Trong giờ mỹ thuật, cô giáo ra đề tài vẽ tự do. Các bạn trong lớp hầu như đều chọn đề tài phong cảnh, tĩnh vật, chim chóc, hoa lá… Chỉ có mình con là “khác lạ”. Cô giáo ngạc nhiên hỏi:
– Em vẽ đôi tay ư?
– Dạ, đúng thế ạ!
Cả lớp nhốn nháo khi cô giơ bức tranh của con lên cho cả lớp xem:
– Đôi tay ai mà sần sùi, thô kệch, xấu xí thế không biết. Xấu quá đi!
Cô nhẹ nhàng hỏi:
– Em vẽ đôi tay của ai thế?
Thoáng chút ngần ngại, con trả lời đầy vẻ tự hào:
– Thưa cô, đây là đôi tay của mẹ em. Mỹ thuật chẳng những đòi hỏi phải vẽ đẹp mà cần phải chân thật, đúng không cô?
Cô giáo gật đầu rồi bảo cả lớp im lặng. Con hiểu lòng cô đang có chút bối rối, suy tư về bức tranh vừa rồi. Đôi tay mẹ dù chai sần, thô kệch nhưng chưa bao giờ con nghĩ nó xấu. Nó đẹp, đẹp hơn cả những đôi tay búp măng thon mềm của những bà mẹ khác. Bởi, chính đôi tay này đã làm biết bao nhiêu điều kỳ diệu cho con. Ngay từ nhỏ, chính đôi tay mẹ đã đút cho con từng muỗng cháo, muỗng cơm; vá cho con những chiếc áo, chiếc quần. Tay mẹ nắn nót cho con từng con chữ, dạy con làm phép tính, bắt nhịp cho con hát, dìu con đi đến trường làng.
Tay mẹ có thể cuốc đất, trồng rau, gặt lúa, chăn nuôi… và làm biết bao nhiêu công việc nhọc nhằn khác. Khi con đói, nhà chẳng có thức ăn, mẹ nhanh tay ra con mương sau nhà mò cua, bắt cá. Khi con khát, tay mẹ xách từng thùng nước giếng xa nhà hàng trăm mét để mang về cho con. Khi con lạnh, tay mẹ khâu từng mảnh vải vụn hàng tháng trời để làm chiếc chăn ấm áp. Những trưa hè oi bức, tay mẹ còn leo trèo thoăn thoắt để hái cho con những quả dừa xiêm; đong đưa cánh võng cho con chìm vào giấc ngủ.
Xem lại những bức tranh thời con gái của mẹ, con thấy đôi tay mẹ rất đẹp, đẹp như những cánh sen sau vườn nhà. Rồi theo thời gian, vì cuộc sống, tay mẹ đã biến dạng đi rất nhiều. Nhưng dù đôi tay mẹ có ra sao thì đối với con, nó vẫn đẹp, vẫn tuyệt vời. Bởi con hiểu, mẹ làm tất cả vì con.
Nguyễn Hoàng Duy (ĐSHĐ-008)