Cà sa y khoác lên mình
Xuất trần thượng sĩ tế hàm linh
Tay nâng kiếm tuệ đoạn si ái
Thân cởi tư vương đoạn ta bà.
Đệ tử Phật, ca sa khoác lên mình, phải cương quyết vững vàng mới có thể một phen giải tỏa, phá sập chuỗi vô minh tăm tối. Muốn vậy, phải đầy đủ trí tuệ. Bao giờ cánh cửa trí tuệ hé mở mới có thể ngăn trừ các nghiệp lực, phá được những tối tăm si mê.
Trí tuệ tức là chánh kiến và chánh tư duy, vừa là nhân vừa là quả của giới hạnh và thiền định. Chánh giới có sức mạnh rất lớn, người phát tâm thọ giới và miên mật giữ giới sẽ được thoát ly sanh tử, được chư thiên và thiện thần hoan hỷ, cung kính hỗ trợ. Lơ là với chánh giới, buông lung theo tà nghiệp là sâu dày với nghiệp chướng, ngăn trở chánh đạo.
Trong Yết Ma Yếu Chỉ dạy rằng: “Khi truyền giới, tác pháp yết-ma là việc làm rất quan trọng. Bởi vậy, pháp yết-ma phải như pháp, do yết-ma thành tựu nên giới thể của giới tử mới trọn vẹn. Từ đó, giới tử thân tâm an lạc. Cho nên, việc đăng đàn truyền giới là lớn lao và quan trọng. Phật pháp còn tồn tại hay không là do trao truyền giới pháp, dù nơi biên địa xa xôi, chỉ năm vị Tỳ-kheo thanh tịnh làm pháp yết-ma truyền giới thì nơi đó Phật pháp còn tồn tại lâu dài.”
Khi bước vào giới trường là bước vào khung cảnh nuôi lớn giải thoát. Áo nạp và cà sa khoác lên như mây cuốn, lãnh thọ cụ túc giới để chững chạc bước vào hàng sứ giả Như Lai. Ba phen yết-ma, bốn lần tác bạch, chúng con chí thành rạp mình theo truyền lệnh. Toàn chân thân thấm nhuần giới thể vô tác, một phen đăng đàn thọ giới, trọn đời chẳng thể quên. Trong giây phút thành khẩn ấy, mọi ngôn năng đều khép lại, chỉ biết cúi đầu lắng nghe.
Trong Đại Luật có ghi: “Yết-ma lần thứ nhất thành tựu thì cung điện ma vương bị rung động, chao đảo. Ma vương bắt đầu lo sợ, chú ý nguồn phát sinh luồng năng lực vô cùng mạnh mẽ, kỳ diệu này. Yết-ma lần thứ hai thành tựu, cung điện ma vương bị sụp đổ. Yết-ma lần thứ ba thành tựu, từ tâm của mười phương chư Phật hợp với năng lực giới pháp, từ tâm các giới sư thanh tịnh rót vào đảnh môn, nhập vào tâm các giới tử.”
Ngày chúng con được chư Tôn Thiền đức Ni đưa đến Đại Tăng cầu chánh giới, khiến con xúc động vô cùng. Nhớ đến hình ảnh gần 3000 năm về trước nơi đất Ấn, Ngài Kiều Đàm Di mẫu đã thiết tha cầu pháp chẳng ngại gian lao cùng với 500 công nương băng rừng vượt suối, mong tìm được ngọc quý của Đức Như Lai cầu xin thế phát xuất gia và gia nhập Tăng đoàn. Ngài đã thành lập kỷ cương Ni đoàn để phụng sự và hoằng dương Phật pháp.
Ví như loài ong đến với hoa, chỉ để lại mật ngọt cho đời, chớ chẳng tổn hại đến hương và sắc. Cũng vậy, bậc Sa môn Thích Tử vào đời chỉ tự nép thân tâm trong giới và luật để lưu lại chút hương thơm của đức hạnh, làm mẫu mực cho trời người.
Đệ tử Phật dù tu Pháp môn nào cũng lấy giới luật làm nền tảng căn bản. Vì giới luật là mạng mạch của Phật pháp, là thọ mạng của Tăng già. Giới luật do Đức Phật chế định là những nguyên tắc sống làm nên phạm hạnh, đạo đức của người xuất gia.
Vâng theo lời di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn trước khi nhập Niết-bàn, hàng đệ tử chúng con nguyện trọn đời tôn kính Ba-la-đề-mộc-xoa, luôn lấy giới luật làm Thầy hướng đạo, xem giới tướng như tròng con mắt của mình, ra sức giữ gìn trang nghiêm để có thể thanh tịnh nhập vào giới thể, tăng trưởng đạo tâm, viên dung đạo hạnh. Thành tựu Phật đạo, hóa độ chúng sanh, xứng đáng là bậc trượng phu đi trên con đường giác ngộ, giải thoát, mang hạnh phúc trang trải cho mình và người.
Hạ Giao (ĐSHĐ-114)