Phong trào “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào của thiếu nhi Việt Nam ra đời năm 1958, do Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng, lấy kinh phí thu được để xây nhà máy nhựa TNTP tại Hải Phòng.
Hiện nay phong trào “Kế hoạch nhỏ” vẫn được duy trì ở nhiều trường trên cả nước. Tuy nhiên, nó đang bị méo mó, hiểu sai lệch do bởi chính phụ huynh. Có nhiều nơi, khi nhà trường yêu cầu học sinh thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ” bằng việc gom báo, giấy vụn thì y như rằng người làm hăng say lại là cha mẹ. Để con thực hiện kết quả tốt, cha mẹ không ngần ngại tìm đến cô đồng nát để mua lại ít ký giấy vụn cho con đủ chỉ tiêu. Có ông bố, hào hứng uống cho đủ 40 lon bia (hơn 2 thùng bia) để con đem đi nộp cho trường. Rồi không ít lần trên Facebook, buổi tối phụ huynh live-stream làm “Kế hoạch nhỏ”, chẳng hạn: Uống sữa, nước ngọt cùng con cho đủ số vỏ rồi rửa sạch, xếp lại gọn gàng để cho kịp sáng mai con đến trường bàn giao… Thành ra đứa trẻ chẳng tốn công tốn sức gì mà vẫn có đồ để giao cho giáo viên chủ nhiệm.
Những hành động đó của cha mẹ xuất phát từ việc thương con, sợ con vấy bẩn, cực nhọc nên làm thay hết mọi việc. Có người còn cho rằng nhà trường đang hành hạ con mình, lợi dụng học sinh để trục lợi… Điều này vô tình làm méo mó đi sự tích cực của phong trào “Kế hoạch nhỏ.” Vì bản chất của việc này không phải để học sinh chạy thành tích, cũng không phải để kiếm tiền cho nhà trường (vì số tiền bán ve chai không đáng là bao). Mà thông qua hành động thiết thực này để học sinh hiểu ý nghĩa của việc tiết kiệm, biết bảo vệ môi trường, trực tiếp tham gia đóng góp nhỏ cho xã hội như Bác Hồ từng dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Số tiền bán ra đều được giáo viên chủ nhiệm công bố và sung vào quỹ lớp.
Vì vậy, để học sinh hiểu ý nghĩa phong trào “Kế hoạch nhỏ” thì cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Nhà trường có trách nhiệm giải thích cho phụ huynh và học sinh hiểu hết ý nghĩa của phong trào này để tránh hiểu sai vấn đề. Từ đó, khi về nhà, phụ huynh cùng con hoàn thành “Kế hoạch nhỏ” một cách vui vẻ, hợp tác. Phụ huynh không nên vì quá thương con, chiều con mà làm hết kế hoạch nhỏ. Vì như thế trẻ không hiểu được câu chuyện ý nghĩa, rồi còn sinh ra ỷ lại, biếng nhác, xem nhẹ việc này. Sau khi con bạn uống hết một lon nước ngọt, không cho con vứt bừa bãi mà mang về nhà để dành làm “Kế hoạch nhỏ”. Cùng con đi nhặt những lon bia, lon nước ngọt mà ai đó vứt bên lề đường. Kèm theo hành động này, giải thích cho con hiểu đây không có gì là mắc cỡ là dơ bẩn mà chúng ta đang góp phần bảo vệ môi trường sống. Có như vậy trẻ mới biết yêu công tác xã hội và lớn lên sẽ có nhiều hoạt động tích cực cho cuộc sống này.
Một điều góp ý, theo tôi, phong trào “Kế hoạch nhỏ” nên thay đổi việc gom giấy vụn, vỏ chai nhựa, lon bia bằng ươm mầm cây con, trồng cây xanh. Nó chẳng những giúp học sinh yêu thiên nhiên ngay từ khi nhỏ mà việc trồng cây xanh còn làm không khí trái đất trong lành hơn.
Trần Thái Học (ĐSHĐ-135)