“Đèn mờ soi rọi lối đi
Chập chờn vấp ngã ai bi cuộc đời
Hằng Nga nói với sao trời
Một vầng trăng sáng rạng ngời muôn phương”.
Này em! Đèn mờ ở đây, chị chưa dám nêu ra những nhược điểm của người con gái thanh lâu, nhưng khía cạnh trang phục gần như không văn hóa của đa số thanh thiếu nữ hiện nay đã và đang xé nát bức rào đạo đức gia phong! Đèn mờ ở đây, với dụng ý duy nhất là nhắc nhở chư Ni trẻ, các em hãy suy tư, góp những vụn vặt tình đời ý đạo xuyên qua lăng kính với nét nhìn đầy đau khổ, cảm thông. Này em! Xưa thì soi sáng bằng đèn dầu, với nhiên liệu là dầu hôi, dầu cá, dầu mù u… nay có điện đèn chiếu sáng, cũng đã nâng tầm sự sống văn minh. Nhưng nếu tim đèn không bắt đầu, cơ điện không đủ tải sẽ có tác dụng mờ tối như nhau. Thế nên, cần một tấm lòng, một quyết tâm tiến đạo, chỉ một vầng trăng đủ soi muôn lối.
Em thương! Ngọn đèn mờ dễ làm hư đôi mắt, gây khó khăn cho người già thị lực kém khi xem báo, đọc kinh… Cũng thế, chúng ta đến với giáo lý Phật đà là để phá dần vô minh, diệt trừ Tham, Sân, Si trên lộ trình tìm cầu giải thoát. Nếu chúng ta không có trí tuệ loại trừ những nhược điểm trên thì khác nào ngọn đèn mờ, càng đi càng thấy bóng tối mà thôi. Ngày nay, đa phần chư Ni trẻ được đi học với kiến thức đa năng, đa dạng về thế học lẫn Phật học, nhưng sự âu lo của Thầy tổ, của Phân ban Ni giới Trung ương và các Phân ban tỉnh thành luôn khắc khoải và lắm bẽ bàng! Tại sao và tại sao? Một câu hỏi đơn giản nhưng người ngoài cuộc khó trả lời, chỉ có chính em mới hoàn hảo đáp số. Vẫn biết: “Xuất gia như mao ngưu, đắc đạo như Thố giác!”, hay rơi rụng như “bông xoài, trứng cá” nhưng chị vẫn ngậm ngùi tiếc nuối thương lắm em dại khờ!
Này em! Được một chút sở học, nhưng mất đi nhiều chất lượng tu hành thử hỏi em chọn cái nào cho con đường đi tới? Vả lại, vì thương con mến đạo, gia đình và Phật tử đã dựng xây nhiều Tịnh Thất để hiến cúng cho chư Ni, ở điểm này dù cho em có chuyên tu, một mình cũng không thích hợp, huống hồ buông lung, rong chạy ngược xuôi, em sẽ hỏng tất cả mọi giá trị tu hành, khơi nguồn cho sự cám dỗ cùng tột, đẩy em vào dòng sông ái dục lúc nào không hay biết.
Ngày xưa, Tăng chúng xuất gia đa phần sống trong chốn Tòng Lâm, ẩn tu nơi núi thẳm nên ít bị vật chất nhiễm ô. Ngày nay, chùa dù ở thành thị hay tỉnh vẫn là nơi danh lam thắng cảnh, Phật tử đông, tu sĩ với lòng bi mẫn độ sanh nên thường tiếp xúc, giảng dạy. Vả lại, muốn mở rộng hoằng dương chánh pháp, chư Tăng Ni đều gia nhập nhân gian để giúp cư sĩ hướng thiện và Phật hóa gia đình. Từ sự kiện trên đã ảnh hưởng đến đời sống tu hành thanh tịnh. Thế nên, ngoài việc không lập gia đình hôn phối, kinh dinh tài sản lớn lao, người Tu sĩ gần như không khác gì với cư sĩ tại gia! Thật là sợ hãi, nghiệm suy với lời Chư Tổ xa xưa răn nhắc:
“Tăng trụ thành hoàng Phật tổ ha
Thánh hiền đô thị ẩn a nham
Sơn tuyền lưu xuất nhân gian khứ
Thanh thủy y nhiên thành trược ba”.
Xét cho cùng, ngoại cảnh bào mòn bao nhuệ khí. Thế nên, những chư Ni căn cơ thấp kém, nếu không có Thầy tổ, huynh đệ, thiện tri thức dắt dìu khuyến tấn, cũng khó phát huy trí tuệ, dù được sống đời sống xuất gia cũng khó hoàn hảo trọn đời. Tỉnh đi em nhé! Mái chùa, Thiền viện, nơi đại chúng cùng tu luôn được an sự, huynh đệ để tâm, cân nhắc, sửa sai giúp em vượt qua gai góc, nóng lạnh của giấc mộng đời thường, đừng như ngọn đèn mờ, không đủ ánh sáng dẫn đường đưa lối cho chúng sanh đến bến bờ giải thoát an vui.
“Đèn tâm soi đuốc giong thuyền
Rước người chìm nổi dạo miền Tây Phương
Đời dù bách chiếc thê lương
Gìn cương giới luật vẹn nương Phật đà”.
TKN. Như Như (ĐSHĐ-009)
Diễn đọc: SC Quảng Hiếu