Trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Trường Bộ II) có lưu lại lời Đức Phật dạy về thói quen lười biếng đem đến nhiều nguy hại. Thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “quá lạnh”, không làm việc; “quá nóng”, không làm việc; “quá sớm”, không làm việc; “quá trễ”, không làm việc; “quá đói”, không làm việc; “quá no”, không làm việc. Trong khi những công việc phải làm thì không làm.
Dù Học viện PGVN tại TP.HCM là môi trường giáo dục Phật học nhưng đời sống tu tập vẫn được giữ nguyên vẹn theo truyền thống thiền môn. Tăng Ni sinh không chỉ được học kiến thức Phật học và thế học mà còn được tu tập thực hành thiền định, công phu, bái sám… Ngoài ra để thích nghi tốt với môi trường Học viện, Tăng Ni sinh luôn được Ban Quản Viện sách tấn về sự chăm chỉ nhằm hoàn thiện bản thân và phụng sự tốt cho Học viện.
Vào những ngày cuối tuần, Tăng Ni sinh tại Học viện thường không có tiết học trên giảng đường. Thay vào đó, Tăng Ni sinh được tập trung thời gian cho việc tu tập, chấp tác và nghiên cứu kinh điển. Lao động, chấp tác là những sự việc diễn ra hằng ngày, không chỉ tại các trú xứ mà còn tại Học viện, điều này như một pháp tu gieo trồng ruộng phước của Tăng Ni sinh nơi đây.
Chúng ta biết lười biếng là một tật xấu, dù sống ở ngoài đời hay trong đạo đều không khích lệ điều này. Biếng nhác là cái nhân dẫn đến đói nghèo, trì trệ, lạc hậu. Muốn thành công thì phải loại bỏ sự lười biếng, tích cực làm việc, nhận chân giá trị cao quý của lao động.
Từ hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã dạy về Tứ Chánh Cần là bốn phép siêng năng Tinh tấn hợp với chánh đạo. Bốn phép Tinh tấn ấy là:
1. Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh.
2. Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sinh.
3. Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh.
4. Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.
Khi sức khỏe không được tốt, đau nhức và uể oải. Đây là phản ứng ức chế của cơ thể, không phải sự biếng nhác, cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe. Nhưng lúc mạnh khỏe thì lại không thích làm việc với tâm lý làm chơi ăn thiệt, xem thường lao động, sống dựa dẫm, ỷ lại vào người khác là thói quen lười biếng.
Xã hội luôn tôn vinh và ca ngợi lao động là vinh quang, các nhà tư tưởng cho rằng lao động là cơ sở của tiến hóa, trong thiền môn đề cao lao động, một ngày không làm thì một ngày không ăn…, mới biết giá trị lao động.
Thậm chí, đức Thế Tôn đã khẳng định rõ lập trường rằng Ngài và những đệ tử xuất gia của Ngài là những người lao động chân chính. Thành quả lao động của Thế Tôn là hoàn thiện tự thân, giải thoát giác ngộ đã ảnh hưởng tích cực đến xã hội, góp phần hướng thiện giúp ổn định và phát triển xã hội.
Thiện Tâm (ĐSHĐ-116)
Diễn đọc: SC Đức Tạng