Địa ngục ở đâu?
Lần đầu tiên, tôi đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, đoạn kinh nói về những quả báo nơi địa ngục làm tôi thắc mắc mãi. Trong kinh nói: “Ngục Vô Gián chu vi một muôn tám nghìn dặm, tường ngục cao một nghìn dặm, toàn bằng sắt cả. Lửa cháy hực hở suốt trên suốt dưới. Trên tường ngục, rắn sắt, chó sắt, phun lửa đuổi nhau chạy bên này sang bên kia”. Rồi lại có những địa ngục có những khí cụ hành hình người tội như “chia ba, gậy, diều hâu, rắn, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, dao mác, chảo dầu sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt…” bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Lại có những sự khổ như “…đói thời ăn hòn sắt nóng, khát thời uống nước sắt sôi”… Lúc đó, tôi hoàn toàn tin tưởng những điều trong kinh nói về sự báo ứng nơi địa ngục. Điều duy nhất mà tôi thắc mắc, đó là những khí cụ để hành hình người tội kể trên kia do ai làm ra và những người làm ra những khí cụ đó, những Quỷ vương, Diêm vương hành hình tội nhân “nếu làm điều ác thì ai sẽ bắt họ vào địa ngục”?
Thực ra, lần đó tôi đọc kinh không kỹ, hoặc vì sợ… địa ngục quá nên không để ý trong kinh nói rằng, có hai loại người có thể thấy được địa ngục. Một là người tới địa ngục chịu quả báo, hai là người tới địa ngục do nguyện lực cứu độ chúng sanh. Như vậy, nếu bạn thấy địa ngục, hoặc bạn là bậc Bồ-tát xả thân cứu độ chúng sanh, hoặc là chia buồn với bạn, những điều ác bạn làm quá nhiều và đã đến lúc “thanh toán”.
Không cần phải kiếm tìm địa ngục ở đâu xa, bạn hãy thử vào một bệnh viện và đến giường bệnh nhân bệnh nặng nhất, đó là địa ngục. Có một lần, tôi vào bệnh viện để thăm bệnh, trong căn phòng hôm đó có một người bệnh đang đợi phẫu thuật, khắp người ông chằng chịt dây dợ, mũi kim tiêm đâm khắp tay chân. Ông thở một cách nặng nhọc, ánh mắt lờ đờ, mặt mũi xanh xao hốc hác. Lúc đó tôi nghĩ nếu là mình hoặc những người thương của mình đang nằm trên giường bệnh như vậy, hẳn là địa ngục.
Ai đã từng đọc cuốn Lắng nghe tiếng hát sông Hằng của bác sĩ Quách Huệ Trân (sau này là Pháp sư Đạo Chứng) hẳn ít nhiều sẽ hiểu được cụm từ “địa ngục trần gian” qua những câu chuyện về những ca bệnh hằng ngày một vị bác sĩ chuyên khoa ung thư phải chứng kiến. Tựa đề “Lắng nghe tiếng hát sông Hằng” thật là đẹp, nhưng khi tôi gấp cuốn sách lại thấy đó là một tiếng hát bi ai, đau khổ và nhiều nỗi hối hận. Sau tất cả thì tôi vẫn thấy tiếng hát của “sông Hằng sinh, lão, bệnh, tử” đó đẹp, vì nó có một giá trị thức tỉnh rất lớn. Nếu bạn làm thiện thì bạn không phải lo tới địa ngục, còn nếu bạn làm ác thì địa ngục sẽ tới tìm bạn. “Bồ-tát thấy địa ngục, vì lòng từ bi mà rơi nước mắt, chúng sanh nghe địa ngục, vì ngu muội mà nói chuyện dị đoan”.
Tâm ta đâu?
Ở đạo tràng có hai đứa trẻ mắc bệnh kỳ lạ. Đứa thứ nhất, lúc nào cũng ngây ngơ. Đến giờ công phu của đạo tràng, thằng bé này cũng ngồi vào hàng và kinh hành như những người khác. Tuy nhiên, nó không đọc kinh, thỉnh thoảng nó đứng lên đi ra ngoài rồi lại vào chỗ ngồi. Một lần đọc đến chú “Vãng Sanh”, nó la lớn “Nam mô a di đa bà dạ…” làm tôi giật mình.
Đứa thứ hai tám tuổi. Năm hai tuổi, nó biết nói bập bõm mấy tiếng rồi từ đó tới nay không nói không rằng, thỉnh thoảng hét lên vô nghĩa. Có lần đạo tràng đang kinh hành niệm Phật, thằng bé này vừa la lối vừa chạy tới đứng giữa căn phòng, cứ thế ngẩng mặt nhìn Phật. Có lần tôi bắt gặp thằng bé vào phòng sư cô dẫm nhảy trên giường màn, tôi chợt nổi giận, kéo tay nó ra ngoài. Cô Phật tử là mẹ đứa bé này nhiều khi phải bỏ giờ ăn trưa hoặc giờ công phu với đạo tràng để ngồi trông con, đặng cho nó không chạy nhảy la hét ảnh hưởng tới người khác.
Cả hai đứa con trai này đều đến đạo tràng cùng với gia đình, muốn cho gần tiếng niệm Phật để mong hóa giải nghiệp chướng. Hai đứa trẻ vì do nghiệp chướng nên không thể làm chủ được hành động (thân nghiệp) của chúng. Còn chúng ta dù có thể làm chủ được hành động của bản thân nhưng lại không làm chủ được tâm ý của mình. Mỗi lần chúng ta niệm Phật hay ngồi thiền, tâm ý cũng “chạy” lung tung, lăng xăng đâu có chịu “đứng” lại một chỗ. Cái đó gọi là “vọng tưởng”. Phàm là người tu hành, không ai không có vọng tưởng. Đoạn trừ được hết vọng tưởng đó là bậc Giác ngộ. Nếu bề ngoài cung cung kính kính mà trong tâm đầy rẫy vọng tưởng, thì sự tu hành kể ra không có nhiều ích lợi.
Có một câu chuyện kể rằng, chú Sa-di kia thay thầy đi tụng kinh cho người mất tại tư gia. Khi chuẩn bị vào tụng kinh, chú không tìm thấy chùm chìa khóa hòm công đức của chùa mà chú thường giữ bên người. Chú rất lo lắng, sợ nếu làm mất chùm chìa khóa quan trọng ấy sẽ bị thầy quở mắng nên trong lúc tụng kinh, chú chỉ nghĩ đến chùm chìa khóa. Tụng kinh xong, chú trở về chùa, chưa kịp đi tìm chùm chìa khóa thì sư phụ chú gọi chú vào phòng và hỏi có phải chú đã đánh mất chìa khóa hòm công đức rồi phải không? Chú Sa-di rất đỗi ngạc nhiên trước thầy vì không hiểu sao thầy lại biết chuyện. Thầy chú nói: “Nhìn bộ dạng của con là thầy biết ngay”. Đạo lý chính là ở chỗ này. Tâm tưởng thì sự thành. Tâm niệm cái gì sẽ thành cái đó.
“Tâm niệm Phật thì sẽ thành Phật.
Tâm niệm Lục độ thì sẽ thành Bồ-tát.
Tâm niệm Thập nhị nhân duyên thì sẽ thành Duyên giác.
Tâm niệm Tứ diệu đế thì sẽ thành A- la- hán.
Tâm niệm thập thiện thì sẽ thành thần tiên.
Tâm niệm ngũ giới thì sẽ thành người.
Tâm niệm tham lam thì sẽ thành ma quỷ.
Tâm niệm giận dữ thì sẽ thành địa ngục.
Tâm niệm si mê thì sẽ thành súc sanh”.
Khi xưa ngài Huệ Khả đến gặp Tổ Bồ Đề Đạt Ma và thỉnh cầu: “Tâm con không an, xin Thầy hãy an tâm cho con”. Tổ đáp: “Đưa tâm đây, ta an tâm cho”. Ngài Huệ Khả đáp: “Con tìm tâm mà không thấy”. Xin tạm dừng câu chuyện ở đây, để nhắc đến một câu hỏi mà người học Phật cần phải thường tự hỏi mình rằng: “Tâm ta đâu?”.
Ta nói lời đó vì tâm gì? Ta làm việc đó vì tâm gì? Ta nghĩ điều đó vì tâm gì? Là thiện hay bất thiện? Dù chỉ một chút bất thiện ta cũng không nên làm. Nói một chút lời ác, không chân thật, dù vì lý do gì, ta cũng không nên làm. Một chút tham lam ta cũng không nên làm. Một chút giận dữ ta cũng không nên làm. Một chút say mê ta cũng không nên làm. Vậy lại xin hỏi, tâm ta đâu…
Quy y tam bảo
Ta thường nghe thấy nói Quy y Tam bảo là bước đầu của người học Phật. Tam bảo là ba ngôi báu ở thế gian và xuất thế gian, đó là Phật, Pháp và Tăng. Phật là đấng giác ngộ, Pháp là con đường giác ngộ, Tăng là những người đang bước tới giác ngộ.
Quy y Phật là quy y giác mà không mê. Như vậy có nghĩa là ta quy y với một vị Phật là đã quy y với mười phương chư Phật, cũng tức là không chỉ có một Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, mà chư Phật mười phương đều là Bổn Sư của ta. Vì Phật Phật đạo đồng, tất cả đều đã giác ngộ. Ta quy y sự giác ngộ thì tất cả chư Phật đều là Thầy của ta.
Quy y Pháp là quy y chánh mà không tà. Như vậy, có nghĩa là ta quy y với một pháp môn là đã quy y với tất cả pháp môn, vì tất cả đều là Pháp của Như Lai. Chúng sanh căn cơ sai khác, pháp môn chỉ một không hai.
Quy y Tăng là quy y tịnh mà không nhiễm. Như vậy có nghĩa là ta quy y với một vị Tăng là đã quy y với tất cả chư Tăng, bậc thanh tịnh bước trên con đường xuất thế.
Quy y là quay về (“quy”) và nương tựa (“y”). Từ đâu mà quay về? Từ mê tà nhiễm mà quay về, từ lỗi lầm mà quay về. Quay về thế nào? Là sửa mê tà nhiễm thành giác chánh tịnh. Ngay lúc bạn phát tâm khởi ý muốn sửa đổi những hành vi của mình bằng lời dạy của Phật, lúc đó bạn đã quy y với Phật rồi. Không cần lễ nghi, không cần tới chùa, bạn đã sẵn được chư Phật chứng minh và đặt danh hiệu là Phật tử. Bởi vì sao? Vì như đã nói, quy y là từ lỗi lầm mà quay về. Bạn bắt đầu muốn sửa lại mình tức là đã bắt đầu quay về, là đã quy y. Còn nếu như bạn đã quy y nhưng vẫn tiếp tục tạo những lỗi lầm, đó không phải là quy y. Đó là thuận theo mê tà nhiễm.
Quy y là bắt đầu sửa mình. Hôm nay ta sửa một chút, ngày mai sửa một chút. Ngày sau tiến hơn ngày trước, lỗi lầm quá khứ nhất định không tái phạm. Như vậy, mỗi ngày lại tiến gần Phật hơn một bước, rút ngắn con đường thanh tịnh hóa tâm ý lại một đoạn. Người học Phật như vậy là người thực sự có được lợi ích từ việc quy y. Còn bằng đi tới chùa to Phật lớn, cung cung kính kính làm lễ quy y với những vị Trưởng lão đức hạnh, nhưng tâm ý vẫn không chịu sửa đổi những lỗi lầm, không giữ giới, hành thiện, nói làm không tương ứng, vậy thì việc quy y đó chưa có lợi ích.Quy y là đem tâm lỗi lầm, tâm hướng thiện đi quy y, cũng chính là quy y với vị Phật có sẵn trong tự tánh tâm này, hoàn toàn không phải chạy theo cảnh vật ở ngoài. Thường nhớ nghĩ như vậy, ta thấy mình đã quy y từ thuở nào rồi…
Tâm An (Canada)
(ĐSHĐ-004)