“Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân.”
Chân và vọng là một cặp đối đãi hai bên. Khi mê thấy chân-vọng khác nhau, cho cái chân thật là quý giá nên mong cầu, còn vọng tưởng thì cho là giả dối, không thật nên trừ bỏ. Vì thấy mê lầm như vậy nên khởi tâm mong cầu “chân” và tâm loại bỏ “vọng tưởng”, việc mong cầu và loại bỏ đó vẫn còn nằm trong tâm đối đãi, chọn lựa, sanh diệt. Đến khi giác ngộ, rõ biết tâm mong cầu và tâm trừ bỏ vốn không thật thì thể chân thật liền hiện bày.
Lục Tổ Huệ Năng khai thị cho Thượng tọa Minh rằng: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính ngay khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”
Bản lai diện mục là bộ mặt thật xưa nay của mỗi người. Nhưng nó bị che mờ bởi sự đối đãi nhị nguyên: chân-vọng, tốt-xấu, phải-quấy, hơn-thua… Chỉ khi chuyển hóa những tâm suy nghĩ, so sánh, phân biệt đó vào đất vô sanh thì bản lai diện mục hiện tiền.
Tú tài Trương Chuyết có bài kệ rằng:
Âm:
“Quang minh tịch chiếu biến hà sa
Phàm thánh hàm linh cộng ngã gia
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện
Lục căn tài động bị vân già
Phá trừ phiền não trùng tăng bệnh
Thú hướng chân như diệc thị tà
Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại
Niết-bàn sanh tử đẳng không hoa.”
Nghĩa:
“Quang minh lặng chiếu khắp hà sa
Phàm thánh hàm linh vốn chung nhà
Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện
Sáu căn vừa động bị che lòa
Phá trừ phiền não càng thêm bệnh
Tìm đến chân như âu cũng tà
Tùy thuận các duyên không chướng ngại
Niết-bàn sanh tử thảy không hoa.”
Trong bài kệ của Tú tài Trương Chuyết có câu:
“Phá trừ phiền não trùng tăng bệnh
Thú hướng chân như diệc thị tà.”
Người tu hành không biết được bản chất của phiền não vốn không thật, nên khi gặp phiền não, chướng duyên thì chỉ muốn phá trừ, dụng công như vậy là “bệnh”, tức là “bệnh chấp trước”. Vì chấp phiền não là thật nên muốn phá trừ, phiền não vốn do chúng ta vướng kẹt, dính mắc nơi ngũ dục, lục trần, bát phong… Khi biết rõ phiền não vốn không thật, như huyễn như hóa thì nó liền mất, không cần phải dụng công phá trừ làm gì.
“Tìm đến chân như âu cũng tà”, chân như đâu có ở bên ngoài để chúng ta tìm kiếm. Chân như chính là tánh giác vốn sẵn có nơi mỗi chúng sanh, nó hiện hữu ngay nơi sáu căn, ngay khi mắt biết thấy là chân như, ngay khi tai biết nghe là chân như… sáu căn rõ ràng, thường biết đó chính là chân như, không cần phải tìm kiếm ở đâu xa xôi.
“Vô minh thực tánh tức Phật tánh”.
Vô minh là chỉ cho tâm si mê, nhận giả cho là thật, chấp thân, tâm, hoàn cảnh cho là thật, là trường tồn, vĩnh cửu.
Phật tánh chính là tánh giác sẵn có nơi mỗi người.
Tánh thực của vô minh chính là Phật tánh, bởi lẽ vô minh và Phật tánh chỉ cách nhau trong một ý niệm. Khi mê tạo tác ác nghiệp là vô minh, còn khi giác ngộ thấu suốt được tự tâm thì đó chính là Phật. Nếu chấp vô minh cứ mãi là vô minh, phàm phu cứ mãi là phàm phu thì đã rơi vào thường kiến. Cốt yếu của đạo Phật là chuyển mê khai ngộ và vì một nhân duyên lớn Phật mới thị hiện nơi đời, đó chính là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Vì thấy nơi mỗi chúng sanh dù có bị vô minh chi phối, phiền não sai sử, nhưng Phật tánh vẫn không mất. Nên chư Phật, chư Tổ mới mở rộng lòng từ, giáo hóa chúng sanh, đến khi nhận ra Phật tánh rồi thì không còn vô minh nữa, như khi mây tan thì trăng hiện.
Thiền sư Tư Nghiệp ở Văn Thù, phủ Thường Đức, gia đình nhiều đời làm nghề đồ tể. Một ngày nọ cắt giết heo, bỗng nhiên thấu suốt nguồn tâm, Sư bèn bỏ nghề nghiệp xuất gia thọ giới làm Tỳ-kheo. Sư có làm bài kệ:
“Ngày qua tâm Dạ-xoa
Sáng nay mặt Bồ-tát
Bồ-tát và Dạ-xoa
Chẳng cách một đường tơ.”
Thiền Sư Tư Nghiệp trước kia là một đồ tể giết heo, đến khi liễu ngộ nguồn tâm bèn bỏ tục xuất gia. Vậy con người phàm phu đồ tể kia và Thiền sư Tư Nghiệp là hai người khác nhau hay chỉ là một người? Cũng chỉ là Thiền sư Tư Nghiệp nhưng khi mê thì là đồ tể giết hại chúng sanh, còn khi giác ngộ rồi thì buông đao thành Phật.
“Huyễn hóa không thân tức pháp thân.”
Tiếp nối câu “Vô minh thực tánh tức Phật tánh” là câu “Huyễn hóa không thân tức pháp thân”, vì đã liễu tri tánh thực của vô minh chính là Phật tánh cho nên, cũng từ đó mà rõ biết trong thân tứ đại huyễn hóa này pháp thân thanh tịnh vẫn luôn hằng hữu. Thân tứ đại và pháp thân vốn không hai, không tách rời nhau. Ngay nơi thân huyễn hóa, không thật này khi đã tỏ ngộ bản tâm thanh tịnh thì pháp thân liền hiện bày.
Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền có dạy rằng:
– Trên cục thịt đỏ có vô vị chân nhân, thường từ cửa mặt các ông ra vào.
Lời Tổ Lâm Tế dạy rất rõ ràng, chân thật, chúng ta đừng tìm kiếm pháp thân ở nơi nào khác, pháp thân không lìa thân tứ đại. Vô vị chân nhân (pháp thân) ở nơi cục thịt đỏ (thân tứ đại), nhờ có pháp thân mà mọi động dụng, thi vi thảy đều được lưu thông, lợi lạc.
Hải Trung
Cư sĩ Hương Vy Bảo Hải diễn đọc