài cổ, tỉ mẩn, nên việc gì cũng phải chu đáo, kỹ càng. Cha dành nhiều thời gian để ghi lại cuốn gia phả nhà mình. Không phải đơn giản đâu. Đám tiệc gì của nhà bà con, cha đều đi để lưu lại thông tin con cháu vào cuốn gia phả cũ kỹ. Cha nói: “Không ai chịu khó làm việc này. Sau này biết đâu mà nhìn bà con, dòng họ?”. Cũng có vài người trong gia tộc cho rằng cha bao đồng, làm chuyện rỗi hơi. Thời gian rảnh lo mà ngồi nhâm nhi tách trà hoặc thưởng hoa, chơi kiểng, lặng nghe chim hót thảnh thơi hơn… Nhưng đó là một suy nghĩ ích kỷ. Bởi nếu không có người trong họ tộc chịu lo chỉn chu như thế thì làm gì có thông tin cho con cháu nhiều đời để mà lưu truyền. Cũng có nhiều người, đến lúc cần thông tin thân bằng quyến thuộc phải lặn lội khắp nơi tìm kiếm trong tuyệt vọng.
Thực tế thì ngày nay, người trẻ ít quan tâm giá trị truyền thống. Họ mải chạy theo những giá trị hiện đại, tân tiến nên dần phai nhạt những phong tục, lễ nghi và những đồ vật xưa cũ. Ký ức là một phần của cuộc sống, luôn đồng hành với hiện tại. Vì vậy, cần phải vực dậy bản sắc để duy trì, phát huy giá trị ấy trường tồn với thời gian. Không nhất thiết phải đầy đủ lễ nghĩa, nhưng chí ít trong tim mỗi người, còn chút gì đó của những gì thuộc về văn hóa cũ xưa. Người lớn có trách nhiệm nhắc nhở, chia sẻ cho con cháu hiểu thấu đáo. Trong khi người trẻ cần ý thức xây dựng, giữ gìn và phát huy giá trị ấy luôn trường tồn với thời gian.
Nguyễn Thanh Vũ (ĐSHĐ-102)