“Hoàng hôn quét hồng mái phố
Con Le Le gom lại nắng sông Tiền”.
Đã và đang nhắc khéo chúng ta, chư Ni thời kỹ nghệ tân tiến, về ý niệm vô thường tấn tốc. Thái tử Sĩ Đạt Ta vừa thị hiện vào cõi Nam Diêm Phù Đề, đã dõng mãnh trên bảy đóa hoa sen, và ở bông sen hướng Tây, Ngài đã nói: “Thị Tây phương giả, ngã sanh dĩ tận tối hậu thân cố”. Thật vậy, mặt trời lặn về hướng Tây, đây là điểm cuối của dòng xoáy thời gian. Một ngày sinh hoạt đã lùi dần cho màn đêm ngự trị, cũng là báo hiệu sự sinh hoạt của con người khép lại, dành cho sự nghỉ ngơi, ăn uống, để bảo dưỡng sức lực cho ngày mai nối tiếp. Có một điều mà chúng ta phải luôn chú ý là khi mặt trời sắp chào tạm biệt một ngày qua, thì càng rực sáng huy hoàng hơn bao giờ hết. Mặt trời lúc ấy to tròn vàng rực như quả cầu lửa tỏa sáng khắp nhân gian, ngàn cây nội cỏ. Từ suy niệm này, bao nhiêu phân tích nghĩ suy về ánh nắng chiều, hay hoàng hôn rực lửa khắp đó đây là biểu tượng chân lý cho kiếp nhân sinh đầy nghiệt ngã, luôn phấn đấu trong mọi hoàn cảnh dù thịnh hay suy, già hay trẻ. Thật vậy, càng hao mòn, càng về chiều thì chúng ta càng phải nên dồn nỗ lực phấn đấu, hy sinh, và cống hiến gấp bội phần, vì mai kia, sẽ không còn cơ hội để phụng hiến cho đời.
“Cố đi mãi đường dài hóa ngắn,
Còn nghỉ luôn lộ cận hóa xa”.
Mặt trời đem nhựa sống cho vạn vật, tỏa năng lượng dưỡng mầm nuôi sống muôn loài. Từ sớm tinh mơ cho đến lúc khép lại cuộc hành trình, mặt trời chưa từng dừng nghỉ, chưa từng lơ là chức năng, bổn phận của mình. Cũng thế là Đức Bổn Sư của chúng ta, từ thuở ban sơ khai sáng Đạo mầu, chuyển vận xe pháp, cho đến tận giây phút cuối cùng nơi rừng sa la u tịch, Ngài chưa hề ngơi nghỉ, chưa hề mệt mỏi dừng chân. Tăng đoàn thời Phật, người nào cũng được Ngài ân cần chỉ dạy, chúng tại gia từ các Vua quan, Hoàng tộc, công tử vương tôn, Hoàng hậu, vương phi, công chúa, mệnh phụ, cho đến thể nữ, thứ dân, thợ thuyền, nô bộc… đều được Đức Thế Tôn bình đẳng từ bi dùng Pháp nhiếp độ, khiến cho được an ổn, lợi ích.
Cho đến phút cuối cùng, trước lúc nhập Niết Bàn, dù thân tứ đại hao mòn, suy kiệt, Đức Từ phụ cũng đã dang tay tiếp độ người đệ tử già nua cuối cùng đăng nhập thánh vị, đồng thời để lại di huấn tối hậu bất hủ là kim chỉ nam, là ánh đuốc sáng rỡ cho hàng đệ tử Phật muôn đời về sau: “Ư ngã diệt hậu, trân trọng, tôn kính Ba–la –đề Mộc Xoa như ám ngộ minh, bần nhơn đắc bảo, đương tri thử tắc thị nhữ đẳng đại sư, nhược ngã trụ thế vô dị thử giả”. Ý thức từ mặt trời ngả bóng đã lóe lên ánh nắng vàng sáng chói, quét hồng mặt đất, đồi cây, sông núi, cũng thế, các bậc ân sư, cha mẹ tuổi già luôn lưu lại dấu son qua lời giáo huấn, mô phạm trong hành động, việc làm, các Ngài luôn thể hiện tinh cần qua ý niệm “Giáo nhân bất quyện” cho hậu thế noi theo.
Noi dấu chân Phật, soi gương công hạnh người xưa, chư Ni chúng ta quyết đẩy lùi bụi bám, nhện giăng, mỗi người tự trong sạch hóa phẩm hạnh để góp cho đời những viên ngọc sáng, đẩy lùi bóng tối vô minh.
“Ta ở nơi nào, ta đến đây
Đến đây từ độ biết đêm ngày
Bước đi mỗi bước lòng an tịnh
Thanh thản tâm hồn mây trắng bay”.
Tự tại vô ngại, những bậc thạc đức tiền bối cứ thanh thản như thế mà ra đi, bóng các Ngài đã vắng dần trên lộ trình ta bà nhân thế! Chúng ta còn ở lại hôm nay, ý thức bóng chiều sắp ngả về Tây, nên càng phải gấp rút gạn đục khơi trong, thánh hóa đời mình trong pháp mầu vi diệu, nỗ lực dụng công, đồng thời cần lao phục dịch cho Phật pháp. Ngày nay, chư Ni trẻ chúng ta có rất nhiều phương tiện để hoằng pháp, thế mà vẫn ù lì, chưa nhạy bén kịp thời trong Phật sự để thời gian bào mòn nhuệ khí, thật đáng thương thay!
“Ngàn năm cơn lốc vô tình
Cuốn trôi tuổi mộng đời mình xác xơ
Kiếp tằm hóa kén, ươm tơ
Thiên thu mầm rụng ngẩn ngơ lối về”.
Chư Ni trẻ hãy luôn nhớ câu: “Chén cơm tín thí ngày thêm nặng” để mục đích đạt đến vinh quang không bị bào mòn, gặm nhấm, dù biết rằng đường trước đầy gian khổ, nghịch ý, trái lòng, vẫn nêu cao tiếng hát Kiều Đàm, không thối chí, quyết đẩy đà trí tuệ cho sức mạnh đại hùng, đại lực, đại từ bi, vút cao hương giới hạnh: “mặc chó sủa đoàn lữ hành vẫn tiến bước”. Giới, là bậc Thầy dẫn lối chỉ đường, dù nếp sống thiền môn hay đời thường chúng ta đều phải tôn trọng chánh giới để tránh những sa ngã, trụy lạc dẫn đến tội tù, xã hội khinh chê, đôi lúc là gánh nặng khổ đau
TKN. Như Như (ĐSHĐ-012)