(Hồi ký của người chiến sĩ thời ly loạn)
Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Xuân Ất Mão (1975) rồi, dân chúng ở đây nô nức đón Xuân, nắng hanh hanh vàng, gió se lạnh, đâu đây vẫn còn phảng phất khí lạnh của mùa Đông còn sót lại.
Mẹ ơi! Tết năm nay gặp phiên trực con không về được để đón Tết cùng gia đình, chắc Mẹ buồn vì thiếu con. Nhưng Mẹ ơi, tình hình biên giới phải canh từng phút, từng giây, không thể lơ là được. Chiều nay khi vào rừng con gặp một cây mai già, gốc cây sần sùi, những nhánh mai chia ra bốn hướng, nghiêng nghiêng tạo ra dáng đứng rất đẹp. Trên cành mai chi chít những búp mai no tròn, có một vài cành trổ bông sớm màu vàng óng ánh, những chùm nhụy vàng đỏ tua tủa trên cánh mai trông thật duyên dáng. Nhìn cây mai già con liên tưởng đến Mẹ. Cây mai già chịu đựng sương gió, trải qua nhiều mùa đông giá lạnh giữa rừng sâu, để cho ra những chùm bông vàng óng ánh, làm tăng vẻ đẹp cho đời, phụ cho mùa Xuân thêm hương thêm sắc. Còn Mẹ đã từng một nắng hai sương, bảy mươi năm trời phong ba bão táp, thân Mẹ gầy còm, Mẹ đã nuôi đàn con khôn lớn. Giờ đây các con tùy theo khả năng của mình mà phục vụ non sông Tổ quốc, như vậy là Mẹ đã góp phần xây dựng quê hương.
Chuỗi ngọc thời gian lặng lẽ trôi
Đông, Hạ lần đi, Xuân đến rồi
Gió Xuân điểm nhẹ cành Đào thắm
Hàm tiếu nghiêng mình Mai hé môi
Phúng phính em thơ mừng Xuân đến
Cụ già vui vẻ chễm chệ ngồi
Cháu con tụ hội quây quần lễ
Nghe thơ cây cỏ vọng xa xôi.
Mẹ ơi! Ở quê Mẹ có dựng cây nêu trước nhà như năm xưa không hả Mẹ? Con nhớ lúc tụi con còn nhỏ, Mẹ hay gói bánh chưng, bánh tét để đón Xuân. Những dây pháo đỏ chót treo lủng lẳng trước cửa nhà. Giờ Giao thừa tiếng pháo nổ vang, thế là chúng con được dịp mặc đồ mới, đi chúc Tết ông bà dòng họ. Tuy Tết nhà quê đơn sơ mộc mạc, nhưng sao ấm áp vô cùng. Gia đình mình quá ư hạnh phúc, bên bếp lửa hồng Mẹ và đàn con xúm xít gần nhau, đón Xuân trong không khí an bình. Giờ phút thiêng liêng ấy, Mẹ đã thắp nhang khấn vái mỗi bàn, rồi tự tay rót từng ly trà nóng đang bốc hơi thơm phức, mời tiên linh dùng bánh, nước và ly trà nóng với lòng chí thành chí kính. Dưới ánh nến lung linh, đôi tay Mẹ nhịp nhàng từng động tác, thật trân quý, thật trang nghiêm, hòa quyện hương trầm thoang thoảng bay trong gió. Năm nay tiền đồn biên giới con đón Xuân không có nhang đèn như Mẹ, nhưng chúng con cũng có bánh, mứt, nước trà để mừng Xuân. Là người Phật tử đầu năm ngày vía Di Lặc con sẽ ăn chay, để tăng trưởng lòng từ bi phải không Mẹ? Con nhớ lúc nhỏ nghe tiếng đồng hồ reo, con vội vã thức dậy, vì cả đêm con chập chờn không ngủ được, nôn nao mong đợi giờ phút thiêng liêng trọng đại đã đến. Chiều hôm trước lúc đi học về ghé chùa lễ Phật, con đọc báo tường có bài thơ rất hay. Lúc Giao thừa con vội lấy giấy bút ghi lại gọi là khai bút đầu năm.
Én liệng xôn xao thắm cành hồng
Đào tơ phơi phới nắng hư không
Khai bút chúc Xuân, Xuân vạn ý
Rót nhẹ hồn thơ tiễn gió Đông.
Và một bài thơ Xuân nữa:
Xuân về gió thoáng qua mành
Lắng nghe Pháp vũ âm thanh nhẹ nhàng
Xuân về tô đẹp trần gian
Điểm thêm cảnh sắc muôn ngàn lung linh.
Mẹ ơi! Cứ mỗi độ Xuân về là con lại nhớ về quá khứ. Nhớ lại ngày nào con theo Mẹ đến chùa Quang Hiển. Sau thời thuyết pháp của Ngài Hồng Ân, qua câu chuyện chim Oanh Vũ, con cảm động vô cùng. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa có một điền chủ phát nguyện, tôi trồng lúa để giúp cho muôn loài, ai cần thì cứ lấy mà ăn.” Nghe thế, chim Oanh vũ mỗi ngày đều đến lấy lúa dâng cho Cha Mẹ. Người canh ruộng lấy làm lạ, báo lại cho chủ điền biết, ông bảo tá điền giăng bẫy để bắt chim. Khi bị bắt, chim Oanh Vũ thưa rằng lúc trồng lúa ông có phát nguyện như vầy: “Tôi trồng lúa để giúp cho muôn loài, ai cần thì cứ lấy mà ăn.” Nghe ông phát nguyện như thế, tôi mới dám đến đây xin lúa của ông về nuôi Cha Mẹ tôi bị mù, không đi kiếm thức ăn được. Nếu như nay ông bắt tôi, thì Cha Mẹ tôi ắt sẽ bị chết đói. Nghe chim Oanh Vũ trình bày như thế, ông điền chủ thương xót và khen ngợi lòng hiếu thảo của chim Oanh Vũ. Từ đó, ông điền chủ cho phép mỗi ngày chim cứ đến ruộng ông lấy lúa về nuôi Cha Mẹ. Chim Oanh Vũ ấy là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Cũng chính câu chuyện này, qua bài thuyết pháp, con đã trở thành một người Phật tử quay về nương tựa ba ngôi quý báu, đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Cứ đến ngày lễ vía là chúng con lại câu hội về chùa Quang Hiển, nơi đã ươm mầm Bồ đề cho chúng con, giăng cờ, kết đèn, để rước vía hoặc ngày Tết Nguyên đán, để đón mừng năm mới. Chính những thời thuyết pháp của Ngài Hồng Ân và những giờ học Giáo lý với Đại đức Thích Trừng Cảnh, đã in sâu vào tâm thức trẻ thơ của chúng con. Chúng con đã hiểu thế nào là sống vì mọi người và thế nào là lợi ích của sự giữ gìn giới cấm. Thế rồi đến tuổi trưởng thành, khi đất nước đến hồi chinh chiến, con phải xa Mẹ, xa gia đình Phật tử, theo tiếng gọi non sông lên đường tòng quân nhập ngũ, để bảo vệ non sông. Trên dãy đất hình chữ S này, ông cha ta đã đổ bao nhiêu xương máu, để giữ lấy biên cương, biển đảo. Mẹ ơi! Xuân về, con rất nhớ Mẹ, nhớ nồi bánh tét và dưa kiệu Mẹ làm, để cúng tiên linh, rồi cho con cháu hưởng lộc của ông bà.
Thương nhiều về Mẹ.
Bánh mứt trên bàn quá thơm ngon
Dâng lên Tiên Tổ dạ sắt son
Nguyện cầu Tiên Tổ về chứng giám
Tấc dạ chí thành của chúng con.
Dẫu Xuân này con không về, với trọng trách làm tròn bổn phận người con của Tổ quốc, nhưng Mẹ con mình vẫn vui vẻ đón Xuân, Xuân hậu phương ấm áp tình gia tộc, Xuân tiền tuyến thắm đượm tình người. Con dừng bút Mẹ nhé, hôn Mẹ nhiều, chúc Mẹ ngủ ngon. Mẹ mạnh khỏe đợi ngày con về.
TKN. Phước Giác