Ở Việt Nam ta, khi công nghệ thông tin chỉ ở bước sơ khai, có thể nói sách là người bạn tuyệt vời nhất của mọi người. Nhưng từ khi công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, việc đọc sách truyền thống dần suy giảm. Người ta say sưa theo dõi những tin tức xô bồ trên Internet mà quên mất những trang sách đang nằm im trong thư viện, nhà sách, nhà kho… Mà cho dù có đọc sách điện tử thì việc tiếp nhận thông tin từ nội dung sách cũng khó. Bởi trên màn hình máy tính, điện thoại có vô vàn hình ảnh khác đang mời gọi nghía qua, làm loãng đi sự tập trung. Vì thế mà việc đọc sách điện tử “nhớ đó rồi quên đó”. không nhớ dai như đọc sách truyền thống. Bởi ở sách truyền thống có cái thú vị là đọc không hiểu sẽ đọc lại nhiều lần (đọc sâu nhớ lâu), bất chấp mọi không gian. Trong khi sách điện tử, ít ai lật lại trang cũ, một phần vì việc nhìn chăm chăm khá lâu vào một vấn đề dễ làm mỏi mắt, tổn thương thị giác, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhất là tuổi học sinh, sinh viên. Các bạn dành thời gian quá nhiều vào mạng xã hội, những trang tin tổng hợp “lá cải” với những câu chuyện về giới nghệ sĩ trong và ngoài nước, hay những tin tức giật gân mà mức độ chính xác chưa được kiểm chứng đầy đủ. Nhiều bậc phụ huynh cố tình mua nhiều quyển sách mang giá trị nhân văn để trẻ đọc nhưng trẻ không màng tới, mà chỉ đọc sách giáo khoa như một nghĩa vụ. Thậm chí có bạn, cả năm trời chưa cầm đến một quyển sách dù là nghía sơ qua. Thấy rõ nhất là ở những thư viện trường học nông thôn, những quyển sách nằm yên trên giá đến hoen ố nhưng chẳng em nào mượn về nhà đọc. Thư viện vì thế cũng nghèo nàn đầu sách vì không ai đọc thì bổ sung nhiều làm gì. Từ đó dẫn đến việc hành văn kém, chán nản các môn xã hội cũng như viết sai chính tả rất nhiều. Còn nhớ, tại buổi khai mạc Ngày hội sách Việt Nam lần thứ 3, ngày 19/4/2016 (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết ở Việt Nam, trung bình một người dân đọc chỉ 4 cuốn sách/năm (một con số bé nhỏ so với việc mỗi năm xuất bản khoảng 24.000 đầu sách mới). Trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Điều này khiến Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trăn trở, kêu gọi phát động tất cả học sinh, giáo viên, cán bộ trong ngành quản lý giáo dục tích cực hưởng ứng phong trào đọc sách, nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khơi dậy thói quen đọc sách truyền thống.
Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, dù công nghệ thông tin xứ họ đi trước nước ta cả vài chục năm nhưng đến giờ họ vẫn còn duy trì thói quen đọc sách truyền thống. Người trẻ đọc sách mọi nơi, từ nhà ga, trên tàu, máy bay, xe buýt cho đến những chuyến đi dã ngoại… Tại các nước như Pháp, Nhật Bản trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; người dân Singapore và Malaysia đọc 10 cuốn/năm… Theo bảng xếp hạng NOP world culture score index 2015, trung bình người Ấn Độ đọc sách gần 11 giờ/tuần, Thái Lan gần 10 giờ/tuần, Trung Quốc và Philippines khoảng 8 giờ/tuần,… Đặc biệt, người Israel – quê hương của người Do Thái nổi tiếng với chỉ số IQ trung bình 110, đặt cả những cuốn sách ở nghĩa trang để các linh hồn tiếp tục đọc. Trong khi người Nhật Bản lại nghiện đọc sách đến độ ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm,… thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng (tachiyomi). Ngay cả tỉ phú Bill Gates (Mỹ) cũng mê đọc sách. Mỗi ngày ông dành thời gian một tiếng để đọc sách trước khi ngủ và hoàn thành một cuốn sách mỗi tuần. Riêng ông chủ Facebook Mark Zuckerberg (Mỹ) đã ra tay cứu văn hóa đọc truyền thống bằng cách lập fanpage “Một năm đọc sách” (A Year of Books) trên Facebook vào năm 2015 để giới thiệu những quyển sách hay và kêu gọi mọi người cùng đọc. Cần nhắc lại, mô hình “Câu lạc bộ đọc sách” kiểu này đã được nữ truyền hình Oprah Winfrey (Mỹ) từng lập từ năm 1996 đến năm 2011 (kiểu cũ). Câu lạc bộ của bà rất nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng, khi đưa ra gợi ý đọc các đầu sách cả mới lẫn kinh điển đều rất chất lượng. Sang năm 2012, Winfrey đưa mô hình này lên mạng. Ngoài ra rất nhiều tỉ phú, triệu phú khác dù làm ngành truyền thông nhưng họ vẫn say mê đọc sách kiểu cũ và kêu gọi mọi người nên đọc sách mỗi ngày.
Vào cuối tháng 7/2017, Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ ra chỉ thị yêu cầu chính quyền các bang không cần tặng hoa cho ông Narendra Modi trong những chuyến công tác về các địa phương, thay vào đó có thể tặng một quyển sách. Trong một chương trình phát thanh hồi tháng 6, ông Modi cũng từng nói: “Vòng đời của một bó hoa rất ngắn. Tay bạn nhận nó trong chốc lát và rồi sau đó bạn ném bỏ đi. Nhưng khi bạn tặng một cuốn sách, nó sẽ trở thành một phần của căn nhà, một phần của gia đình”. Điều đó cho thấy ông rất chú trọng việc đọc sách truyền thống.
Những bằng chứng đó cho thấy, người dân ở các nước có công nghệ thông tin phát triển vượt bậc vẫn say mê đọc sách truyền thống mỗi ngày. Bởi họ nhận ra giá trị thực của việc này và từ đó xem như là một thú tiêu khiển lành mạnh. Điều này người Việt chúng ta cần phải học hỏi. Sách giúp cho đời sống văn hóa chúng ta tốt đẹp hơn, tư duy sâu, linh hoạt trong giao tiếp cũng như thu nạp thêm nhiều kiến thức hay, bổ ích, kìm hãm đi tính khí hung hãn, bốc đồng ở mỗi con người. Vậy nên, hãy đọc sách đi, không lãng phí đâu!
Duy Nguyễn