Tình trạng trẻ em tại Việt Nam sử dụng TikTok hiện nay khá nhiều. Đi đâu người ta cũng thấy các bậc phụ huynh để trẻ con lướt TikTok một cách thản nhiên mà không biết rằng, những mối đe dọa, nguy hiểm tiềm ẩn bên trong đó. Dù rằng, hiện tại nó mang lại niềm vui tức thời cho trẻ.
Theo số liệu mới nhất được cập nhật vào tháng 9/2021, trong số hơn 1, 1 tỉ người dùng, có 32.5% là người dùng từ 10-19 tuổi, vậy ước lượng khoảng 30% người dùng dưới 18 tuổi. Điều này chưa kể đến các đứa trẻ dưới 10 tuổi xem TikTok chung với cha mẹ hoặc cha mẹ khai man tuổi để trẻ được dùng TikTok. Lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới (nhưng nếu xét xếp hạng lượt tải về tại Việt Nam thì TikTok đứng số 1), trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Không lạ gì khi TikTok được xem là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, số người dùng thực tế tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều bởi TikTok cho người dùng từ 13 tuổi được đăng ký mở tài khoản. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi khi lứa tuổi non nớt ấy, chưa hiểu hết sự đời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em chơi và nghiện TikTok. Ngay từ tuổi lên 5, để dỗ dành con không khóc, dụ con ăn, tránh cho con chạy nhảy lung tung mà một số cha mẹ đã nghĩ ra cách cho con xem TikTok. Cũng có trường hợp, mỗi kỳ nghỉ hè, cha mẹ bận làm việc, không ai trông con nên giải pháp để con xem TikTok là giải pháp tốt nhất. Đó là chưa nói việc cha mẹ là người nghiện TikTok, cứ mỗi lúc quay clip là đem con lên khung hình cùng diễn… Lâu dần, trẻ quen với điều đó và không thể bỏ. Cứ thiếu điện thoại, không được lướt TikTok là trẻ khóc, dỗi hờn đòi cho bằng được. Rồi những gia đình có điều kiện chiều chuộng con, sắm riêng cho trẻ một chiếc điện thoại thông minh chỉ để lướt TikTok thoải mái.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, không nên cho trẻ em ở độ tuổi từ 3-10 tuổi xem TikTok dù đó là clip bình thường. Bởi từ những clip đơn giản, thuật toán sẽ dẫn người xem đi sâu vào những clip nguy hiểm hơn mà ngay cả người lớn còn không lường trước hậu quả. Vì muốn được lên trend (xu hướng), muốn được làm TikToker (nhà sáng tạo nội dung) mà nhiều người bất chấp sĩ diện, bất chấp vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục làm những trò không giống ai: nhảy nhót quay cuồng mất kiểm soát hành vi như người động kinh; ăn bẩn, ăn tươi nuốt sống các loại thủy hải sản, thịt tươi; cổ xúy cho việc truyền bá mê tín dị đoan; chửi bới, quay lén chuyện riêng tư người khác… Đó là chưa nói việc người ta mượn TikTok để làm điều xấu: xuyên tạc lịch sử, nói xấu Đảng và Nhà nước ta; phô bày thân thể theo kiểu “nửa hở nửa kín” để hoạt động mại dâm trá hình; lừa đảo bằng cách lên TikTok gọi vốn; bán hàng giả, hàng kém chất lượng; dạy phá khóa… Trong khi đó, trẻ con như trang giấy trắng thẳng thớm, đâu hiểu hết những cạm bẫy ấy. Chúng ngây thơ xem, bị TikTok dùng thuật toán “dẫn dắt”, rồi từ đó bắt chước làm theo. Lâu dần trẻ sinh nghiện, xao lãng việc học. Nhiều em khi lớn lên lại học theo những thói hư tật xấu trong TikTok, sa đà trong u mê, không trở thành một công dân gương mẫu, tích cực.
Tất nhiên, TikTok cũng có nhiều clip hay, tích cực, truyền cảm hứng… Nhưng những clip ấy lại không thu hút vì trẻ con vốn dĩ chỉ thích những nội dung mang tính giải trí tức thời, dễ hiểu. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu những vi phạm của TikTok và hiện phối hợp với 7 cơ quan, đơn vị cùng kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do cho biết: Những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn xã hội. TikTok đang khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, gây lệch lạc nhận thức, lối sống, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc; khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tràn lan các nội dung vi phạm bản quyền. Với những lý do vừa nêu trên, rất mong các phụ huynh không nên dễ dãi, chiều chuộng con cái trong việc xem và chơi TikTok.
Nguyễn Hoàng Duy (ĐSHĐ-118)