1.Thân thế
Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Kim Dung sanh năm 1926 tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong gia đình trung lưu gia giáo, thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tồn, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Ngưu. Hai ông bà sanh được 9 người con – Ni trưởng là người con thứ 8 trong gia đình.
Từ lúc nhỏ Ni trưởng được song thân gửi lên Sài Gòn cho người cô út nuôi dưỡng ở đến ngày khôn lớn. Người bạn đời của cô út làm đốc học thời kỳ Pháp (là hiệu trưởng bây giờ) đã đem Ni trưởng vào trường Gia Long học và đậu lấy bằng tú tài.
Khi Ni trưởng rời ghế nhà trường trở về quê thăm ngoại tổ (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày nay), tại đây Ni trưởng nghiên cứu giáo lý nhà Phật và thường xuyên trì kinh, niệm Phật. Từ đó duyên lành huân tập Ni trưởng sớm nhận thức được sự đau khổ của kiếp người nên khởi ý xuất gia học đạo, thoát khỏi cảnh ràng buộc của gia đình không màn thế sự, xa lánh trần gian.
Với tâm nguyện phát khởi mãnh liệt, Ni trưởng trở lại Thành phố và viết thư để lại âm thầm trốn ra khỏi mái nhà thân yêu tìm thầy học đạo lúc đó Ni trưởng vừa tròn 18 tuổi.
Trải qua bao nhiêu sự thử thách, gian nan, vất vã, nổi lo sợ gia đình tìm kiếm bắt về. Thân nữ dặm trường tìm chùa cầu xin xuất gia, không ai dám nhận vì lý do gia đình người thân không cho phép đi xuất gia. Với tâm nguyện không thối chí và duyên đã đủ, phước báu tròn đầy, trên đường đi Ni trưởng gặp một Ni sư đã cảm thương và dẫn về chùa Sắc Tứ Linh Thứu tại chợ Xoài Hột (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được Hòa thượng Thích Thành Đạo trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu cho xuất gia tu học tại chùa.
2.Tu học
Trong thời gian ngắn ngủi tu học tại chùa, do chiến tranh bùng nổ khắp cả nước, chùa chiền trở nên hiu quạnh không người lui tới. Ni trưởng được Hòa thượng Bổn sư thượng Thành hạ Đạo gửi lên chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên, Quận 4, TP.HCM) cũng chính là trường Phật học của chư Ni. Hòa Thượng Bổn sư giao cho Hòa thượng Thích Hành Trụ thâu nhận làm đệ tử được đặt pháp húy Đồng Minh, tự Thông Giáo pháp hiệu Tịnh Thanh.
Năm 1946, Chùa Tăng Già mở Đại giới đàn, Hòa thượng cho Ni trưởng thọ giới Sa di ni.
Năm 1948, Ni trưởng thọ giới Thức xoa Ma na.
Năm 1954, Sư trưởng chùa Huê Lâm mở Đại giới đàn tại chùa Dược Sư – Ni trưởng được đăng đàn thọ giới Tỳ Kheo Ni. Sau đó trở về chùa Tăng Già tiếp tục tham cứu giáo lý và tu học cùng chư huynh đệ.
Trong thời gian tu học tại chùa Tăng Già, hay tin sư bà Chí Kiên chùa Từ Quang (tỉnh Sa Đéc, nay là Thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) gửi thư báo có mở lớp dạy Luật Tứ Phần và Luận Giải. Hòa thượng Thích Hành Trụ cho Ni chúng xuống chùa Từ Quang học. Sau ba năm mãn khóa Ni trưởng cùng Ni chúng trở về chùa Tăng già tu học.
Sau đó, Hòa thượng Thích Thiện Hoa mở lớp dạy bộ Di Đà Sớ Sao, Hòa thượng ân sư Thích Hành Trụ xin cho chúng ni tham dự khóa học và được Hòa thượng Thích Thiện Hoa đồng ý. Hòa thượng ân sư đã cho xe đưa Ni chúng sáng đi học chiều trở về chùa Tăng Già. Thời gian trôi qua đúng ba năm mãn khóa học.
Tiếp đến, Ni trưởng cùng Ni chúng đến chùa Bửu An tại Song Phước, tỉnh Bến Tre học giáo lý bốn năm với Pháp sư Thiện Chơn (tự Kiểu Lợi) xong trở về chùa Tăng Già với Bổn sư, thời gian sau Ni trưởng xin Hòa thượng Bổn sư theo học lớp dịch kinh với Ni trưởng Như Thanh (Chùa Huê Lâm) tại chùa Hải Vân (Bãi Dứa, Bà Rịa – Vũng Tàu).
3.Hành đạo
Năm 1963, phong trào Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân ra lệnh đốt phá chùa chiền, đánh đập sinh viên, bắt giam Tăng Ni, đã khiến cho Tăng chúng ly tán.
Năm 1964, Ni trưởng rời chùa Tăng Già xuống tỉnh Bến Tre gặp được sư bà chùa Vạn Quốc mời về chùa Phước Lâm ở một thời gian.
Đến năm 1966, Cô Phật tử Diệu Hoa báo tin chiến tranh ở Sài gòn chưa ổn nên không thể trở về chùa Tăng Già được. Nên cô Diệu Hoa đưa Ni trưởng về lãnh chùa Kim Quang, đây là ngôi chùa hoang lạnh lẽo chưa có người trụ trì, do Ông Trần Văn Dương thành lập. Ông nhận thấy Ni trưởng Thích nữ Tịnh Thanh là người ấu niên xuất gia, nhiệt tâm với đạo pháp nên ông đã giao lại cho Ni trưởng làm Trụ trì. Sau khi đảm nhậm chùa Kim Quang, bằng sức lực ít ỏi của mình, Ni trưởng đã tích góp dành dụm cùng sự hỗ trợ của Phật tử đã tu bổ lại ngôi chùa từ mái lá vách gỗ thành mái ngói, tường bê tông, tránh được nắng mưa có chổ cho Phật tử tu học.
Từ đây Ni trưởng bắt đầu xây dựng mở lớp dạy trẻ em từ lớp 1 đến lớp 5 và ẩn dật tu hành. Năm 1973 có người đem một đứa bé sơ sinh đến bỏ tại ở chùa Kim Quang với lòng từ bi của Ni trưởng đem vào nuôi dưỡng khai sanh đặt tên là Nguyễn Thị Thanh Diệu, bằng tấm lòng thương yêu triều mến của vị tu hành, Ni trưởng chắc chiêu nuôi dưỡng từ một đứa bé đến trưởng thành cho đi học lấy bằng tốt nghiệp cấp ba.
Năm 1986 Ni trưởng mở lớp dạy luật chữ Hán cho quý Ni sư, sư cô tỉnh Bến Tre…Trong đó có Ni trưởng Thích nữ Như Tâm, Ni sư Thích nữ Huệ Hồng, Ni trưởng Thích nữ Huyền Liên…và một số Ni sư, Sư cô khác.
Trong thời gian hành đạo Ni trưởng đã thu nhận thêm 02 vị đệ tử Ni đến nay đã thành tựu nhiều Phật sự quan trọng: Trưởng tử pháp danh Thích nữ Chúc Châu – Trụ trì chùa Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; kế là Thích nữ Chúc Diệu – hiện đang hành đạo tại Mỹ quốc.
Riêng để tử Chúc Nghiêm đến 16 tuổi Sư bà cho xuất gia, đặt pháp danh là Thích nữ Chúc Nghiêm và cho nhập chúng tu học tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu, Ni trưởng đăng ký cho Chúc Nghiêm học khóa I – trường trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang. Sau khi tốt nghiệp, Ni trưởng tiếp tục cho học 03 năm cao Đẳng Phật học khóa II và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM khóa V.
Sau khi đệ tử Chúc Nghiêm tốt nghiệp các trường Phật học trở về, Ni trưởng đã giao lại toàn bộ Phật sự chùa Kim Quang lại cho đệ tử chăm sóc, hướng dẫn Phật tử tu học. Ni trưởng lui về ẩn cư nhập thất tu hành và hành trì kinh Pháp hoa.
4.Thời kỳ viên tịch
Các pháp hữu vi như mộng huyễn, sương mai. Người thấu tỏ nên mỗi hành vi tạo tác đều an nhiên mà thành tựu. Hơn 60 năm gắn bó với Ni trường, một cuộc đời trọn vẹn trong chánh pháp, trong sự nghiệp giáo dục Ni đồ. Vào những năm tháng cuối đời, khi cảm thấy hạnh nguyện hóa duyên đã mãn, tâm thế của Ni trưởng tự tại trước cảnh vô thường, người đã bày tỏ ý mình qua bài kệ sau:
Bầu trời trong xanh
Vầng mây trắng hồng
Tự do qua lại
Huyễn thân nào ngại
Vô thường khổ không
Phật sự vuông tròn
Bổn hoài viên mãn
Tự tại ra đi
Hơn mấy mươi năm
Có lợi ích gì?
Còn chăng đâu đấy
Ánh đạo từ bi
Thôi đừng thương nhớ
Quyến luyến làm chi
Bình tâm mỗi niệm
Niệm niệm A Di.
Trải qua thời gian lâm trọng bệnh, được điều dưỡng trong sự chăm sóc tận tình của hàng đệ tử. Thân tứ đại của Ni trưởng đã thuận theo định luật vô thường sinh diệt, viên tịch Vào lúc 15h giờ 20 phút, ngày 16 tháng 02 năm 2025 (nhằm ngày 19 tháng giêng năm Ất Tỵ) Trụ thế 100 năm, hạ lạp 71 mùa.
Nam mô Kim Quang đường thượng, Từ Lâm Tế Chúc Thánh Tông, Tứ Thập Tam thế Húy Đồng Minh, tự Thông Giáo, thượng Tịnh hạ Thanh, Nguyễn Thị Ni trưởng Giác linh thùy từ chứng giám.
Ban TT-TT PG tỉnh Bến Tre