Tôi đã kinh qua những chặng đường dài từ Bắc chí Nam để nghe lời thiêng sông núi gọi hồn điệu nắng Âu Cơ:
“Âu Cơ điệu nắng theo chồng
Bế trăm tiếng khóc qua sông sóng cồn
Bánh chưng vuông bánh dày tròn
Tay nâng tay bọc nước non muôn đời”.
Phải chăng đã khơi nguồn cho dốc tồn sinh của dân tộc Việt Nam, là nhựa sống yêu thương bất tận đan mầm vươn ý sống. Xưa và nay, khoảng cách quá xa vời thời hừng đông của nhân loại, đất trời như non trẻ, hồn nhiên, dễ thương và trân quý, đã cho con người ý thức bảo tồn và mở rộng giang sơn:
” Thuở xa xưa Đất theo rừng trườn ra bãi
Thời hồng hoang Trời cùng bể mở rộng khơi”.
Để ánh mắt xuyên qua dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy nét diễm kỳ của tạo hóa, lồng vào tiếng hét của Bà Trưng, Bà Triệu, bao cái thế anh hùng chống giặc ngoại xâm, tiếng hòa điệu nối lời của Thiền sư Đỗ Thuận:
“Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba”.
(Song song kìa ngỗng một đôi
Cùng nhau hướng đến chân trời xa xa
Nước xanh lông trắng như ngà
Một dòng biêng biếc đưa xa chân hồng).
Gần đây hơn, trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã khơi ngọn lửa hồng từ bi xóa tan bao khát vọng vô minh. Thế nên, xưa và nay, những con người trên mảnh đất hình cong chữ S luôn đậm nét anh hùng, bất khuất nghĩa nhân. Cổ Đức tuy sở học không nhiều nhưng mẫu mực, khoan dung, đời thường cao thượng, tỏa sáng trên mọi lĩnh vực. Tôi đã đi qua dòng sông Bến Hải để nghe lòng thổn thức thuở chia ngăn! Dòng sông Gianh êm đềm lăn tăn sóng gợn như chào mừng tương lai vẫy gọi.
“Sông Gianh muôn thuở vẫn còn đây
Non nước ngàn năm chảy một dòng
Vĩ tuyến hai miền không còn nữa
Cho tình hòa nhập với non sông”.
Thật vậy! Bà Huyện Thanh Quan ngày trước chất ngất ưu tư khi tới đèo Ngang lịch sử chia ngăn, thì nay nắng ấm thanh bình trải dài ôm trọn mảnh đất, bước chân dài, tình người Nam Bắc nở hoa.
Đèo ngang tôi đến nắng chang chang
Cảnh vật hân hoan vẻ thái hòa
Dưới núi bao người vui sinh hoạt
Nhộn nhịp bên sông những mái nhà
Một thuở nơi đây từng vang bóng
Ngàn xưa oanh liệt vẫn là đây
Thanh Quan thuở trước buồn thương nhớ
Nay dậy mà xem non nước mình.
Dừng chân nơi ngã ba Đồng Lộc, tôi đã bắt gặp những người con gái anh hùng đất Hà Tĩnh, khí thế, oai linh trở mình cuộn sóng cho dòng sông Lam, núi Hồng Lĩnh (99 ngọn) vươn cao chắn gió bạt ngàn xa tít mù khơi. Xuyên qua đường Trường Sơn trở về các tỉnh miền Trung Bộ: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… tôi đã hiểu được thế nào là câu nói “địa linh nhân kiệt”, nghĩa là tỉnh nào càng bị khắc nghiệt bởi thiên nhiên thì lại có lắm nhân tài, hào kiệt, họ đã hy sinh quên mình cho đất nước nở hoa.
Mẫu số chung là con dân nước Việt, cùng một gốc sinh ra, nhưng ảnh hưởng thuận nghịch của đất trời nên giọng nói, tiếng cười, ý chí và lối sống có vạn biệt thiên sai. Thẩn thờ với dòng tư tưởng miên man, tôi như quên hết chuyện vui buồn của người dân vùng lũ, cho đến khi nghe Ni sư Nhật Khương kêu tăng tốc hàng quà cho nhiều tỉnh Nam Trung Bộ, tiền nong nhiều hay ít không cần biết, chẳng âu lo, nhiều bàn tay nắm lại là có thể đi lên theo nhịp bước, tinh thần bố thí “tam luân”, mỗi tỉnh đi qua đều có mặt tặng quà cho thỏa lòng nối kết chị em.
Ni sư Huệ Từ là trưởng ban giao dịch, phân bổ từng địa phương cho đoàn đến thăm và chia sẻ chút quà sau cơn bão lũ, có đôi khi cũng phải nhăn mặt, nhíu mày với những bất bình, tình huống tuy nhỏ nhưng càng suy nghĩ càng thấy nhói tim. Tình thương và ý đạo cho mỗi người trong đoàn sự yên lặng khác nhau của một lần quy mô đi cứu trợ, không cần danh tiếng, hình thức ngợi khen, quà đến tận tay dân nghèo là hạnh phúc, hãy vui lên, nào chúng ta cùng hát:
“Lúc đi lắm bạc nhiều quà
Khi về cạn túi mới là xứng danh!”
Vẫy tay chào tạm biệt những quê hương dấu ấn một thời oanh liệt, máu và nước mắt cho anh em bừng cơn hội ngộ là khởi điểm kết đoàn Bắc Trung Nam màu áo lam bền tâm một khối, nghĩa đệ huynh xây mái ấm Lục hòa, đường Bát Chánh xóa tan bờ dị kiến, ngày mai đây nắng ấm quét vô minh, vầng trăng tỏ soi lối đi trí tuệ, bừng cơn mê, ơn Di Mẫu khắc ghi:
Di Mẫu Ca Tỳ lừng vang tiếng
Xuất gia tu học vẹn đời Ni
Bát Kỉnh hằng tôn vương ánh đạo
Lưu nghìn thế kỷ vạn người soi.
TKN. Như Như (ĐSHĐ-005)