Sáng nay đi ngang qua tiệm bán đồ cổ, bất chợt nhìn thấy chiếc đồng hồ đeo tay giống hệt chiếc của tôi đã lạc mất bao nhiêu năm qua, nay ngỡ ngàng nhìn thấy nó nằm chễm chệ trên kệ. Không ngăn được sự hiếu kỳ, tôi tiến vào ngại ngùng hỏi thăm và được biết chủ tiệm đã mua nó từ một người nông dân, tình cờ cuốc đất trồng cây nhặt được. Ồ! Cái vết mẻ nhỏ xíu mà năm xưa do lật đật sợ đi học trễ, tôi đã đánh rơi nó vẫn còn nguyên vẹn dấu ấn đây nè! Rất đỗi vui mừng vì xa cách cố vật đã lâu giờ may mắn gặp lại, tôi vội vàng mua lại, bởi nó chính là quà mà cha tôi tặng cho.
Nhìn vật nhớ đến người. Quá khứ lại hiện về, ký ức năm nào bừng sống dậy. Năm ấy tôi thi đậu vào trường Trung học, tức cấp 2 thời bây giờ. Thực hiện đúng lời hứa, cha đã mua tặng cho tôi chiếc đồng hồ đeo tay để chúc mừng con gái của mình thi đậu vào trường tỉnh. Lúc trao hộp quà cho tôi, cố ý giấu vẻ xúc động cha ân cần dặn bảo: “Con gái yêu, cha mua tặng cho con món quà này, với kỳ vọng người sở hữu chiếc đồng hồ đeo tay chính là người biết làm chủ thời gian của bản thân. Biết quý tiếc từng giờ, từng phút giây quý báu mà chăm ngoan hiếu học, biết trân trọng yêu thương mọi người, rèn luyện nhân cách tốt, để mai này trở thành người hữu dụng trong cuộc sống.” Nói xong, cha nhẹ nhàng mở hộp quà nhỏ có gắn chiếc nơ màu hồng xinh xắn, lấy chiếc đồng hồ mới toanh đeo vào cổ tay tôi. Quá đỗi sung sướng vì lần đầu tiên được tặng món quà mà mình thầm ước ao bấy lâu, tôi ôm choàng cánh tay cha bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, bởi cha đã hiểu ý con. Cha mỉm cười tươi vui, ánh mắt Người lúc này rạng ngời hơn vì nhìn thấy niềm hạnh phúc hớn hở hồn nhiên của con gái mình!
Nắng mai phủ nhẹ trên rèm cửa sổ góc học tập, như muốn lan tỏa niềm vui phụ tử tình thâm của cha con tôi trong giây phút ấm áp này. Đây là chiếc đồng hồ hiệu Seiko của Nhật bằng thép không gỉ, chịu được nước, tương thích môi trường, đủ sức chịu đựng sự va đập, dây đeo bằng da màu nâu thẫm. Dù cho thiết kế không tinh xảo về mặt thẩm mỹ, nhưng với đặc điểm bền bỉ, bình dân có thể gọi là “vật bất ly thân” của tôi thời bấy giờ, khi đeo vào vẫn có cảm giác nhẹ nhàng không vướng bận, nên hầu như lúc nào nó cũng hiện hữu trên cổ tay tôi. Tuy là chiếc đồng hồ thô sơ, không hội tụ quá nhiều tính năng, nhưng nó đã đồng hành cùng tôi trong suốt hành trình học tập, từ thời cấp 2 cho đến lúc bước vào giảng đường đại học. Năm thứ ba nhà trường tổ chức một cuộc dã ngoại cắm trại, thuộc vùng ngoại ô thành phố. Cả lớp chúng tôi hân hoan khoác ba lô tung tăng lên đường. Cuối mùa hè nên trời trong vắt, cánh đồng quê bao la bát ngát, gió thổi lồng lộng trên những ruộng vườn cây cối, gió thổi xô dạt mái lều, nhóm tổ bạn bè tôi phải chật vật, hì hục mấy lượt mới dựng nên túp lều đủ cho tám đứa tá túc ba ngày. Ban điều hành nhà trường khởi xướng nhiều hoạt động vui nhộn, tạo nên không khí sôi động phù hợp với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mãi hăng say vui chơi thể thao cùng các sinh hoạt tập thể, nhảy nhót với các bạn, tôi đánh rơi đồng hồ đeo tay lúc nào không hề hay biết. Sau khi về nhà, phát hiện chiếc đồng hồ thân thương đã rơi mất, tôi buồn đến phát khóc. Sợ cha già sẽ buồn hơn nên tôi không dám cho cha biết, chỉ riêng mình lặng lẽ nuối tiếc kỷ vật đã vuột bay!
Rồi thời gian qua nhanh, định luật vô thường vội vã đến, cha nghẹn ngào nói lời từ biệt anh em tôi để đi xa, xa cách nghìn trùng, không kịp chờ đợi ngày dự lễ tốt nghiệp của đứa con gái mà Người yêu quý. Buổi lễ hôm ấy, đánh dấu ngày vui đẹp nhất đời sinh viên, ngày được choàng trên mình chiếc áo Cử nhân đầy niềm tự hào hãnh diện. Ấy vậy mà đối với tôi, cảm giác bầu trời u ám, không khí ảm đạm bởi vắng bóng hình người cha kính yêu. Cầm trên tay tấm bằng Cử nhân Sư phạm, mắt tôi ướt nhòa lệ, nhiều cung bậc cảm xúc đan xen vào nhau của niềm vui vừa mừng vừa tủi. Bằng tất cả tấm lòng biết ơn cao tột, trân trọng nhất kính dâng cha thành quả học tập của con, đã không phụ lòng kỳ vọng của Người. William Shakespeare đại thi hào, nhà viết kịch trứ danh nước Anh đã nói câu nổi tiếng: “Khi cha cho con, cả hai đều cười, khi con biếu cha, cả hai cùng khóc.” Vâng, thật thấm thía biết bao tình thương yêu của một người cha vùng quê lam lũ, đã suốt đời tần tảo hy sinh cho con cái, trong huyết quản chúng con vẫn luân lưu theo dòng chảy tình cảm bình dị, nồng ấm của cha dành tặng, vẫn luôn có bóng cha âm thầm lặng lẽ đứng sau lưng nâng đỡ và mãi dõi theo suốt quãng đời con lớn lên, trưởng thành.
Chìm ngập trong ý nghĩ miên man về quá khứ, về những chuỗi ngày cắp sách đi học có cha nhắc nhở học bài mỗi tối, ôi ngọt ngào và sâu lắng tình cha! Giờ đây nhân duyên hội tụ, kỷ vật đã tìm về. Thật không thể tưởng tượng nổi một vật nhỏ bé thế kia, ngỡ rằng đã lìa khỏi chủ nhân chắc chắn sẽ không bao giờ tìm lại được giữa đất trời thênh thang rộng lớn, giữa thế giới mênh mông biển người này. Sao lại có sự trùng hợp lạ kỳ này chứ? Quả đúng như lời cổ nhân nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.” Nó đã quay về với chính chủ nhân của nó.
Đồng hồ vật “đong đếm thời gian”, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về thời gian biểu. Đối với tôi nó không chỉ có giá trị thiết thực trong cuộc sống mà còn ẩn chứa một khung trời dạt dào bao kỷ niệm, khó nhạt mờ trong ký ức tuổi hoa niên. Dù rằng bây giờ cha đã đi xa, đang thong dong ở một thế giới khác, nhưng tôi tin tưởng rằng thần thức của Người vẫn lặng thầm hộ trì cháu con. Hỡi những người con diễm phúc còn cha mẹ, hãy trân quý thời gian dành cho cha mẹ quan trọng hơn bất cứ món quà nào trên thế gian này. Đây chính là điều thiêng liêng và tuyệt vời nhất mà bất kỳ bậc làm cha mẹ nào cũng mong muốn. Tôi đã đọc được ở đâu đó một câu thật chí lý: “Hãy trao yêu thương khi còn có thể, lỡ mai này không thể trao nhau.” Còn một tuần nữa là đến ngày húy kỵ cha, mượn ngôn ngữ trần gian viết đôi dòng tưởng niệm, biểu đạt tấm lòng hiếu thảo kính dâng về Người mà tôi kính quý nhất.
Thích Nữ Chơn Huệ