Sáng nay khi check mail, tôi nhận được một bức mail của một người bạn đã lâu không liên lạc. Trong mail, bạn tôi tâm sự vì lý do nào đó, tòa soạn mà anh ta công tác bấy lâu nay giải thể và có một công ty ở tỉnh Tiền Giang mời anh về làm Trưởng phòng PR. Công việc tuy hấp dẫn, nhưng ngặt nỗi vì anh là con một trong gia đình, nên cha mẹ phản đối, vì họ cho rằng ông bà xưa đã dạy: “Phụ mẫu lão, không viễn hành”(Không nên đi xa khi cha mẹ tuổi già). Cho nên, anh ta nhờ tôi tư vấn. Trong lúc chưa biết khuyên anh ta thế nào, tôi được Ni sư Như Nguyệt mời cộng tác, viết về nội dung chữ hiếu cho Hoa Đàm số 59 chuyên đề Vu Lan. Với chút hiểu biết của mình, tôi mạn phép kết hợp hai sự việc này qua cách nhìn thiển kiến về chữ hiếu trong thời @.
Là một người Á Đông, từ nhỏ tôi đã thấm nhuần câu nói “Bách nghệ hiếu vi tiên” (Trên đời trăm nghề đều lấy chữ hiếu làm đầu). Từ thuở ê a, tôi đã được nghe ông bà kể chuyện “Nhị thập tứ hiếu”. Những câu chuyện về lòng hiếu thảo đã theo tôi vào giấc ngủ, nuôi lớn tâm hồn tôi. Dần dần lớn lên, khi có dịp tiếp xúc với văn học Phật giáo, tấm gương Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ lần nữa nhắc nhở tôi về bổn phận làm con, phụng dưỡng cha mẹ tuổi xế chiều.
Tôi nhận ra rằng, cho dù bạn thành đạt thế nào trong xã hội, chức vị cao đến mấy trong công ty, nhưng trong mắt cha mẹ, bạn vẫn là một đứa bé luôn cần sự che chở của cha mẹ. Đôi khi sự chăm sóc quá mức chu đáo của mẹ già, vô tình khiến bạn cảm thấy vướng bận, khó chịu và thầm trách: “Bà già lẩm cẩm. Sao cứ làm khổ tôi thế này? Tôi phải làm trò cười cho bạn bè, đồng nghiệp đến bao giờ đây?” Nhưng bạn chớ quên rằng, quy luật của tạo hóa không cho phép cha mẹ sống mãi với chúng ta. Đừng đợi đến một ngày nọ: “Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn dưỡng nhưng mẹ không còn”. Lúc đó, cho dù bạn có tổ chức đám tang linh đình, cúng bao nhiêu mâm cỗ, phải chăng chỉ là hình thức, cha mẹ liệu có hưởng được?
“Phụ mẫu lão, không viễn hành”, câu nói nhắc nhở ta cần phải trọn chữ hiếu trong đạo làm con. Nhưng trong thời đại @, phải chăng nó không còn phù hợp nữa, vì nguy cơ thất nghiệp cao, cơ hội việc làm cũng không dễ tìm. Trong thời đại kinh tế thị trường này, hầu như tiền là phương tiện tiên quyết. Di chuyển thuận tiện, công việc chưa nói là tốt hay không, đồng lương có khi lại chẳng là bao. Công việc tốt, lương khá hơn, có đi xa một chút tất nhiên vẫn tốt hơn. Suy đi tính lại, đến sau cùng, bản thân rơi vào tình cảnh không việc làm.Thất nghiệp đồng nghĩa không có thu nhập, khi cha mẹ đau yếu, cần phải vô bệnh viện, thử hỏi lấy gì để trả viện phí? Trong khi Tiền Giang chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 70km và một tiếng đồng hồ di chuyển. Làm cha mẹ, sao không thông cảm, tạo cơ hội cho con mình, lại dùng truyền thống cổ hủ làm sự dây ràng buộc con mình?
Vân Phàm (ĐSHĐ-059)