Bầu trời hôm nay râm mát, sau chuyến từ thiện, Sư cô Như Ngộ bước vào căn nhà lụp xụp, nhìn thấy bốn bà cháu đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng. Biết có khách, Cụ bà đứng dậy mời vào. Sau câu chuyện, biết được ba đứa cháu mồ côi, nên Sư cô có nhã ý xin một cháu về nuôi cho ăn học. Như có túc duyên Thầy trò, cô bé tên Lập chịu đi theo. Thế là cô xếp quần áo lên đường theo Sư cô Như Ngộ vào chùa Từ Nghiêm tu học.
Năm 1970, cô bé được 6 tuổi mà mới học Mẫu giáo, quý Sư cô dạy cho bé học. Để cho bé dễ nhớ, quý Sư đã dạy a là cái Ca, o là trái nho, bé rất ngoan và chăm chỉ, được Sư trưởng thượng Như hạ Thanh đặt pháp danh là Trung Ý. Nhờ đức độ của Sư trưởng, nhờ sự động viên và dạy dỗ của thầy Bổn Sư, nên Trung Ý rất thông minh. Dù chưa biết chữ, nhưng khi được thầy Bổn Sư cho một xâu chuỗi, hễ giờ Tịnh Độ là Trung ý đều lên Chánh điện ngồi niệm Phật. Nhiều Phật tử mới đi chùa tụng Kinh theo không kịp, Trung Ý nhờ quý Sư cô lật trang Kinh hộ, bé chấm ngón tay vào trang đấy, rồi đem đến cho Phật tử. Từ nhỏ, mỗi lần được thầy Bổn Sư mua vật dụng cá nhân cho, sợ Thầy tốn tiền nên Trung Ý hay bàn, hoặc nói: “Thưa Thầy, con không thích”.
Thời gian dần trôi, Trung Ý đã lớn, bước chân vào ngưỡng cửa Đại học Phật giáo, Trung Ý phải sống xa Thầy, nhưng tuần nào cũng về lo cho Thầy từng bữa ăn, chăm sóc sức khỏe cho Thầy từng ly, từng tí. Ôi! Nói sao cho hết tấm chân tình của người đệ tử và cũng là đứa con nuôi rất mực hiếu thảo. Có món ngon vật lạ, Trung Ý cũng để dành về cúng dường Thầy, mua từng cái chén, từng đôi đũa (mặc dù chùa không thiếu).
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Phật học, Trung Ý xin phép được qua làng Mai ở Pháp để tu học theo Pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Với sự khát ngưỡng Pháp môn Tỉnh Thức, chánh niệm trong từng hơi thở, từng bước chân đi, Trung Ý được thầy Bổn Sư chấp thuận ngay. Thế là Trung ý một thân một mình tha phương học đạo. Ngày tiễn chân Trung Ý, Thầy và Phật tử chùa Vạn Hạnh đều có mặt, có cả Hòa thượng thượng Thiện hạ Tánh cũng đến sân bay để đưa tiễn và sách tấn Trung Ý cố gắng tu học. Trung Ý rất buồn vì đây là lần đầu tiên phải xa vị Thầy khả kính, oai nghi và đức độ.
Mặc dù ở nơi đất khách quê người, nhưng Trung Ý vẫn giữ thời khóa miên mật. Tuy học và hành trì Pháp môn của Sư ông Nhất Hạnh, nhưng Trung Ý vẫn tụng Kinh Pháp Hoa và Sám hối riêng (vào giờ rảnh). Có vị Sư em tên Định Nghiêm muốn học Luật Tỳ kheo ni chữ Hán, Trung Ý trùng tuyên cặn kẽ, nên các Sư em rất hoan hỷ. Nhờ un đúc tánh khiêm hạ của Bổn Sư, Trung Ý áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, nên các Sư em ở Làng Mai không ai là không kính mến. Sư ông Nhất Hạnh có duyên đi hoằng hóa các nước, Trung Ý được theo làm thị giả để nấu ăn nên học hỏi được rất nhiều. Các bậc Tôn túc ở Việt Nam đến thăm Sư ông và Tăng thân Làng Mai đều thương mến về đức tính nhẫn nại, hạnh khiêm cung và sự tinh tấn tu hành của Trung Ý.
Sư ông đã truyền đăng cho Trung Ý bốn câu thơ:
Trung thực xưa nay vốn một lòng
Ý thơ về ấm ngọn đông phong
Một cây sinh biết bao cành lá
Tuệ nghiệp viên thành rạng Tổ tông.
Năm 2005, Sư ông Làng Mai về Việt Nam thành lập Tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, Trung Ý đã cùng Tăng thân tu học đến ngày giải tán. Sau đó, Trung Ý lâm bệnh nan y, trước khi về cõi “Niết Bàn vô tung bất diệt”, Sư cô đã định được ngày và giờ ra đi của mình, gói một món quà sinh nhật gửi sang Thái Lan cúng dường Sư ông Làng Mai và một món quà sinh nhật cúng thầy Bổn Sư vào ngày 19/9/2010 (Năm Canh Dần), tức sau ngày ra đi của Trung Ý gần hai tháng.
Tấm gương sáng của người con hiếu thảo đi vào đời với hạnh nguyện cao siêu tính khiêm cung, hạnh nhẫn nhục mọi điều luôn tinh tấn trên lộ trình giải thoát.
TKN. Phước Giác (ĐSHĐ-059)