Hôm nay, một lần nữa ngày trăng tròn tháng tư lại trở về, ngày đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, bậc thầy toàn giác, toàn chơn, toàn thiện, toàn mỹ… thị hiện nơi thế giới Ta bà này.
“Mười lăm âm lịch tháng tư ta
Mừng lễ đản sanh đức Thích-ca
Thế giới năm châu cùng tưởng niệm
Đất trời vang dậy vọng âu ca…”
Sự xuất hiện của Ngài giống như vầng thái dương xua tan đi bóng tối vô minh mờ mịt, mở ra một chân trời mới đầy ánh sáng trí tuệ, chấm dứt khổ đau. Trước khi đức Thế Tôn tìm ra chân lý giải thoát, xứ Ấn Độ có nhiều giáo phái và nhiều đường lối tu tập khác nhau, nhưng tựu trung, đường hướng của họ vẫn còn yếu tố “Ngã tính” – mầm móng của sanh tử luân hồi. Chỉ đến khi, đức Phật tọa thiền 49 ngày đêm dưới cội Bồ đề, tư duy lý Duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt” nghĩa là mọi Pháp tướng có-không, sinh-diệt, còn-mất, đến-đi… đều là Duyên sinh, không có thật thể. Khi tuệ tri như vậy, ngã chấp không còn. Ngã diệt cũng đồng nghĩa vô minh diệt, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt… sanh- lão- tử, sầu- bi- khổ- ưu- não diệt theo.
Sau khi thành đạo, Ngài đã đem ánh sáng chân lý rải khắp muôn nơi cho chúng sanh thấm nhuần lợi lạc. Ngài không phân biệt giáo phái, chủng tộc, màu da, nam nữ, sang hèn… chỉ cần có niềm tin vào giáo pháp, Ngài đều hóa độ. Với tâm nguyện “vì lợi ích cho chư thiên và loài người”, đức Phật không bao giờ ngưng việc thuyết pháp độ sanh cho đến khi nhập Niết-bàn. “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, là một người vi diệu. Người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là sự xuất hiện một người vi diệu… Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của mình và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất lai, là sự chứng ngộ quả Bất lai, là sự chứng ngộ quả A-la-hán. Người vi diệu ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang… là sự chứng ngộ quả A-la-hán1”.
Đức Phật, tuy hiện thân là một con người nhưng là một người vi diệu. Ấy là do năng lực tu tập gieo trồng từ vô lượng kiếp, để rồi trong kiếp này quả vị Bồ đề trổ sanh một cách viên mãn. Tìm hiểu cuộc đời của Ngài, ta thấy có nhiều sự kiện kỳ vĩ mà hiểu biết phàm tình chúng ta có khi không cảm nhận hết được. Nhân duyên Đản sanh của đức Phật cũng vậy. Theo lịch sử ghi lại, nơi kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, dưới sự trị vì của vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Maya một đêm nằm mộng, thấy từ trên không trung một con Voi trắng sáu ngà bay xuống dùng ngà khai hông bên tả đi vào thân của bà.
Thức giấc, hoàng hậu thấy toàn thân mình khoan khoái nhẹ nhàng và từ đó hoài thai. Trải qua thời gian thai nghén, gần đến ngày lâm bồn, theo tục lệ cổ Ấn Độ hoàng hậu phải về quê cha mẹ để sinh nở. Trên đường về quê, thái tử đã ra đời nơi vườn Lâm-tỳ-ni. Khi hoàng hậu với tay đón cành hoa vừa nở, vừa vin cành cây, thái tử từ hông phải đản sanh. Vừa ra đời, thái tử bước đi bảy bước, mỗi bước đều có hoa sen nâng gót và một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, Ngài tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” (Trên trời dưới trời, chỉ Ta trên hết, qua vô lượng sanh tử, kiếp này là chấm dứt).
Sự kiện đản sanh của đức Phật, ngoài yếu tố siêu nhiên còn có những ý nghĩa triết học, mang tính biểu tượng vô cùng sâu sắc về giáo pháp mà Ngài sẽ chứng ngộ sau này. Hoàng hậu Maya, tựa như hình ảnh chúng sanh sống trong cõi đời uế trược. Voi là loài vật có sức mạnh dũng mãnh, thường được dùng trong quân đội, giống như Đại hạnh Bồ-tát luôn tùy thuận để cứu độ chúng sanh. Sáu ngà hay sáu giác tượng trưng cho Lục độ Ba-la-mật. Bồ-tátTất-đạt-đa cũng chính là vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ (nghĩa là còn thị hiện nơi cõi đời một lần nữa sẽ thành Phật).
Vườn Lâm-tỳ-ni cảnh vật xanh tươi, muôn hoa đua nở, giống như tâm niệm thiện lành muốn hướng thượng của chúng sanh. Hoa vô ưu nghĩa là loài hoa không ưu phiền, không vọng niệm. Hoàng hậu đưa tay phải vịn hoa vô ưu thì Phật đản sanh, hình ảnh này hàm ý khi nào chúng sanh gạt bỏ những ưu phiền, tâm tịch tĩnh, vắng lặng thì Phật sẽ ra đời. Nên trong kinh đức Phật đã nói “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đức Phật lúc mới thành đạo, trước khi vận chuyển Pháp luân lần đầu tiên, Ngài đã nghĩ: “Căn tánh chúng sanh giống như một hồ sen. Có những chồi sen còn nằm trong bùn, có những nụ nhô lên khỏi bùn, có hoa nằm lưng chừng trên mặt nước, có hoa đã nhô lên khỏi mặt nước trổ hương khoe sắc dâng tặng cho đời”. Như vậy, nơi mỗi chúng ta đều tiềm tàng yếu giác ngộ.
Hoa sen còn mang đặc tính “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đức Phật cũng vậy, một người sanh trong cõi đời ngũ trược, nhưng bằng nghị lực, ý chí Ngài đã vươn lên trở thành bậc toàn giác. Do đó, hình ảnh đức Phật ta thấy luôn được tôn trí trên hoa sen. Đức Phật sơ sinh đi bảy bước với bảy hoa sen đỡ. Số bảy, theo triết học Ấn Độ, có ý nghĩa bao hàm cả không gian và thời gian. Hoặc chúng ta có thể hiểu, số bảy là chỉ bảy vị Phật quá khứ từng thị hiện nơi thế giới Ta bà này (Phật Tỳ Bà Thi, Thi Khí, Tỳ Xá Phù, Câu La Tôn Đại, Câu Na Hàm Mâu Ni, Ca Diếp, Thích Ca Mâu Ni). Hay số bảy cũng có nghĩa chỉ cho bảy bậc Thánh quả từ Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán, Duyên giác, Bồ-tát và Như Lai.
Lời tuyên bố của thái tử khi đản sinh cũng hàm tàng nhiều ý nghĩa. “Thiên thượng” tức chỉ cho cõi người, trời, Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. “Thiên hạ” chỉ cho bốn đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu la. “Duy ngã ” chỉ cho bản thể chơn tánh hay chơn ngã. Như vậy, “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” có thể hiểu: đức Phật đã giác ngộ nên con đường sanh tử khổ đau chấm dứt, chúng sanh trong lục đạo luân hồi, chưa nhận lại được bản thể chơn tánh nên còn sanh tử xuống lên.
Trên đây, chỉ là một vài ý nghĩa thiết thực rút ra từ sự kiện đản sanh của đức Thế Tôn, đương nhiên cũng còn nhiều ý nghĩa khác tùy theo cách hiểu của mỗi người. Chúng ta biết rằng, Pháp Phật luôn bao hàm cả hai mặt: bản thể và hiện tượng hay lý và sự. Sự hay hiện tượng, là hình thức biểu hiện bên ngoài ta có thể thấy, nghe, tư duy hiểu được thuộc về tương đối. Còn lý hay bản thể, là bản chất thật sự của mọi hiện hữu thuộc phạm trù tuyệt đối. Như trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói: “Một hạt cải chứa đựng trong nó cả vũ trụ”. Như vậy, ta thấy hạt cải là một pháp, một hiện tượng, một sự tổng hòa nhiều nhân duyên. Trong đó, mỗi yếu tố trực tiếp lại do nhiều yếu tố gián tiếp khác tạo nên. Cứ thế, nếu chúng ta truy tìm lần ra thì cả vũ trụ góp phần tạo nên sự hiện hữu của hạt cải. Đây cũng là ý nghĩa lời Phật dạy “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” trong kinh Hoa nghiêm. Khi chúng ta nhìn hạt cải, liền tuệ tri được bản thể thực sự của hạt cải, mọi ranh giới ngã tính phân biệt người vật, đời đạo, tốt xấu, phải quấy, cao thấp…rơi rụng như lá mùa thu. Cho nên, đối với người học Phật thì phải biết nương vào sự để đạt lý, khi lý đã sáng tỏ rồi thì Sự sự vô ngại.
Đức Phật là bậc thầy đã thể nhập thể tính chơn như nên thế nhân xem cuộc đời Ngài như một tấm gương phản chiếu sự bình an tự tại, bất động trước phong ba bão táp cuộc đời. Và khi nói về bản chất một vị Phật, ta phải hiểu rằng Phật không nằm ở hình tướng bên ngoài hay ở âm thanh lời nói. Vì hình tướng đó có thể thay đổi hoặc có chúng sanh tương đồng như vua Chuyển luân cũng có 32 tướng tốt 80 nét đẹp nhưng các vị đó không phải Phật vì họ chưa đoạn hết vô minh phiền não. Khi một người có được nội tâm thanh tịnh, bình đẳng, vô nhiễm, dù họ có mang hình tướng nào, ở không gian, thời gian nào, họ vẫn là một vị Phật đáng kính. Nói về ý nghĩa này trong kinh Tăng Chi, tập II A, trang 51, ghi chép như sau:
“Bà-la-môn Dona thấy dấu chân đức Phật có dấu bánh xe (Pháp luân) với đầy đủ tất cả chi tiết, khi đức Phật đi trên con đường giữa Ukkttha và Setabbya, liền suy nghĩ đây không phải là dấu chân của loài người, nên đến gần đức Phật và hỏi: “Có phải Ngài sẽ là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn thát bà, Ngài sẽ là Dạ Xoa, Ngài sẽ là loài người?” Với bốn câu hỏi này, đức Phật tuần tự trả lời: “Ta sẽ không phải là Tiên, Ta sẽ không phải là Càn thát bà, Ta sẽ không phải là Dạ Xoa, Ta sẽ không phải là người? Đức Phật trả lời: “Ta sẽ không phải là Chư Thiên, Ta sẽ không là Càn thát bà, Ta sẽ không phải là Dạ xoa, Ta sẽ không phải là Người”.
Những câu trả lời ấy đã làm cho Bà-la-môn Dona ngạc nhiên khiến phải hỏi tiếp: “Vậy sở hành của Ngài là gì? Và tôn giả sẽ là gì?”. Đức Phật đáp: “Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Ta-la, được làm cho không thể hiện hữu được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn thát bà, Ta có thể là Dạ Xoa, Ta có thể là loài người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây Ta la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai…”.
Ý nghĩa câu chuyện trên một lần nữa được khẳng định qua câu Pháp Cú:
“Ta hàng phục tất cả
Ta rõ biết tất cả
Không bị nhiễm pháp nào
Ta từ bỏ tất cả
Ái diệt tự giải thoát
Đã tự mình thắng trí
Ta – gọi ai thấy ta”
(Pháp Cú, câu 353).
Quả vậy, cuộc đời và sự nghiệp của đức Thế Tôn luôn chứa đựng nhiều điều thù thắng vi diệu, từ một con người sinh ra trong hoàng cung, lớn lên trong nhung lụa nhưng Ngài đã buông xả tất cả để đi tìm chân lý vô sanh bất diệt, giải quyết nỗi khổ tự thân và cứu khổ cho đời. Ngài đã đem ánh sáng giác ngộ chỉ dạy để chúng sanh được ly khổ đắc lạc. Vì vậy, chúng ta đảnh lễ cúng dường Ngài với lòng hoan hỷ, tôn kính.
Huệ Phát (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: Quảng Hiếu
- HT.Thích Minh Châu dịch, Tăng chi bộ kinh I, Phẩm một người, phần Như lai, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.46.