Được sự cho phép của TT.TS. Thích Phước Đạt – Phó Viện trưởng; Trưởng khoa Phật giáo Việt Nam và Ban Quản viện Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Ths. Võ Văn Tường – Giảng viên môn Mỹ thuật và Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn các sinh viên khoa Phật giáo Việt Nam khóa XVI đi tham quan, khảo sát thực tế về kiến trúc của một số ngôi chùa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai.
Đây là một trong những môn học thuộc chương trình đào tạo của khoa Phật giáo Việt Nam dành cho sinh viên đang theo học tại Học viện. Với phương châm: “Học đi đôi với hành” áp dụng thực tế vào nội dung giảng dạy, nhằm giúp cho các sinh viên có thể tiếp cận và nắm bắt được nội dung một cách trực quan. Vì vậy, một số những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và đặc trưng đã được chọn cho chuyến đi này đó là chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm, Ni viện Thiện Hòa, Tổ đình Thiên Thai, chùa Từ Ân ở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Thiền viện Thường Chiếu tại Đồng Nai là những nơi được đoàn viếng thăm và khảo sát.
Lần đầu tiên, ở môi trường Đại học này, các sinh viên khóa XVI được nhận một chuyến đi thực tế, cái mà có lẽ trước đây chưa từng trải qua ở thời học sinh. Quả thật việc viếng thăm các ngôi chùa đã để lại rất nhiều ấn tượng cho các sinh viên về các công trình mỹ thuật và kiến trúc mang dấu ấn riêng. Từ đó, mỗi sinh viên có thể tìm hiểu cũng như gom được một số kết quả về cho bản thân và đưa vào bài thu hoạch của từng cá nhân.
Trong hành trình chuyến đi các Tăng Ni sinh viên được tham quan các kiến trúc nguy nga, độc đáo, ấn tượng tại chùa Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm với nhiều công trình quy mô mang phong cách kiến trúc truyền thống kết hợp với hiện đại, chánh điện và nhiều tượng Phật đã được xác lập kỷ lục quốc gia. Đây cũng là nơi đặt Trường Phật học Đại Tòng Lâm có hàng ngàn Tăng Ni đã và đang theo học.
Kế đó, các sinh viên viếng thăm Ni viện Thiện Hòa tọa lạc trong khu vực Đại Tòng Lâm. Cho đến nay Ni viện đã được kiến thiết xây dựng quy mô, trang trọng hơn nhưng vẫn mang nét cổ kính của ngôi chùa Việt. Hiện nay, nơi này còn là Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, nơi nội trú của hơn 200 Ni sinh đang theo học tại trường.
Rời Đại Tòng Lâm Tự, đoàn sinh viên tiếp tục chuyến đi và điểm đến tiếp theo là một ngôi chùa có kiến trúc cổ, một ngôi cổ tự được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo đó là Tổ đình Thiên Thai do Hòa thượng Huệ Đăng khai phá, xây dựng vào thập niên 20 của thế kỷ XX. Với kiến trúc rất đặc biệt, chánh điện được xây dựng theo cấu trúc nhà vuông bằng đá lấy ở núi, các bài trí tượng Phật rất độc đáo và thể hiện rõ được nhiều nét đẹp trong kiến trúc Việt thời bấy giờ.
Tiếp tục hành trình, các Tăng Ni sinh có dịp viếng thăm chùa Từ Ân, nơi đây không phải là một ngôi cổ tự, cũng không phải là một ngôi chùa rộng lớn. Nhưng đây là ngôi chùa chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến – nơi có vị Ni sư trụ trì bình dị nhưng với trái tim từ bi đã cưu mang hàng trăm em nhỏ mồ côi, cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Ngôi chùa Từ Ân không những là nơi tu tập mà còn là mái ấm tình thương nuôi dưỡng các cháu mồ côi, đã nuôi dưỡng hơn 400 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong suốt 15 năm hoạt động. Hiện tại, chùa đang nuôi dưỡng và chăm sóc 150 trẻ từ 8 tháng tới 15 tuổi. Việc làm của Ni sư không chỉ nêu cao lòng từ bi trong đạo Phật mà còn chung tay cùng với xã hội xây dựng quê hương, đất nước.
Rời mảnh đất Bà Rịa đến với Đồng Nai đoàn Tăng Ni sinh đã được tham quan Thiền Viện Thường Chiếu một trong những trung tâm Thiền học lớn thuộc dòng Thiền Trúc Lâm do Hòa thượng Thích Thanh Từ khởi xướng tạo dựng vào cuối thế kỷ XX. Thiền viện có kiểu kiến trúc đặc trưng của hệ thống dòng Thiền Trúc Lâm với chánh điện rộng rãi, thoáng mát. Điện thờ Phật đơn giản mà trang nghiêm, chỉ thờ duy nhất Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, tay cầm bông sen, biểu trưng niêm hoa vi tiếu. Phía sau chánh điện là Tổ đình trang nghiêm tráng lệ, rồi đến trai đường; khu thiền viện còn có nhà khách, Tăng thất, khu Thiền thất, bệnh xá, nhà trù… Đặc biệt, các Tăng Ni sinh trong dịp này đã có duyên lành được đảnh lễ Hòa thượng Thích Thanh Từ, bậc cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Kết thúc chuyến đi này, mỗi Tăng Ni sinh đều có được những kiến thức về mỹ thuật và kiến trúc một cách thực tế trực quan. Chuyến đi khảo sát thực tế của khoa Phật giáo Việt Nam thật sự rất hữu ích và thiết thực giúp cho các sinh viên củng cố thêm những kiến thức được học và hơn nữa là bổ sung những kinh nghiệm thực tế thông qua chuyến đi. Sau khi trở lại Học viện, các sinh viên đã có bài thuyết trình thu hoạch cá nhân về chuyến đi vừa qua.
Cuối cùng, xin gửi lời tri ân đến Lãnh đạo khoa Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là thầy Võ Văn Tường – giảng viên môn Mỹ thuật và Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã đem đến những bài học, đề ra những hoạt động thật sự bổ ích giúp cho các Tăng Ni sinh viên có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế đi song song với thời đại.
Giác Minh Báu (ĐSHĐ-116)