I. Dẫn nhập
Trước sức ảnh hưởng của làn sóng chấn hưng Phật giáo (CHPG) trên thế giới, Tăng già Việt Nam không thể đứng nhìn trước bối cảnh đạo pháp suy vi và dân tộc đang nằm trong tay thực dân xâm lược. Ngoài những chính sách kiểm soát, cai trị hà khắc của chính quyền thuộc địa đang bành trướng trên diện rộng tại Việt Nam (bao gồm cả tôn giáo, trong đó có Phật giáo); những biểu hiện từ bên trong đời sống Tăng già đã báo hiệu một thực trạng suy đồi của Phật giáo. Bấy giờ, ngoài những vị chân tu khép mình ẩn dật thì số đông Tăng sĩ được mô tả trong hai từ “Hư và dốt”, đời sống sinh hoạt thiếu tổ chức sơn môn, tồn tại biệt lập; lại còn chạy theo thị hiếu của tín đồ làm cho vai trò giáo lý bị bỏ ngõ. Điều đó đã kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ cho giới Tăng sĩ mà tín đồ cư sĩ cũng mất phương hướng. Trong niềm tin của phần lớn tín đồ, đức Phật đã trở thành vị thần hiển linh không kém xa tôn giáo bạn. Quan điểm, nhận thức đó cũng đã đẩy quần chúng đến nhanh hơn với các hoạt động tôn giáo mê tín như đồng bóng, bói quẻ, xin xăm… mà nói khác là buôn thần bán thánh. Không những thế, Phật giáo cũng chịu một sức ép không nhỏ khi nằm trong bối cảnh tôn giáo mà một bên là sự ưu ái đối với Thiên Chúa giáo, một bên là sự cạnh tranh lớn mạnh giữa các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo. Xuất phát từ những nguyên nhân đến từ nội tại và ngoại tại đó, ngọn đuốc chấn hưng của Phật giáo Việt Nam đã được thổi bùng trên khắp cả nước. Trong đó, phong trào đánh dấu chủ yếu vào 3 Hội quán tiêu biểu đại diện cho 3 miền Nam, Trung và Bắc. Nhằm chắt lọc và chỉ ra được những yếu tố giống và khác nhau giữa 3 Hội trong suốt thời kỳ chấn hưng Phật giáo, người viết xin được “Phân tích những điểm tương đồng và dị biệt giữa 3 hội: Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội, An Nam Phật Học Hội, Phật giáo Bắc kỳ Hội”. Thông qua đó, rút tỉa được những thành tựu và hạn chế của phong trào chấn hưng; đồng thời thấy được tâm trí vì đạo của chư Tôn đức tiền bối.
II. Nội Dung
1. Sơ lược về bối cảnh ra đời 3 Hội Phật giáo
Nói về địa bàn và cơ sở hoạt động thì ngay trong tên của mỗi Hội đã đánh dấu xác nhận vùng miền. Chẳng hạn, Bắc và Nam kỳ đã quá rõ ràng. Điều đó, cũng không khó khăn gì trong việc đoán định ra Hội quán của miền/kỳ còn lại. Dầu vậy, việc đánh dấu các mốc son lịch sử hình thành của 3 Hội được tóm gọn như sau: “Trước hết là Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học thành lập năm 1931 và tạp chí Từ Bi Âm xuất bản đầu năm 1932. Tiếp đến là Hội An Nam Phật Học (1932) và tạp chí Viên Âm (1933), rồi Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934) và tạp chí Đuốc Tuệ (1935)” [4, tr. 556].
Với cơ sở được thành lập đầu tiên, Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội (NKNCPHH) chọn chùa Linh Sơn (số 149 đường Douaumont, Sài Gòn) làm trụ sở chính. Địa điểm này có ý nghĩa của một trung tâm văn hóa, giáo dục Sài Gòn. Hội trải qua 2 lần đệ đơn xin (vào tháng 12/1927 và tháng 12/1929) thì đến năm 1931 mới chính thức được thành lập. Trong đó, người có công với Hội chính là HT. Khánh Hòa và ông Trần Nguyên Chấn. Tổ chức Ban Trị sự phần lớn là cư sĩ trí thức, có đạo tâm và được chính quyền thuộc địa tin tưởng. Sự ra đời của NKNCPH có thể nói là đã đánh dấu địa vị hợp pháp và cũng là động lực thúc đẩy cho sự ra đời các phong trào, hoạt động ở Trung và Bắc kỳ. Điểm đặc biệt của Hội là xúc tiến xuất bản Từ Bi Âm với 235 số (qua sự đưa đơn của ông Phạm Ngọc Vinh). Trước khi NKNCPHH được phép thành lập, bằng nỗ lực chấn hưng của các ông như Trần Nguyên Chấn, Hòa thượng Khánh Hòa, … các cơ quan nghiên cứu Phật giáo được thành lập. Trong đó, Thư viện Phật học, Phòng đọc và tạp chí Phật học “Từ Bi Âm” bằng chữ Quốc ngữ, nhằm thực hiện sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, khuếch trương giáo lý đạo Phật. Cuối cùng, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học chính thức ra đời vào năm 1931. Đây cũng là Hội Phật giáo đầu tiên được cấp phép thành lập trong phong trào chấn hưng Phật giáo của Việt Nam vào giai đoạn 1920 – 1945. Có thể nói: “Sự ra đời của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đã chính thức khép lại quá trình vận động, đồng thời mở ra một thời kỳ mới là thời kỳ chấn hưng Phật giáo khắp cả 3 miền Bắc – Trung – Nam” [8, tr. 60].
Tại miền Trung, phong trào chấn hưng Phật giáo chính thức mở đầu kể từ khi Khâm sứ Trung kỳ ký Nghị định cho phép thành lập Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo (17/9/1932). Tuy nhiên, Hội cũng trải qua khá nhiều bước đệm mới đi đến tên gọi chính thức. Đơn cử như xuất bản tạp chí Viên Âm, tổ chức lễ Phật Đản, mở các lớp Tiểu học và thành lập Phật học viện Tây Thiên (3 cấp – cơ sở vật chất dường như chưa có gì). Sau khi được chính quyền công nhận tư cách pháp nhân vào ngày 10/8/1936 thì mãi đến ngày 15/7/1938 mới có Nghị định điều chỉnh tên Hội thành An Nam Phật học hội (ANPHH). Trong đó, phải kể đến công lao vận động Tăng Ni, Phật tử của HT. Giác Tiên và sự đệ đơn của Cư sĩ Lê Đình Thám. Đặc biệt, trong chuỗi hoạt động của Hội phải ghi nhận sự sáp nhập của Hội Phật học Đà Thành (1935).
Nối tiếp hai miền Nam – Trung, tại miền Bắc cũng bắt đầu quan tâm đến sự nghiệp chấn hưng vào năm 1932 qua dự định thành lập Hội Nghiên cứu Phật học cũng như Bắc kỳ Phật giáo Lục Hòa hội. Tuy nhiên, kế hoạch đã không được như mong đợi. Mãi đến đầu năm 1934, dưới sự vận động của các Thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm bảo, một Hội Phật giáo ở đất Bắc dần được hình thành dưới sự hưởng ứng của nhiều thành phần trí thức như nhà văn Sở Cuồng Lê Dư, ông Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Dương Bá Trạc, v.v… Rút kinh nghiệm và cách thức tổ chức của hai miền Nam – Trung, việc đệ đơn và đề đạt các điều lệ, quy tắc được diễn ra thuận lợi. Sau buổi họp được tổ chức từ ngày 6/1/1934 về việc tổ chức thành lập Hội thì đến “ngày 6/11/1934, Thống sứ Bắc kỳ A. Tholance đã kí Nghị định số 4283 cho phép thành lập Hội Phật giáo Bắc kỳ hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội” [2, tr. 94 ]. Chỉ tròn 10 tháng Hội đã chính thức đi vào hoạt động với nhiều thành viên, trong đó ông Nguyễn Năng Quốc được bầu làm Hội trưởng. Sau đó, còn mời thống sứ Auguste Tholance làm Hội trưởng danh dự và thỉnh cầu Thiền sư Thanh Hanh lên làm Thiền gia Pháp chủ. Ngày 10/12/1934, tuần báo Đuốc Tuệ được chính quyền Pháp cho phép xuất bản, trụ sở báo đặt tại chùa Quán Sứ. Có thể nói, tuy thành lập muộn hơn các hội ở Nam và Trung, nhưng Hội Phật giáo Bắc kỳ đã phát triển rất nhanh chóng với các chi hội đã được thành lập khắp nơi trên đất Bắc.
Tóm lại, sự ra đời của 3 Hội còn kèm theo rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, để tránh sự trùng lắp trong việc so sánh điểm tương đồng và dị biệt giữa các Hội, người viết xin được sơ lược vài nét như trên.
2. Điểm tương đồng
Về mặt thủ tục hành chính, nếu không kể Hội Lục hòa Liên xã (không cần xin phép) làm bước đệm cho NKNCPHH thì cả 3 Hội đều có sự chấp thuận, công nhận của chính quyền. Tất nhiên, vào giai đoạn đầu, 3 Hội đều xuất hiện với những tên gọi khác. Trải qua một thời gian, được sự cho phép của chính quyền thuộc địa mới bắt đầu đổi tên. Chẳng hạn, ở Nam kỳ trước khi NKNCPHH ra đời thì có Hội Lục hòa Liên xã; ở Trung kỳ, trước khi mang tên gọi ANPHH thì phong trào mang tên Hội Phật học Huế. Mãi đến 1938 mới có tên ANPHH. Ở Bắc Kỳ cũng vậy, trước đó có “Hội Lục Hòa” (dù hội này không được phép thành lập), sau mới có HPGBK. Đặc biệt, tất cả các Hội đều “được tổ chức theo mô hình hiệp hội. Đương thời, dường như mô hình tổ chức này là một giải pháp duy nhất” [2, tr. 96].
Về mặt hình thức, cả 3 hội đều chọn địa thế trung tâm, vừa thuận tiện cho việc đi lại, quan sát; vừa gây được sự chú ý nhanh chóng cho tín đồ quanh vùng. Đơn cử tại miền Nam, Hòa thượng Khánh Hòa đã chọn chùa Linh Sơn làm địa điểm thành lập Hội Nghiên cứu Phật học; miền Trung thì chọn chùa Trúc Lâm và miền Bắc thì chọn chùa Quán Sứ. So với Trúc Lâm, Quán Sứ cũng như những ngôi chùa khác, thì chùa Linh Sơn còn thiếu nhiều ưu thế, vì nằm ngay trung tâm Sài Gòn bấy giờ. Từ đó, những trung tâm này lần lượt cho xây dựng các cơ sở tự viện, thư viện, giảng đường, các ngôi chùa phục vụ công tác giảng dạy cho Tăng sĩ, từ hình thức gián tiếp đến trực tiếp.
Về nội dung, các Hội đều có định hướng đào tạo ra một đội ngũ Tăng già đủ tài đủ đức, thông suốt cả về nội điển lẫn ngoại điển; Tăng sĩ phải thông suốt ngũ minh (y phương minh, nội minh, thanh minh, công xảo minh, nhân minh) [7, tr.79]. Dù mỗi tổ chức hay mỗi hội nhóm đều có những cương lĩnh và mục tiêu nhất định nhưng cũng không vượt ra ngoài mục tiêu lớn được HT. Khánh Hòa đặt ra vào buổi đầu: “Chỉnh đốn Tăng già, lập Hội Phật giáo; Kiến lập Phật học đường, đào tạo Tăng tài; Thỉnh Đại Tạng Kinh, diễn dịch và xuất bản Kinh sách Việt ngữ; Xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý” [7, tr. 282]. Bên cạnh đó, các Hội đều vận động tịnh tài để thỉnh Đại Tạng Kinh chữ Hán để nghiên cứu và phiên dịch Kinh sách ra chữ Quốc ngữ. Đồng thời, đã biết khai thác chữ Quốc ngữ của người Pháp để biến thành công cụ viết báo, kêu gọi chấn hưng Phật giáo. Tất cả những việc làm này đều hướng đến mục đích phục vụ, thành lập các hội Phật giáo để làm nền tảng cho công cuộc chấn hưng và vận động các hội trong toàn quốc đi đến thống nhất bằng cách thành lập Tổng hội Phật giáo [7, tr.80-84]. Đồng thời, “Tất cả lớp Tăng sĩ trong các hội Phật giáo nói trên đều mang chí hướng thống nhất Phật giáo để sinh hoạt tu học Phật pháp được truyền đi đúng hướng theo tinh thần Đức Phật đã thể hiện ban đầu” [6, tr. 69].
Đối với hoạt động đào tạo Tăng tài, các Hội đều nỗ lực không ngừng. Dù ở NKNCPH không lập được Thích học đường nhưng ở hai miền còn lại đều có mở những trường nhỏ lẻ trước khi có một lớp học và nội dung học chính thức. Ở Huế, trước khi có chương trình đào tạo Tăng tài của ANPHH thì có Sơn môn Phật học đường. Ở Bắc kỳ, năm 1935, ở chùa Quán Sứ có một lớp Tiểu học, số lượng Tăng sinh hơn 30 người. Dạy về Phật pháp và quốc văn. Dần dần, các Hội mới thiết kế các công trình phụ (tức cơ sở vật chất) đều có chỗ thờ Phật, Tăng phòng, giảng đường, thư viện, nhà ăn, nhà in… tranh thiết bị cơ bản phục vụ chấn hưng.
Kết quả: Hoạt động đào tạo Tăng tài, đều có điểm chung là chú trọng đến con người, nâng cao trình độ nội điển cũng như ngoại điển cho Tăng sĩ hầu phục vụ công tác phục hưng. Tuy nhiên, phong trào chấn hưng chưa thật sự đào tạo được số lượng lớn Tăng tài. Theo Nguyễn Lang [4, tr.569], với số lượng Tăng Ni được đào tạo tại ba miền chỉ chưa tới 500 vị.
Thứ nữa, cả 3 hội đều có cơ quan ngôn luận riêng, vừa đánh dấu sự phát triển của hội, vừa làm phương tiện truyền bá Phật giáo vào đời một cách hữu hiệu, thu hút được sự chú ý của quần chúng Phật tử. Dù đều quy tụ nhiều cây bút xuất sắc, nhưng về khoản đầu tư cho hình thức của báo thì Viên Âm (Trung kỳ) và Đuốc Tuệ (Bắc kỳ) giống nhau, song kém xa Từ Bi Âm (Nam kỳ). Nhìn chung, 3 Tạp chí được xem như những kênh truyền thông lý tưởng, một mặt khai sinh ra dòng báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ, mặt khác lưu giữ được những tư liệu lịch sử quan trọng của Phật giáo Việt Nam vào thời kỳ chấn hưng. Nhờ đó, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và học hỏi giáo lý cho hàng cư gia, tín đồ Phật tử. Đặc biệt, các tạp chí này cũng chính là những công cụ đấu tranh trực tiếp, chống lại những tư tưởng lạc hậu, tiêu cực, xuyên tạc Phật giáo; đồng thời góp sức mạnh xây dựng ý thức văn hóa dân tộc. Thông qua việc trình bày quan điểm cũng như đính chính những nhìn nhận sai lầm về Phật giáo của giới trí thức, giới nghiên cứu cũng như tiếng nói đại diện cho cộng đồng Tăng sĩ, 3 cơ quan này đã tác động trực tiếp đến nhận thức con người, nâng cao dân trí, góp phần bài trừ những hủ tục, mê tín dị đoan. Chính vì vậy, sự ra đời của 3 cơ quan ngôn luận trên có ý nghĩa rất lớn trong việc tập hợp sức mạnh đoàn kết của Tăng Ni, Phật tử đi đến thống nhất các sơn môn Hệ phái. Đồng thời, khích lệ tinh thần “Thay cũ đổi mới”, phát huy sâu rộng tinh thần nhập thế, thúc đẩy, kêu gọi phong trào chấn hưng Phật giáo trên khắp 3 miền, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
Yếu tố cuối cùng đó là các hội đều được sự hậu thuẫn lớn của thành phần cư sĩ. Bên cạnh các nhà sư có vai trò nội hộ Phật pháp thì cư sĩ cũng có chức năng ngoại hộ, yểm trợ cho hoạt động của 3 hội. Tại Nam kỳ Hòa thượng Khánh Hòa hợp tác với ông Trần Nguyên Chấn để lập hội. Tại Huế, Hòa thượng Giác Tiên phối hợp với Tâm Minh Lê Đình Thám. Miền Bắc có HT. Thanh Hanh và ông Nguyễn Năng Quốc. Họ không những là tín đồ có đạo tâm, có nhiệt huyết mà còn là những vị cư sĩ đại diện cho tầng lớp trí thức, có điều kiện tài chính; có địa vị, thế lực. Đặc biệt, nhờ các cư sĩ là nhân viên trong các cơ quan của chính quyền thuộc địa mà việc xin phép hoạt động của hội được dễ dàng thuận lợi. Về sau đặc điểm này cũng xuất hiện ở các hội khác, như ở Bắc có quan Tổng đốc, ở Trung có quan Thượng thư tham gia vào Tổ chức BTS Hội. Cũng từ sự nhiệt huyết của các cư sĩ tiền bối trong giai đoạn đầu này mà vai trò của cư sĩ được đề cao suốt chiều dài lịch sử chấn hưng. Điều đó được thấy rất rõ trong việc thành lập các gia đình Phật tử, các hội đoàn thanh thiếu niên như đoàn Đồng Ấu Phật tử, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, Gia đình Phật hóa Phổ (Trung kỳ)…; Đoàn Thanh niên Phật tử, Đoàn Hướng đạo Phật tử (Nam kỳ)… và Ban Đồng ấu, Ban Thanh niên, Ban Phụ nữ (Bắc kỳ)…
Tựu trung, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đã để lại trong lòng hàng hậu bối chúng ta một sự thán phục về ý chí cũng như tầm nhìn. Thế nhưng, bài học kinh nghiệm được đặt ra cho 3 hội luôn là: khai thác thế mạnh từ trí tuệ của trí thức; tài chính của tư sản và điền chủ có tâm; những quan chức có địa vị quyền lực để ngoại hộ. Ngoài những điểm tương đồng trên, ba Hội vẫn có những điểm dị biệt nhất định.
TN. Như Hạnh (ĐSHĐ-119)
Sc. Nhẫn Hòa diễn đọc