Nghe trong làn gió thoảng thấm hơi lạnh mùa đông, cũng là thời gian cuối năm Tăng Ni sinh chúng con còn lưu lại Học viện PGVN TP.HCM trước khi trở về trú xứ với Thầy tổ cùng chư huynh đệ. Nghĩ đến đó, lòng chúng con gợn lên niềm lưu luyến bởi đã trải qua một thời gian dài gắn bó tu học tại nơi đây.
Chưa bao giờ không khí xuân lại tràn ngập Học viện PGVN TP.HCM nhiều như năm nay. Mọi công việc lao động chấp tác được Ban Quản viện hướng dẫn Tăng Ni sinh đẩy nhanh tiến độ từ trước đó để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng nhất là Tất niên năm 2022 trước khi trở về trú xứ nghỉ Tết Nguyên đán năm Quý Mão.Bên Tăng, một loạt các công việc được lên kế hoạch chu đáo. Ban Vận tải và Ban Thợ hàn đã triển khai công việc thu gom củi khô, hàn bếp (bằng khung sắt) chuẩn bị cho việc gói và nấu gói bánh chưng, bánh tét. Còn Bên Ni, các Ni sinh dưới sự hướng dẫn của BQV Ni đã chuẩn bị lá, nếp và đỗ (đậu xanh).Những ngày qua, chắc hẳn Tăng Ni sinh đã rất cố gắng nỗ lực để hoàn tất kỳ thi cuối học kỳ, có những lúc rất căng thẳng và áp lực nhưng đều đã vượt qua. Việc chuẩn bị Tất niên bằng hình thức gói bánh chưng và bánh tét không đơn thuần chỉ diễn tả nét đẹp trong lao động chấp tác của người tu sĩ Phật giáo. Bởi bánh chưng và bánh tét là nét đẹp văn hóa, là một trong những biểu tượng của ngày tết cổ truyền Việt Nam. Đây không chỉ là món ăn mà còn là tinh thần dân tộc được lưu truyền bao năm tháng.Hình ảnh TT.Thích Phước Lượng (Trưởng BQV Tăng) khi cùng Tăng sinh lên kế hoạch và lao động thật thân thương. Sự hòa đồng của Thượng tọa không chỉ thể hiện ở vai trò cấp trên, người quản lý mà còn là đàn anh đi trước dẫn dắt đàn em hậu học. Còn NS.Thích Nữ Như Nguyệt (Trưởng BQV Ni) cũng cùng Ni sinh chuẩn bị công tác gói bánh chưng và bánh tét. Sau khi công việc hoàn tất, Ni sư một mình trở về liêu phòng, hình ảnh đó nếu ai nhìn thấy cũng đều cảm động và thương kính.Bánh chưng và bánh tét được Ni sinh gói rất nhanh và đẹp, chỉ trong một thời gian ngắn đã được hoàn thành. Công đoạn này yêu cầu người làm phải khéo léo, cẩn thận mới tạo nên chiếc bánh đều đặn, vuông vức. Người làm phải chuẩn bị dây để gói, cố định phần ruột bên trong được chắc chắn khi đó nấu bánh sẽ thuận lợi. Ý nghĩa còn ẩn sâu ở bên trong mỗi chiếc bánh gói xong, đó là nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, là sự biết ơn đối với Đàn na Tín thí, những người đã phát tâm hiến cúng nguyên vật liệu.Sau khi chư Ni gói xong, bánh tét, bánh chưng được chuyển qua bên Tăng xá. Để nấu bánh, Tăng sinh trước đó đã chuẩn bị những chiếc nồi lớn bên dưới phủ lá dong rồi xếp bánh ngay ngắn, đổ nước ngập bánh rồi bắc lên bếp đun hơn 8 tiếng. Trong quá trình đun, Tăng sinh thường xuyên xem nước trong nồi đã cạn chưa và đổ thêm nước để tránh tình trạng bánh bị cháy.Bên ánh lửa ấm áp, trong tình Pháp lữ an vui, các Tăng sinh vừa trông bánh vừa tổ chức Lễ Tất niên của Nội viện Tăng. Dù vậy, Thượng tọa trưởng BQV Tăng vẫn luôn nhắc nhở Tăng sinh hãy vui trong chừng mực nếp sống thiền môn, đừng vui quá giống như tục thế.
Sau khi bánh chín, liền được vớt ra để ráo rồi lấy khăn lau sạch bề mặt, chỉnh lại dây lạt cho bánh đẹp nhất có thể. Những chiếc bánh thơm ngon đã được bày biện như những gì chúng ta đã thấy, thành quả này là công sức của tất cả Tăng Ni sinh và sự hướng dẫn của chư Tôn đức trong Ban Quản viện.
Nhân dịp Tết đến xuân về, chúng con xin kính chúc chư Tôn đức trong BQV pháp thể khinh an, vạn sự hanh thông, luôn dìu dắt chúng con hàng Tăng Ni sinh trẻ trên bước đường tìm đến sự an lạc giải thoát cho chính mình và tha nhân.
Chúng con xin gửi lời chào tạm biệt, lời chúc bình an, hạnh phúc và thành tựu trong tu học đến quý Thầy cô Tăng Ni sinh khóa XIV sắp rời xa mái trường học viện. Chúng con cũng xin gửi lời chúc tinh tấn và trí tuệ tới Tăng Ni sinh các khóa XV, XVI và XVII. Mừng Xuân Di Lặc!
Thiện Tâm
Thích Quảng Nhã diễn đọc