Trời đã về chiều, những tia nắng cuối cùng cũng dần tắt đi để trả lại không khí dễ chịu và mát mẻ cho thành phố. Giữa dòng người ồn ào, náo nhiệt, những tiếng còi xe cất lên xen lẫn vào những âm thanh hỗn loạn; tất cả đã tạo nên âm hưởng của một bản tình ca về cuộc sống vội vàng, hối hả. Đâu đó, bỗng hiện lên một bàn chân gầy gò đang lê từng bước mệt mỏi trên vỉa hè. Với khuôn mặt hốc hác, xanh xao, Sơn đi về phía có ngôi chùa trước mặt. Đã hai tháng nay, lối đi ấy đã trở thành con đường quen thuộc đối với nó. Và ở nơi ấy dường như nó tìm thấy được một sự an toàn và ấm áp vào mỗi lúc chiều tà.
Ngôi chùa được tọa lạc ở trung tâm thành phố nên lúc nào cũng có rất nhiều khách thập phương đến lễ Phật. Vừa bước vào đến cổng, Sơn loay hoay tìm cho mình một chỗ ngồi. May quá, ở đằng kia vẫn còn một chiếc ghế đá chưa có chủ, nó vội vàng bước đến và ngồi xuống, đôi chân duỗi ra cho đỡ mỏi sau một cuộc hành trình đi bộ khá dài. Tuy trong người đã thấm mệt nhưng đôi mắt của cậu bé vẫn long lanh, sáng ngời như mong ngóng, chờ đợi một điều gì. Bất chợt có một chú tiểu đến gần và hỏi:
– Sao hôm nay cậu về muộn vậy?
– Dạ, hôm nay không có nhiều đồ để nhặt nên con phải đi xa hơn mọi ngày.
Sơn cất tiếng trả lời, với giọng nói mang đậm hơi thở của con người miền Trung. Không hỏi gì thêm, chú tiểu lấy tay vuốt nhẹ lên chỏm tóc còn sót lại và đặt nó nằm cẩn thận ở vành tai, rồi bước nhanh vào ngôi nhà trù của chùa. Trong chốc lát chú đã đi ra, một tay cầm bát cơm, một tay cầm chén canh chú nói:
– Cậu ăn đi kẻo đói!
Sơn cầm lấy bát cơm với nụ cười rạng rỡ trên môi, nó bắt đầu đưa những muỗng cơm vào miệng một cách nhanh chóng và nhiệt tình. Thấy vậy chú tiểu liền ngăn lại:
– Ăn chậm thôi nếu không sẽ bị nghẹn đó.
Chẳng có một tiếng nói nào cất lên mà thay vào đó là một cái gật đầu nhẹ như một câu trả lời ngắn gọn mà Sơn dành cho chú tiểu. Màng đêm buông xuống, ánh đèn đường rọi chiếu khắp nơi, làm hiện lên khuôn mặt của hai con người đang ngồi ở góc cuối sân chùa. Tuy chênh lệch nhau có một tuổi nhưng khuôn mặt của chú tiểu hoàn toàn khác hẳn với khuôn mặt của Sơn. Được vào chùa từ lúc nhỏ, cộng với cuộc sống thanh bần bên lời kinh tiếng kệ, không làm chú mất đi dáng người thư sinh và khuôn mặt khá ngây thơ của độ tuổi còn cắp sách đến trường.
Riêng Sơn, với chiếc quần bò bạc màu thô cứng, chiếc áo thun cũ kỹ, mà các đường chỉ đã tách rời nhau, tạo nên những đường răn cưa mỏng manh đến lạ thường. Sơn như một người chiến sĩ vừa tham gia chiến trận, bị bom đạn làm cho quần áo xơ xác đến tiêu điều. Đôi bàn tay chai sần bị bụi đường lâu ngày bám vào lộ lên lớp da đầy vẩy nén màu bạc trắng. Khuôn mặt dài, đen sạm với đôi mắt to và sâu hỏm vì thiếu ngủ lâu ngày đã biến Sơn thành con người già trước tuổi.
Nhìn vào bát cơm càng lúc càng vơi cạn, chú tiểu lặng thinh nhớ lại những điều mà Sơn đã kể về cuộc đời của cậu. Sơn vốn không có quê quán rõ ràng, cậu chỉ biết rằng: Ngày cậu có mặt trên cõi đời, là ngày mà mọi người phát hiện cậu được quấn trong chiếc khăn trắng đặt trước cổng cô nhi viện. Từ đó cuộc sống của cậu bé Sơn gắn liền với những số phận mồ côi của các đứa trẻ nơi đây. Theo thời gian, Sơn lớn lên trong sự đùm bọc, giúp đỡ của các cô chú cùng các nhà hảo tâm xa gần.
Năm mười tám tuổi, không hiểu vì lý do gì, Sơn rời bỏ ngôi nhà chung quyết định lên thành phố tìm kiếm tương lai, sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng với hai bàn tay trắng bước vào đời, Sơn chẳng biết nương tựa vào đâu. Hằng ngày cậu cứ đi từ con phố này đến con phố khác để tìm những vỏ chai mọi người vứt bỏ để đổi lấy bát cơm, manh áo. Cuộc sống của Sơn cũng là cuộc sống của biết bao đứa trẻ đường phố, lấy chân cầu làm nhà, lấy dòng nước ven sông làm nơi tắm rửa… Trong lúc những dòng tư tưởng và suy nghĩ trong chú tiểu vẫn đang tuôn trào, chợt có tiếng nói cất lên:
– Con ăn xong rồi nè.
Chú tiểu ngẩng đầu lên nhìn Sơn, cả hai chẳng nói một lời nào mà chỉ biểu hiện qua ánh mắt. Chú tiểu nhìn Sơn với ánh mắt trìu mến, đầy thương yêu và chia sẻ. Còn đối với Sơn cậu nhìn chú tiểu bằng ánh mắt của sự vui mừng và tri ân sâu sắc. Không gian như chết lặng trước hai số phận, hai con người có hoàn cảnh và môi trường sống khác nhau nhưng cùng chung một suy nghĩ, một sự đồng điệu của tâm hồn. Bất chợt Sơn nói:
– Thôi con phải về nghỉ sáng mai còn đi sớm.
Chú tiểu gật đầu tỏ vẻ đồng ý rồi đứng dậy tiễn Sơn ra tới đầu đường, hai người âm thầm bước đi trong tiếng chuông chùa điểm nhẹ, mùi hương trầm thoảng bay. Ngoài đường phố, dòng người đổ về càng lúc càng đông. Tới cổng tam quan, Sơn dừng lại nói với chú tiểu.
– Chú vào đi để con đi một mình được rồi.
Nghe vậy, chú tiểu dừng lại nói:
– Ừ, thôi cậu về nhé.
Sơn chắp tay chào chú tiểu, rồi lặng lẽ hòa mình vào dòng người, bước đi của cậu lúc này đã vững chãi và nhanh chóng hơn. Còn đối với chú tiểu, mặc dù bóng Sơn đã khuất dần nhưng chú vẫn đứng ở trước cổng. Chú suy nghĩ về con đường mà những đứa trẻ mồ côi như Sơn phải đi qua, và mái ấm mà họ quay về nương tựa vào những lúc ngày tàn. Con đường từ chùa về chiếc cầu quen thuộc của Sơn cũng khá xa, nhưng giờ đây quãng đường đó không còn là nỗi vất vả đối với nó. Bát cơm chiều ở chùa tuy chỉ có hai miếng đậu hủ và vài cọng rau xanh, nhưng nó cũng kịp thời nạp cho Sơn một nguồn năng lượng mới đã bị thiếu hụt trong một ngày. Vừa bước đi, thỉnh thoảng nó vừa có cảm giác như có những ánh mắt xa lạ đang nhìn mình, đó có thể là ánh mắt của sự hiếu kỳ, xen lẫn niềm chia sẻ, cảm thông.
Phải đi qua biết bao ngã tư đông nghẹt người và xe cộ, cuối cùng nó cũng về tới nơi. Chiếc cầu dài và rộng nối hai bờ của con sông Sài Gòn lại với nhau đã trở thành hơi thở, nhịp sống của con người thành phố. Hôm nay thủy triều xuống thấp, những lớp bùn xung quanh bờ nhô lên hòa vào lòng sông làm cho dòng nước xanh biếc trở nên đục ngầu. Mặt nước rút cạn ở ven bờ đã làm cho những lớp bèo dày đặc ngày nào giờ đây đành tách thành từng cụm đua nhau chạy ra giữa lòng sông để tìm lấy sự sống. Nhìn ra khung cảnh trước mặt, Sơn như cảm thấy một nỗi buồn hiện lên, từng bước chân chậm rãi của nó không đi trên cầu mà vòng xuống một lối đi nhỏ ở phía dưới.
Theo con đường mòn vài chục mét là đến một đồi đất nhỏ, hay nói đúng hơn là những khối xà bần bị bàn chân người giẫm lên lâu ngày thành nát vụn. Cuối con đường mòn là một ngõ cụt tối mịt. Đó cũng là nơi để Sơn cùng những đứa trẻ khác làm nơi lánh thân mỗi lúc đêm về. Trong khoảng không gian mà đèn đường chẳng bao giờ chiếu tới, chỉ có duy nhất một chiếc võng được bắt ngang qua bởi những thanh sắt dưới chân cầu. Mặc cho mọi người đi lại nhộn nhịp ở phía trên, nhưng Sơn vẫn thả mình trên chiếc võng để tìm kiếm một giấc ngủ an lành.
Đã hai tháng trôi qua cuộc đời của Sơn ở đất Sài Thành là như vậy. Với độ tuổi mười tám, trong khi những đứa trẻ vẫn còn được ôm ấp trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, thì riêng Sơn lại dấn thân vào con đường mưu sinh quá sớm. Tuy nhiên, đường đời không bao giờ là ngõ cụt nếu những ai biết vươn lên để tự khẳng định mình.
Vào những ngày đầu tháng tư trong tiết trời đầy nóng bức và khó chịu, Sơn trở về ngôi chùa không phải lúc chiều tà mà là một buổi trưa đứng bóng. Như đã có một cuộc hẹn trước, chú tiểu đã ngồi đợi sẵn ở chiếc ghế đá quen thuộc. Khi thấy Sơn đến, chú liền đứng dậy và nói:
– Cậu ngồi xuống đi.
Dưới tán cây sala rộng che mát một góc chùa, hai mái đầu xanh chụm vào nhau thì thầm nói chuyện, hình như có chuyện gì đó rất quan trọng. Từ khi quen và biết được hoàn cảnh khó khăn của Sơn, chú tiểu đã âm thầm hỏi thăm và nhờ một số Phật tử thân tín tìm giúp Sơn một công việc. Và hôm nay, tin vui đã đến, có người xin cho cậu vào làm bảo vệ trong một siêu thị điện máy, và quan trọng hơn là họ sẽ chu cấp việc ăn uống và nơi ở cho cậu. Khi nghe chú tiểu thông báo về điều này, Sơn vui sướng tột độ, ánh mắt cậu sáng lên pha lẫn những giọt nước mắt đầy xúc động. Vậy là từ nay, cậu đã có một chỗ để nương thân, có một giấc ngủ an lành mà đêm đêm không phải sợ bọn thanh niên nghiện ngập rình rập, dụ dỗ. Bóng chiều đã ngả, sau một hồi nói chuyện, chú tiểu liền nói:
Mình biết đây không phải là một công việc ổn định, có thể làm lâu dài, nhưng cậu hãy xem đó là nền tảng để thay đổi cuộc đời, hãy cố lên! “Vạn sự khởi đầu nan”.
Sơn liền nói:
– Dạ, con hiểu rồi. Cảm ơn chú.
– Ừ, thôi cậu về lo tắm rửa và thu xếp quần áo đi, mai bắt đầu công việc.
Chú tiểu bất ngờ khi một tiếng “dạ” thật lớn và trong trẻo cất lên. Chú thầm nghĩ: Hóa ra cậu ta cũng chỉ là một đứa trẻ.
Sơn đứng dậy chào chú tiểu và bước nhanh về con đường quen thuộc. Khi đến chân cầu nó chợt giật mình suy nghĩ: Sao hôm nay con đường về nhanh quá! Vậy mà lâu nay, lộ trình đó đối với nó là lối đi dài thăm thẳm. Vừa về tới nơi, Sơn không bước vội vào con đường mòn mà nó chạy vụt lên cầu, nó tựa mình vào hàng lan can rồi ngẩng lên nhìn bầu trời trong và rộng. Đây là lần đầu tiên nó có can đảm trải lòng đối diện với thiên nhiên. Ở bên dưới cầu, từng con sóng nhỏ lăn tăn đang vui đùa giữa dòng nước xanh biếc, những chiếc xà lan cũng ì ạch lướt nhẹ khi cát đã tràn đầy. Nhìn xa xa, từng cánh chim cũng vội vàng bay về nơi trú ngụ; mà nơi ấy, chúng sẽ được hạnh phúc trong vòng tay yêu thương và che chở của đồng loại.
Lần đầu tiên được khoác lên mình trang phục của nhân viên bảo vệ, với chiếc quần màu xanh đen và chiếc áo xanh da trời, Sơn cảm thấy hớn hở pha lẫn sự hồi hộp. Nó thầm nghĩ: Cuộc sống luôn ban tặng cho con người những cơ hội và cả những thử thách. Nhưng điều quan trọng là biết vượt qua những thử thách và vận dụng những cơ hội một cách kịp thời, sáng suốt. Vì vậy, dù cho hoàn cảnh có trớ trêu thế nào, con người cần phải biết kiên nhẫn chờ đợi, bởi lẽ ngã rẽ của cuộc đời sẽ mở ra cho chúng ta con đường mới đầy lạc quan và triển vọng. Nghĩ đến đây, nó liền đưa mắt nhìn ra phố phường nhộn nhịp, bên cạnh những căn biệt thự cao chọc trời vẫn còn thấp thoáng những túp lều lụp xụp. Đó là vùng trời tối tăm của những mảnh đời bất hạnh, đang cần có ánh sáng của cuộc đời soi rọi.
Thọ Nhã (ĐSHĐ-009)