Mối quan hệ giữa Phật giáo Ấn Độ và Việt Nam được xây dựng và phát triển suốt hàng nghìn năm qua. Nhằm làm sáng tỏ hơn những liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa sâu sắc này, Hội thảo “Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam” đã được tổ chức tại Pháp viện Minh Đăng Quang vào sáng ngày 20/10/2024. Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam long trọng tổ chức. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 106 năm ngày sinh Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu và 35 năm thành lập Viện.
Chứng minh, tham dự Lễ Khai mạc Hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Giới – Phó Thư ký kiêm Giám luật HĐCM; Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS, Viện trưởng Viện NCPH Việt Nam; HT. Thích Khế Chơn – Phó Chủ tịch HĐTS; HT. Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng Thường trực Viện NCPH Việt Nam; TT. Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; chư Tôn đức Thường trực HĐTS, chư yôn đức Hội đồng Quản trị Viện NCPH Việt Nam, chư Tôn đức đại diện các Trung tâm, Phân viện trực thuộc.
Tham dự Hội thảo còn có ngài Mahesh Chand Giri – Quyền Tổng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, các học giả uy tín đến từ cả hai quốc gia, cùng nhau thảo luận sâu rộng về những ảnh hưởng tương hỗ giữa Phật giáo Ấn Độ và Việt Nam.
Mối quan hệ bền chặt càng được làm sáng tỏ qua bài phát biểu khai mạc khi Hòa thượng Thích Giác Toàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của Phật giáo trong việc xây dựng nhịp cầu kết nối văn hóa, tâm linh và trí tuệ giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã bày tỏ niềm vinh dự khi được đồng tổ chức sự kiện này. Đồng thời Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và bảo tồn di sản Phật giáo.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn từ giới học thuật. Với hơn 50 bài tham luận, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những phân tích sâu sắc về các chủ đề đa dạng, từ ảnh hưởng của Phật giáo đến kiến trúc và nghệ thuật Việt Nam, cho đến vai trò của Phật giáo trong cuộc sống hiện đại.
TS. Stuti Narain Kacker, Hiệu trưởng Trường Đại học Swami Vivekanand Subharti, đã bày tỏ sự tin tưởng rằng, hội thảo sẽ mở ra những cơ hội hợp tác sáng tạo mới giữa các tổ chức của hai nước. Bà nhấn mạnh rằng, việc khám phá sâu hơn các liên kết lịch sử, văn hóa và tinh thần giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ góp phần mở rộng mạng lưới nghiên cứu và thúc đẩy các sáng kiến chung, nhằm bảo tồn và phát huy giáo lý của Đức Phật.
Trong bài phát biểu từ xa, ngài Hiệu trưởng Trường Đại học Nalanda đã gửi lời chúc mừng đến hội thảo. Ngài đánh giá cao tính khoa học của chương trình và khẳng định rằng, sự kiện này đã tôn vinh mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia. Đồng thời chia sẻ sự tin tưởng vào việc hoàn thành sớm công trình tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu tại khuôn viên Trường Nalanda.
Hội thảo đã khẳng định tầm quan trọng của việc giao lưu học thuật và hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu Phật học, bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và nhân ái hơn.
Nhật Hiếu (ĐSHĐ-134)