
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Phật giáo và phát huy vai trò nữ giới, vừa qua sáng ngày 31/12/2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh kết hợp cùng Ban Quản trị chùa Bát Bửu Phật Đài (còn gọi chùa Thanh Tâm) tổ chức khai mạc triển lãm: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” và hoạt động giao lưu văn hóa trong nữ tu năm 2022 tại chùa Bát Bửu Phật Đài. Đây là lần thứ hai sau Hội thi Báo tường với chủ đề “Tìm hiểu Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” được diễn ra năm 2021.
Cắt băng khai mạc sự kiện có sự hiện diện của Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt – Ủy viên HĐTS GHPGVN – Phó Viện trưởng học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Trưởng ban Quản viện Ni; Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt1 – Chánh Thư ký Phân ban Ni giới GHPGVN TP. HCM, Phó ban Quản viện Ni, chư Tôn đức Ni trong Ban Quản viện; quý Ni sinh cùng một số thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ như bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chuyên viên Ban Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. HCM; Bà Huỳnh Kim Ân – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh v.v…
Buổi triển lãm đã trưng bày hình ảnh, tư liệu, sách về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua 5 chủ đề: Cuộc đời và sự nghiệp; Bác Hồ – công tác xây dựng Đảng và xây dựng đất nước; Bác Hồ với phụ nữ; Bác Hồ với Phật giáo và Những gương phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam, học trò xuất sắc của Bác Hồ. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn lồng ghép cho 40 đội tham gia cuộc thi văn hóa ẩm thực chay, cắm hoa nghệ thuật với chủ đề “Ngàn hoa dâng Bác”. Hoạt động giao lưu được trình bày với những chủ đề, kỹ thuật, hình thức, thuyết minh khéo léo. Điều này, không chỉ tiếp tục tôn vinh, gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc; thể hiện tính đảm đang của Phụ nữ Việt Nam mà qua đó, Ni sinh và giới nữ huyện nhà có thêm cơ hội giao lưu, học tập, khơi gợi nhiều đức tính cao đẹp của Bác.
Nhân đó, cuộc thi đã thấy rõ hơn sự gắn bó của Hồ Chủ tịch lúc sinh thời với Phật giáo.
Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Huỳnh Kim Ân nhấn mạnh: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong hệ thống tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, có tư tưởng về Phật giáo. Trong đó, nêu bật giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là con người hướng đến cái “chân – thiện – mỹ”, “từ – bi – hỷ – xả”, “vô thường – vô ngã – vị tha”, cứu khổ cứu nạn, sống tốt đời đẹp đạo… ”Nhìn từ lịch sử, sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với Phật giáo được thể hiện trong những chuyến viếng thăm chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Hương; Chỉ thị chính quyền địa phương sửa lại những con thuyền, bắc thêm cầu phao và làm thêm một con đường mới để Tăng Ni, Phật tử vào chiêm bái chùa Hương thuận tiện, an toàn. Ngoài ra, Bác còn ký quyết định thành lập Hội Phât giáo Việt Nam vào ngày 15/3/1946. Kèm theo đó, Người cũng đánh giá cao những đóng góp của Tăng Ni, Phật tử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước với lời nhắn nhủ: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc.”Với những dấu mốc lịch sử cao đẹp và đáng trân trọng đó; cuộc thi lần này đã tái hiện được phần nào sự quan tâm của Bác với phụ nữ cũng như với Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh tôn vinh “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, bậc thầy vĩ đại, nhà Văn hóa kiệt xuất”, cuộc thi còn lan tỏa sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chủ tịch vào đời sống của người Phật tử và hội viên phụ nữ trên địa bàn. Điều này vừa góp phần xây dựng giá trị “đạo và đời”, vừa mở rộng đoàn kết, thắt chặt khắn khít tình hữu nghị giữa các tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ và Phật giáo nói chung, học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM và chùa Bát Bửu Phật Đài nói riêng.
Uyễn Nhã
Sc Nhẫn Hoà diễn đọc
- Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt – Ủy viên HĐTS GHPGVN – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Trưởng ban Quản viện Ni.