Bồ Đề Tâm là chủng tử thành Phật. Một hành giả tu Bồ tát đạo nhất định phải bắt đầu từ Bồ Đề Tâm. Bồ Đề Tâm là cốt tủy của Phật giáo Đại thừa.
Tuy nhiên, không phải ai đến với đạo Phật cũng nhận thức được về Bồ Đề Tâm ngay từ đầu. Ví dụ như tôi phát tâm xuất gia từ những trang sách của thiền sư Nhất Hạnh. Ngài dạy rằng Tăng thân là môi trường lí tưởng để các tập khí của mình tan rã. Tôi muốn xuất gia trước hết để chuyển hóa những thói hư tật xấu của mình. Đó cũng là hảo tâm, tuy nhiên phải đến khi được Sư phụ tôi cho đi học Phật pháp, được học cách phát Tâm Bồ Đề, tôi mới biết Bồ Đề Tâm là gì, và phải phát tâm như thế nào để khế hợp với bản nguyện của chư Phật. Như ngài Thái Hòa có dạy, để có Tâm Bồ Đề cần phải trải qua Văn, Tư, Tu.
Thật muôn ngàn biết ơn Tam bảo, thật muôn ngàn biết ơn dòng chảy tâm linh đã chảy qua bao thế hệ dân tộc Việt Nam dưới “mái chùa che chở hồn dân tộc”. Thật muôn ngàn lần biết ơn Sư phụ tôi. Nhờ có sự dìu dắt của Người, tôi mới được gieo chủng tử thành Phật. Sư Ông Làng Mai có dạy, không muốn thì thôi, muốn là phải muốn cái gì thật to, thật lớn. Đã tu là phải tu thành Phật. Tôi cũng muôn lần tri ân mái trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều, nơi đã trực tiếp trao cho tôi bài học phát Bồ Đề Tâm. Trước đó, tôi chỉ là một con người phàm tục chỉ mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng sự ích kỉ đó đã hoàn toàn tan rã trước Bồ Đề Tâm như một tảng băng tan biến dưới ánh nắng mặt trời. Đây là cách tôi được gieo hạt Bồ Đề: “Chúng sanh sung mãn hư không giới, phiền não sung mãn khắp chúng sanh, ác nghiệp sung mãn khắp phiền não, khổ bức sung mãn khắp ác nghiệp. Tất cả những chúng sanh đang chịu khổ kia đều đã từng là cha là mẹ của mình, tất cả đều có ơn nặng với mình. Mình phải làm gì để họ an lạc đây? Hiện giờ, tôi không có khả năng gì để cứu giúp họ được cả. Vì vậy, để làm lợi ích cho những chúng sanh này, tôi phải chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh.” Thật đúng như lời ngài Shantideva trong tác phẩm Bồ tát hạnh đã xiển dương, Bồ Đề Tâm chính là “một cây thuốc trường sinh khắc trừ sự chết, là một kho tàng vô tận thay thế sự nghèo khổ cho chúng sinh, là một phương thuốc vi diệu chữa trị mọi bệnh tật cho thế gian, là một bóng cây mát cho kẻ bộ hành lang thang mệt mỏi trên đường luân hồi, là một cây cầu vĩ đại đưa hành khách thoát khỏi hiểm đạo, là một bóng trăng xoa dịu vết thương ái nhiễm, là mặt trời tỏ rạng đẩy lui đám sương mù vô minh… ”. Tôi cũng không thể quên lời dặn dò của giáo thọ sư bộ môn Khuyến phát Bồ Đề Tâm văn: “Lập nguyện đi con, dù thịt nát xương tan quyết không sờn lòng”.
Bồ Đề Tâm là tâm thương yêu. Khoan nói đến chuyện thành Phật, Bồ Đề Tâm trước hết là ước muốn đem lại hạnh phúc cho chính bản thân và cho kẻ khác.
Khoan nói đến tất cả chúng sanh, hãy nói đến người ta gần nhất. Đó có thể là huynh đệ ta sống hàng ngày, là Thầy ta, người đã trao cho ta giới thân huệ mạng và cũng chính là người gieo hạt Bồ Đề lên tâm thức của ta. Bồ Đề Tâm ấy khó phát khởi mà lại dễ bị thối thất. Cho nên, một khi đã được phát khởi thì cần phải gìn giữ và làm tăng trưởng Bồ Đề Tâm.
Thất niệm là yếu tố xoi mòn Tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề còn gọi là sơ tâm. Sống theo giới luật là một cách gìn giữ sơ tâm. Sơ tâm ấy quí lắm, như viên ngọc của kẻ mù bắt được trong thùng rác. Khi muốn buông xuôi thì phải biết cầu cứu và nương tựa những bậc trưởng thượng để được chỉ dẫn. Như Qui Sơn Cảnh sách dạy rõ: “Khởi bất kiến ỷ tùng chi cát, thượng túng thiên tầm” (Không thấy dây sắn quấn theo cây tùng kia sao: nó cao vót lên đến cả ngàn tầm). Ta chỉ là một loài dây leo nhỏ bé thì hãy biết nương vào tùng bách rồi sẽ vươn tới tầm đại trượng phu. Sơ tâm là hảo tâm nên người xuất gia cần trân trọng giữ gìn. Hãy nuôi dưỡng sơ tâm trong từng hành động, lời nói, ý nghĩ. Gìn giữ và nuôi dưỡng sơ tâm bằng chánh niệm, bằng tình thương, bằng trí tuệ. Suy nghĩ, lời nói, việc làm nào đem lại hạnh phúc cho mình và người thì dù chết ta cũng làm, suy nghĩ, lời nói, việc làm nào gây tổn hại cho mình và người thì dù chết ta cũng không làm. Có Bồ Đề Tâm là có hạnh phúc. Hạnh phúc ấy đôi khi chỉ là bữa cơm đạm bạc nhưng đậm tình thầy trò, huynh đệ, đậm đà đạo vị. Nhiều hạnh phúc nhỏ gom thành một hạnh phúc to.
Tôi có phước duyên được làm người con xuất gia của Đức Phật, được Minh sư gieo hạt Bồ Đề lên tâm, được giữ gìn và tăng trưởng Tâm Bồ Đề đó thông qua Văn, Tư, Tu cùng nương nhờ các bậc Tôn sư, nương nhờ huynh đệ. Nguyện cầu cho bạn cũng sẽ có phước duyên sống an lạc và hạnh phúc trong Phật pháp như tôi. Nguyện cầu cho bạn được phát khởi Tâm Bồ Đề và viên mãn Bồ Đề đạo.
Tuệ Anh
Diễn đọc: Sc Nhẫn Hoà