Tuổi thơ của cha không được êm đềm như những người bạn cùng trang lứa mà dữ dội, chói chang như cái nắng đổ lửa trên mảnh đất quê nhà. Dù con chưa bao giờ nhìn thấy những gam màu xám xịt ấy, nhưng qua lời kể của cha, con cảm nhận được những nỗi khó nhọc vô hình.
Năm 10 tuổi, cha đi học trường làng. Ông nội – trụ cột của gia đình đã vào chiến khu cùng bộ đội Cụ Hồ, theo tiếng gọi quê hương, Tổ quốc, đồng bào. Thương bà nội, ở quê nhà phải vất vả lo toan. Nội xoay vòng cả ngày như chong chóng nhưng vẫn không sao nuôi nổi cả đàn con nheo nhóc đang tuổi ăn, tuổi học. Cha không đành lòng nhìn nội cơ cực, không muốn các em mình đói dốt nên đã quyết định xa rời con chữ để đi làm giúp nội. Nội đánh đòn cha chỉ vì cái tội tự ý nghỉ học. Nội đánh đó rồi thương đó. Buông roi tre, nội ôm cha vào lòng và khóc. Việc đó đã làm nội thức trắng nhiều đêm liền để suy nghĩ. Nội không muốn các con mình phải chịu cảnh thất học, nhưng vì cái nghèo, cái đói đeo đẳng nên đành phải buông xuôi. Cuộc đời chăn trâu của cha chẳng bao giờ sung sướng như trong lời bài hát “Em bé quê” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”, mà là một chuỗi ngày dài cơ cực. Sự đói no của cha luôn tỉ lệ thuận với dạ dày của những chú trâu khi chúng trở về chuồng: lúc trâu no cha ngon miệng, lúc trâu đói thì bụng cha đánh trống liên hồi. Vậy mà ngót 5 năm ở đợ, cha không một lời than vãn hoặc nản chí. Cha lao động như là một lí tưởng sống, chỉ mong sao gia đình trả được nợ, các em ăn học đàng hoàng, mẹ sẽ bớt đi gánh nặng lo toan chạy ăn từng ngày.
Hòa bình lắp lại được vài năm, ông nội phục viên trở về nhà trong niềm phấn khởi vì đất nước được giải phóng. Cha cũng thôi công việc của mình để trở về nhà giúp đỡ gia đình. Rồi theo nguyện vọng của ông bà nội, cha buộc phải cưới vợ sớm, bỏ lại sao lưng giấc mơ trở thành ông giáo. Khi có vợ, sinh các con ra, cha lại vác thêm gánh nặng lên đôi vai mình. Ông bà nội đã già yếu, các con còn quá nhỏ, buộc mẹ phải quán xuyến chuyện trong nhà. Một mình cha phải quần quật ngoài đồng từ sáng đến tối nhưng vẫn thiếu ăn. Đất thì nhiều thật, nhưng thời đó giá mía rẻ mạt nên đôi khi vào mùa thu hoạch phải đốt bỏ vì chi phí thuê nhân công, thuê xe vận chuyển và các chi phí phát sinh khác còn cao hơn giá bán. Những lúc như thế cả nhà ôm nhau mà khóc. Mẹ và các con phải đi nhặt từng cây mía khô về nhà làm củi chụm.
Với ý chí sắt thép được nung nấu ngay từ khi còn nhỏ nên cha không hề nản chí, “thua keo này thì bày keo khác” – cha nghĩ thế. Rồi cha nghĩ ngay đến việc cải tạo đất để trồng xen canh, theo mùa. Nắm bắt được kinh tế thị trường, cha chuyển sang trồng cam sành. Cam năm đó trúng mùa, bán được giá cao, cả nhà vui mừng không xiết, cái ăn cái mặc cũng được cải thiện dần. Không dừng lại ở đó, cha trồng xen canh một số loại rau xung quanh các bồn cam để tăng thu thêm nhập. Cứ tờ mờ sáng là cha vác nông cụ ra đồng đến lúc trời tối mịt mới trở về nhà. Tối đến cha vẫn không nghỉ ngơi, còn phải dạy các con học hành, phụ mẹ làm hàng gia công. Cuộc đời cha chỉ thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất là khi quây quần cùng gia đình bên mâm cơm, được các con xoa bóp mỗi khi cha mệt mỏi, được nhìn thấy hoa màu tươi tốt với những quả chín no tròn…
Giờ đây, cha đã bước sang tuổi lục tuần nhưng chưa chịu nhận mình già, vẫn thích lao động một cách hăng say. Cứ tầm 5 giờ sáng cha thức dậy nấu nước pha trà, uống được vài hớp rồi lại lấy chổi đi ra trước thềm nhà quét rác. Lá rụng không đủ để cha phải nhọc công, vậy mà cha vẫn cứ quét, làm cho một khoảng sân nhà như thể được thay một chiếc áo mới tinh tươm đẹp mắt. Cha vẫn còn đủ sức khỏe để cuốc đất trồng rau, tát mương bắt cá, nạo vét các con rạch sau nhà để lấy bùn bồi đất cho cây… Những chuyện mệt nhọc như thế đáng lẽ ra phải để con cháu làm lấy, nhưng cha vẫn muốn mình làm. Cha bảo: “Trẻ hay già gì cũng phải hăng say lao động để cho cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Các con thấy không, nhờ cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà sức khỏe của cha vẫn có thể cuốc đất đào ao như thuở nào. Nếu cha cứ nằm ì một chỗ không sớm thì muộn sẽ sinh ra bệnh tật mà thôi!”. Cha nói rất chí lý, sống ở đời phải biết lao động chăm chỉ để vừa tạo ra vật chất, xây dựng một lối sống tích cực và vừa giúp mình rèn luyện một sức khỏe dẻo dai. Cha là tấm gương sáng mà chúng con phải noi theo suốt cuộc đời này.
Đặng Trung Thành (ĐSHĐ-119)