Hồi còn bé thơ, cứ những đêm trăng tròn vành vạnh là anh em chúng tôi hay ra sân trải chiếu quay quần cùng gia đình. Ông bà nội tôi có thói quen cố hữu, cứ hễ những ngày trăng về là pha tách trà mang ra ngắm trăng ngồi kể chuyện đời. Trong ánh sáng huyền diệu của bóng trăng tròn, tôi được nghe ông bà kể chuyện về những sự tích cây đa, chị Hằng, cung Quảng và cả nếp sinh hoạt của người nơi thượng giới. Ánh trăng bỏ bùa, quyến rũ con nít đến lạ kỳ. Những câu chuyện được kể trong không gian trăng sáng làm cho anh em chúng tôi say mê đắm đuối.
Lúc ấy, đầu óc non nớt của anh em chúng tôi cứ tin vào câu chuyện thần tiên như thế. Thậm chí tôi còn ước sau này trưởng thành sẽ một lần đặt chân lên cung đình để được gặp Ngọc Hoàng, Hằng Nga, chú Cuội… Niềm tin ấy thật mãnh liệt, khao khát hơn khi chúng tôi xem phim Tây du ký, đọc truyện cổ tích Hằng Nga Hậu Nghệ… Trong trí tưởng tượng của tôi, chị Hằng rất đẹp, giỏi cầm kỳ thi họa, lại nhân từ nên được hậu thế ca tụng nhiều như vậy. Vì rất muốn gặp chị Hằng nên anh em chúng tôi đưa ra những câu hỏi khó khiến ông bà nội phải đau đầu: Chúng con muốn lên cung trăng gặp chị Hằng phải đi bằng cách nào? Tại sao chị Hằng không xuống trần gian phát quà như ông bà kể? Cây đa bật gốc mà chú Cuội ôm theo lên cung trăng giờ ở đâu thế bà ơi? Trên cung trăng chắc sẽ không cần dùng đèn dầu phải không ông?…
Dù khá là hóc búa nhưng ông bà vẫn có cách xoay chuyển tình thế: “Chị Hằng sẽ xuống thăm các em thiếu nhi khi có thể, sẽ gặp những đứa trẻ ngoan ngoãn”. “Chúng con chưa đủ ngoan sao ông?”, tôi nhanh nhảu hỏi. Bà cười, vội xoa đầu tôi và tiếp lời ông: “Các cháu rất ngoan nhưng còn vài chuyện phải từ bỏ. Trưa hôm qua cháu cãi lời ông bà, lén cha mẹ ra kênh tắm sông. Cháu có biết như vậy là nguy hiểm lắm không?”. Tôi xụ mặt ra vẻ hối hận: “Dạ cháu xin lỗi, không dám vậy nữa. Mông của cháu bị ba đánh còn ê đây.”
Những đêm Rằm tháng Tám, Tết Trung Thu, cả xóm vui ngất ngây. Những đứa trẻ trong xóm, trong đó có anh em chúng tôi, đều xách một chiếc đèn lồng đi chơi hội. Ngày trước, gia đình tôi khó khăn nên chẳng có tiền mua những chiếc đèn lồng đắt tiền ngoài chợ mà phải tự tay làm lấy. Nói là tự làm nhưng thực chất mọi công đoạn quan trọng đều do ba và ông nội vẽ nên, chúng tôi chỉ phụ việc lặt vặt. Ba nhặt những vỏ lon bia, về làm lồng đèn trái châu; hoặc những thanh tre, mảnh giấy kính tạo nên ngôi sao đơn giản mà lấp lánh. Rồi chúng tôi cũng hớn hở xách đèn lồng sáng choang đến điểm hẹn để vui chơi, ca hát và có cả bánh dẻo, kẹo ngọt của Ủy ban Nhân dân xã mang tặng. Tôi ngây ngô nói với chúng bạn rằng rồi chị Hằng sẽ xuất hiện phát quà cho trẻ con. Bạn tôi cười nhạo: “Mày ngây thơ quá, ba tao nói làm gì có chị Hằng”. Tôi phản bác và thậm chí còn đánh nhau với nó: “Ông nội tao nói là có”. Nhưng rồi chờ mãi, chờ mãi tận khuya… Đến lúc mảnh trăng tròn trôi đi xa hơn, mọi người kéo nhau về nhà, vẫn không thấy chị Hằng giáng thế. Tôi bắt đầu hoài nghi những câu chuyện về chị Hằng từ đó…
Rồi dần lớn lên, chúng tôi nhận ra chị Hằng, cung Quảng, chú Cuội chỉ là sản phẩm logic của người xưa nghĩ ra, nhằm giải tỏa nỗi vất vả, lo toan sau những giờ lao động mệt nhọc. Các câu chuyện thần tiên ấy còn là nguồn giải trí mãnh liệt dành cho trẻ con trong thời đại khan hiếm các trò chơi, các tiếp cận văn học viết. Giờ đây, dù đã trưởng thành, dù đã hiểu rõ về chị Hằng, chú Cuội, nhưng tôi vẫn say mê đọc cổ tích và thường kể cho con mình nghe lúc chúng sắp chìm vào giấc ngủ sâu. Những đêm trăng sáng, tôi hay ngồi bên cửa sổ ngắm trăng. Ngồi suy diễn cảnh tượng nơi cung Quảng Hằng mà ngồi cười thầm một mình như đứa trẻ Tiểu học. Bất giác nghĩ về ông bà nội, chợt tôi thèm được quay về tuổi thơ mãnh liệt, nơi có ánh trăng huyền diệu và những câu chuyện cổ tích mê ly.
Nguyễn Thanh Vũ