Người Việt từ xưa sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, vì thế họ rất coi trọng các trận mưa làm cho cây cối tốt tươi. Trong tâm thức dân gian rồng được coi là ân nhân của con người, dù chưa có ai nhìn thấy rồng cả. Theo quan niệm xưa, rồng thường sống dưới nước và ẩn sâu ở đầm lầy trong thời kỳ khô ráo của mùa đông. Khi mùa lạnh đi qua và những cơn mưa đầu tiên đổ xuống thì rồng tỉnh dậy, xuất hiện và báo trước những trận mưa lớn làm tốt tươi ruộng đồng. Người ta cho rằng, rồng biết đẻ trứng, mỗi lần nó đẻ 10 trứng trong đó chỉ có quả trứng đầu tiên nở thành rồng, 9 quả trứng còn lại nở thành những con vật hoang đường. Dân gian còn quan niệm, những lúc các con rồng đánh nhau trên không trung thì mây mưa như trút nước và khi chúng ngừng đánh nhau thì mưa lại tạnh.
Thời xưa, vua chúa thường cho vẽ hình rồng khắp nơi với ước mong mưa thuận gió hòa.Trong dân gian, rồng có vai trò điều tiết các cơn mưa để tạo ra những vụ mùa bội thu đem lại bình yên, thịnh trị, tài lộc và hạnh phúc.
Vào mùa xuân, dân tộc ta thường mang rồng trong các đám rước thần với tâm niệm là nó sẽ góp phần đem đến thắng lợi trong vụ lúa chiêm. Nhưng hội rồng thì thực sự phải là rằm Trung Thu để chuẩn bị cho thành công của vụ gặt tháng mười. Đêm rằm tháng tám, người ta long trọng rước rồng qua các thôn xóm, phố phường. Trong đám rước, đi theo rồng là một con sư tử, chỉ có cái đầu được đan bằng tre, phết bồi giấy, tô vẽ màu sắc, nối vào đó là một mảnh vải đỏ. Cái đầu sư tử ấy được một người nâng lên, dùng hai tay lúc lắc làm điệu múa sư tử. Một người khác cầm tấm vải và múa theo động tác của người múa sư tử, lúc di chuyển qua phải qua trái, khi thì quay tròn để tạo cho con vật một cái mình và một cái đuôi.
Theo quan niệm xưa, bằng các điệu múa rồng và sư tử như thế, con người sẽ được hưởng những cơn mưa tốt lành, đem lại mùa màng bội thu, cỏ cây xanh
Lan Tím (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)