Đầu thế kỷ hai mươi, trên con tàu buôn ghé vào bến sông Hậu hiền hòa, cảnh vật thật hữu tình, chàng thanh niên người Hoa say sưa ngắm trời xanh nước biếc… Bỗng một điệu hò vang lên bên sông…Dù chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa sâu sắc của câu hò nhưng với đôi mắt, mái tóc và chiếc nón lá của cô gái Nam bộ, đã khiến lòng chàng trai xao xuyến… Đó chính là khởi đầu của một tình yêu thật đẹp và là câu chuyện tìm về nguồn cội kéo dài qua 3 đời hơn 50 năm, lạ thường như cổ tích…
Kết nối trăm năm
Chàng trai người Hoa trên con thuyền buôn năm đó là ông Ngô Càn Phan quê ở đảo Hải Nam-Trung Quốc. Ông theo cha rong ruổi khắp các miền sông nước. Như duyên trời định, tình cờ ông nghe được một điệu hò trên sông…Mê mẩn với vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Việt, ông đã xin cha ở lại miền đất này. Ông kết duyên với người con gái tên Sử Thị Dậu. Họ hạnh phúc và chí thú làm ăn nơi quê hương Đại Ngãi-Hậu Giang.
Tình yêu trải dài theo năm tháng với lần lượt năm người con ra đời. Cuộc sống của họ lẽ ra rất đỗi yên bình nếu như không có chuyến đi định mệnh của ông. Năm 1935, ông tháp tùng theo chuyến tàu về thăm quê cha ở đảo Hải Nam. Ở đó, ông bất ngờ lâm bệnh rồi qua đời. Gia đình ở Hậu Giang nghe tin dữ nhưng không thể qua ngay được vì đang là thời điểm chiến tranh thế giới căng thẳng, nhiều nơi giao thông đã hoàn toàn đình trệ. Mãi đến năm 1948 người con trai trưởng của ông là Ngô Khôn Thông mới đưa được gia đình sang viếng mộ cha.
Qua bên đó, ông Thông mới biết hoàn cảnh của bên nội quá neo đơn và có nhiều việc kinh doanh của gia đình cần người thừa kế, cho nên ông quyết định lưu lại đây thêm một thời gian để tiếp nối. Ngày tháng trôi qua, lại xảy nhiều biến cố của gia đình và nhất là phương tiện liên lạc khó khăn, dần dần ông bặt tin với mẹ và 3 người em trai ở Hậu Giang. Từ đó, từng ngày trôi qua đối với vợ chồng ông là từng nỗi đau đáu nhớ về mẹ và các em yêu thương. Ông gởi nhiều thư, nhờ nhiều người tìm kiếm nhưng vô vọng.
Nỗi nhớ biền biệt đến mấy chục năm sau, thông qua một người đồng hương, ông mới biết tin là mẹ của ông đã mất, còn các em của ông không còn ở Hậu Giang mà đã lên Sài Gòn sinh sống. Tin tức rõ nhất là gia đình người em thứ tư tên Ngô Khôn Phát, có nhà ở ngay khu chợ nhỏ gần ga Hòa Hưng. Thật oái ăm, cuộc đời không phải lúc nào cũng được như người ta mong muốn, mấy chục năm tìm kiếm, khi biết được tin tức, cũng là lúc vợ chồng ông lần lượt lâm bệnh và không kịp tìm về quê hương hội ngộ. Di nguyện cuối cùng của vợ chồng ông là phó thác cho người con trai cả tên Ngô Hùng Sinh phải tìm cho bằng được gia đình mình…
Về lại cội nguồn
Ông Ngô Hùng Sinh, sanh năm 1938 tại Đại Ngãi- Hậu Giang là người theo cha về Hải Nam lúc 10 tuổi. Trong ký ức của ông vẫn hằn in đậm về một quê hương sông nước hiền hòa với bao gương mặt của những người bà con ruột thịt. Trong lòng ông luôn khắc khoải, mong một lần được trở về quê. Một buổi sáng, năm 1992 trong một nhà hàng, tình cờ ông nghe một bản dân ca Việt… Biết bao hình ảnh con đường làng, những cánh đồng lúa xanh, những bờ sông lăn tăn gợn sóng, nơi mà ông đã có một tuổi thơ đầu đời gắn bó, bỗng trỗi dậy mãnh liệt. Tình cảm ruột thịt cộng với lời căn dặn của cả cha mẹ, thôi thúc ông lập tức quay về quê hương…Vậy là ông quyết định làm cuộc hành trình về quê nhà với hành trang một ít tiếng Việt còn nhớ được và thông tin ít ỏi về ngôi nhà người chú ruột ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Từ Hải Nam ông sang Hà Nội để đáp tàu hỏa vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tâm hồn ông luôn nghĩ mình là người Việt. Vì vậy, đến đây rồi ông mới nhớ ra là để vào Việt Nam cần phải có giấy thông hành. Ông thật sự gặp khó khăn vì là người nước ngoài mà vào Việt Nam khi chưa được phép. Tuy nhiên, khi biết được hoàn cảnh và tâm nguyện của ông, ông đã được nhiều người Việt giúp đỡ. Vậy mà cũng phải đến nửa tháng sau ông mới đến được Thành phố Hồ Chí Minh… Ra khỏi nhà ga, ông kiếm đường và tìm đến cái chợ nhỏ gần đó, hỏi kiếm nhà người chú của mình. Và thật may, gia đình của người chú là Ngô Khôn Phát xưa nay vẫn cư ngụ một nơi đó.
Cuộc hội ngộ quá sức kỳ lạ và bất ngờ, ông chỉ nói được một ít tiếng Việt nhưng điều đó cũng không cản trở nổi tình cảm thiêng liêng của hai chú cháu. Sau vài câu nói, người chú nhận ra ngay đứa cháu mà mình từng ẵm bồng khi còn nhỏ. Niềm vui vỡ òa. Hơn năm mươi năm xa cách bỗng đoàn tụ, mọi người như vừa tìm lại được một vật quý báu đã đánh mất từ lâu… Rồi cả gia đình người chú và ông Sinh cùng nhau về Đại Ngãi thăm lại quê xưa, một nơi vừa là quê nội và quê ngoại của ông. Với ông Sinh, quê hương Hậu Giang vẫn thật đẹp, cảnh vật cũng đã có nhiều thay đổi nhưng tình cảm mà con người dành cho nhau là vẫn nguyên vẹn như ngày nào…
Thời gian lưu lại tại gia đình người chú ruột, ông Sinh càng cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng của tình cảm ngọt ngào. Mọi sinh hoạt ở đây đều gần gũi thân quen. Duy chỉ có việc để nói chuyện bày tỏ với nhau nhiều hơn thì rất khó khăn bởi bất đồng ngôn ngữ, thậm chí nhiều lúc phải ra dấu để hiểu nhau. Nhưng bất chấp trở ngại, cả hai bên đều cảm nhận được sự kỳ diệu của ruột rà. Điều hạnh phúc nhất của chuyến đi là ông đã thực hiện được ước nguyện sau cùng của cha mẹ và về được nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình…
Trở về Hải Nam, ông thường xuyên viết thư sang thăm hỏi nhưng khổ nỗi là gia đình bên Việt Nam không ai đọc được tiếng Hoa. Mỗi lần nhận thư, người em gái chú bác với ông Sinh là chị Thu Tâm phải thuê người dịch sang tiếng Việt và mỗi khi trả lời thư lại phải làm ngược lại với chi phí dịch thuật rất cao… Một thời gian sau, khi liên lạc bằng điện thoại dễ dàng thì mỗi khi nói chuyện hai bên chỉ trao đổi được vài câu đơn giản. Gia đình rất yêu quý nhau nhưng không thể tâm sự nhiều hơn, thế là chị Thu Tâm quyết định đi học tiếng Hoa, còn bên kia ông Sinh kiếm người để học thêm tiếng Việt… Vượt qua bao khó khăn đến nay chị Thu Tâm đã tốt nghiệp đại học ngành Hoa văn, còn ông Sinh cũng đã trao đổi tương đối thông suốt bằng tiếng Việt…
Chị Thu Tâm kể rằng: Thật ngộ nghĩnh khi là anh em nhưng để hiểu được lời nói của nhau cả hai bên đều phải đi học. Đó là điều hết sức thú vị, thiêng liêng và cũng chính là động lực để tôi hoàn tất chương trình đại học, điều mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến bao giờ! Chị còn cho biết: Cả hai bên gia đình giờ hạnh phúc lắm vì nhờ sự kết nối này chị đã có cơ hội tham quan nước Trung Hoa xinh đẹp và mùa hè năm ngoái, hai cháu (con của ông Sinh) cũng đã sang thăm, nghỉ hè ở Việt Nam. Sợi dây ruột thịt tưởng chừng đã đứt nay được nối lại một cách diệu kỳ…
Thay lời kết
Trong cuộc sống, khi ta có đầy đủ anh em và những người họ hàng, điều đó với nhiều người là rất bình thường. Nhưng với những ai phải xa quê hương và mất liên lạc với người thân, nó lại trở nên vô cùng quý báu, nó khắc khoải, thiêng liêng và luôn thôi thúc người ta phải tìm bằng được nguồn cội của mình… Thời gian sẽ không chờ ai cả. Như lời đức Phật đã dạy: Chúng ta được có mặt trong cõi ta bà này là rất hy hữu. Cơ duyên để hạnh ngộ và là người thân của nhau trong cuộc đời này lại càng rất khó… Hãy trân quý tình cảm mà mình đang có được, vì suy cho cùng trong cuộc đời này, tình cảm của con người chỉ rút gọn trong vài chữ: “Trăm năm sau biết có gặp lại không!”.
Hoàng Dũng Hùng (ĐSHĐ-004)