Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX. Sinh trưởng trong một gia đình trâm anh lễ giáo, cha mẹ một lòng thâm tín Tam Bảo, lại có bốn chị em đồng nguyện xuất gia, Ni trưởng đã thuận duyên khoác lên mình lý tưởng hộ trì Chánh pháp, vô cầu của một người con gái họ Thích. Tấm gương mẫu mực, đức độ ấy đến nay đã 20 năm gửi vào những trang sử ngắn, thế nhưng còn đó biết bao nhiêu bài học mà môn nhơn, đệ tử và Ni lưu hậu bối cần phải tạc dạ, ghi lòng. Phủ phục trước đức hạnh cao vời của chư Ni tiền bối Phật giáo Việt Nam, chúng con xin được kiền thành đảnh lễ và được gói ghém những bài học của Thầy như một chút gia sản mà chúng con trân quý, kính gửi đến toàn thể chư Tôn đức Ni, pháp lữ xa gần.
Trước hết, phải nói đến nỗ lực cống hiến cho Giáo hội, cho Ni chúng cũng như nỗ lực trùng tu (3 lần) Sắc tứ Huệ Lâm – ngôi chùa cổ nhất quận 8 mang nhiều dấu ấn của nữ giới Phật giáo, được vua Thành Thái gia ân sắc phong và cũng là ngôi chùa sắc tứ cuối cùng tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định1. Lý tưởng vị tha, quên mình vì đạo của Ni trưởng là một bức thông điệp về sự hành đạo đầy lăn xả mà Ni giới hậu bối cần học tập. Nhất là vào thời điểm biến cố Phật giáo 1963, giữa lúc các phong trào đấu tranh ở miền Nam đang nổi dậy để đòi lại sự tự do cho Phật giáo, Ni trưởng đưa Ni chúng tập trung về chùa Từ Nghiêm và Xá Lợi để phản đối Đạo dụ số 10 mang tính kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm. Đồng thời kêu gọi chư Ni khắp các tỉnh miền Tây về Sài Gòn chung lo Phật sự với Giáo hội Tăng già Nam Việt.
Năm 1964, Ni trưởng thường trú tại Tổ đình Từ Nghiêm, chung lo Phật sự cùng Sư trưởng Như Thanh và quý Sư bà trong Ban Quản trị. Trước đó, năm 1957, Ni trưởng được Hòa thượng Thiện Hòa tấn phong với chức vụ “Chưởng Bộ Tịch” Ban Quản trị Ni chúng Nam Việt niên khóa thứ nhất.
Kế đến chính là những nỗ lực được ghi nhận trên con đường học đạo và hoạt động giáo dục của cố Ni trưởng2. Xuất gia vào thời điểm còn đầy khó khăn và điều kiện tu học của Ni giới còn nhiều hạn chế, thế nhưng Ni trưởng không ngừng theo đuổi con đường học vấn và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo Ni lưu tài đức. Sau những năm tháng được dự học ở chùa Phước Huệ, Vĩnh Bửu, Viên Giác (Bến Tre), Sắc tứ Tân Hòa tự3, Dược Sư và cả các lớp Sơ Trung Phật học đường Nam Việt ở Từ Nghiêm, kể từ năm 1957, Ni trưởng đã cùng một số huynh đệ mở các lớp Sơ đẳng Phật học tại Quan Âm tu viện (Bình Đức – Mỹ Tho); chùa Giác Thiên (Vĩnh Long). Và chính cố Ni trưởng cũng không nằm ngoài vai trò Giáo thọ.
Các lớp học mãn khóa, chuyển cấp cũng có sự chứng minh, chấm thi của chư Tôn đức Tăng Phật học đường Nam Việt. Các lớp này đã đào tạo, hun đúc cho một số Ni tài đến từ các tỉnh Nam Bộ, trong đó có Cần Thơ4 Hàng đệ tử đích truyền, thế độ, cầu pháp và y chỉ của Ni trưởng cũng có rất nhiều vị ưu tú như Ni trưởng Như Chơn, Ni trưởng Tắc Vân, Tắc Thinh, Tắc Bổn, Tắc Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh), Ni trưởng Như Hương (Đồng Nai), Ni trưởng Như Bình (Tiền Giang), Ni trưởng Như Minh (Hà Tiên), Ni trưởng Hải Minh (Sóc Trăng)… Đó cũng chính là trái ngọt trong sự nghiệp giáo dưỡng Ni lưu của Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn.
Trong thời gian cộng sự cùng quý Sư bà trong Ni bộ Bắc Tông, Ni trưởng thường xuất hiện với cương vị là Thư ký Ni bộ, Giám học Phật học Ni viện Từ Nghiêm. Tháng 2 năm 1993, Ni trưởng lại tiếp tục sứ mạng giáo dục với việc mở lớp Sơ cấp Phật học tại chùa Sắc tứ Huệ Lâm. Lần mở lớp này, Ni trưởng đã xin phép để chư Ni các tỉnh, các miền về nội trú và miễn phí ăn học. Sau đó lại tiếp tục khai mở Phật học Ni viện lớp Sơ đẳng tại chùa Giác Thiên. Bên cạnh hoài bão đào tạo Tăng Ni trẻ, Ni trưởng còn quan tâm đào tạo Mẫu giáo Sơ cấp và Ký Nhi viện. Tâm nguyện giáo dục của Ni trưởng đúng như ý nghĩa được lấy trong tên chùa. Đó cũng chính là lý do Người tham dự trọn khóa tu nghiệp Quản trị Học đường và Tâm lý giáo dục5. Cùng với tâm nguyện đó, Ni trưởng đã từng được ghi nhận là “một thành viên nhiệt tình đóng góp, ủng hộ cho công tác giáo dục, đào tạo Tăng tài các khóa I, II, III, và IV của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 năm”6.
Điều đáng nói hơn ở Ni trưởng chính là tấm gương hiếu học. Trong điếu văn tưởng niệm Ni trưởng, đức Pháp chủ Đệ tứ đương kim đạo hiệu Thích Trí Quảng từng kể lại: “Khi Hòa thượng Thích Minh Châu mở Đại học Vạn Hạnh, Ni trưởng đã đăng ký theo học Phân khoa Phật học đầu tiên, tôi hỏi Ni trưởng rằng việc học đã nhiều, tuổi đã lớn mà còn đi học làm gì. Ni trưởng vui vẻ trả lời: Tôi học để làm cái gương cho Ni chúng”7. Tấm gương ấy chính là một bài học thân giáo quý giá đối với chư Ni ngày nay. Nó không chỉ khẳng định tinh thần cầu học của chư Tôn túc Ni tiền bối, những khát khao của quý Ngài mà còn là sự kỳ vọng vào một tiền đồ tươi sáng của Ni giới. Ở đó, ý thức giáo dục tự thân của Ni trưởng đã nói lên một con người luôn sống vì cái đẹp, cái hay chung của đoàn thể. Bên cạnh đó, Ni trưởng cũng thường xuyên dạy chúng đệ tử biết kiệm phước và giữ giới hạnh.
Hôm nay, gợi nhắc lại tấm gương của Ni trưởng trong dịp lễ tưởng niệm này, chúng con muốn gửi gắm kỳ vọng vào Ni chúng hiện thời trong việc xây dựng diện mạo trí thức trẻ nơi Ni giới. Nếu việc học là vô bổ thì quý Ngài đã không dùi mài thật lâu trên các giảng đường đại học. (Đó là chưa kể, bấy giờ, Ni trưởng đã hơn 40 tuổi mà vẫn hoan hỷ làm một Ni sinh duy nhất trong bốn mươi Tăng sinh). Ý chí, nỗ lực, tâm huyết của Ni trưởng vẫn còn đó. Chúng ta cần làm gì để truyền thừa, duy trì hạt giống phước tuệ, huyết mạch của Ni lưu? Đây là vấn đề được bàn thảo khá nhiều trong các cuộc giao lưu Ni giới thường niên giữa các tỉnh/ thành nhân dịp Lễ tưởng niệm đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Thế nhưng, thực tế, ở các tỉnh/ thành vùng sâu vùng xa lại chưa thực sự được thúc đẩy.
May mắn, sự nghiệp, tôn chỉ của Thầy đã được chư Tôn đức Ni pháp tử, môn đệ vâng giữ, kế thừa. Tại Sắc tứ Huệ Lâm, Ni trưởng Như Trí, đương kim trụ trì, cũng tiếp tục duy trì sứ mạng giáo dục (từ 1993) với các lớp học cho Ni chúng, vun bồi nên nhiều thế hệ Ni lưu tiếp bước con đường truyền đăng tục diệm. Ni trưởng Như Như hết lòng đào tạo bao nhiêu thế hệ Ni chúng Trung cấp, Cao đẳng, trên dưới hơn 10 khóa. Ni trưởng Huệ Hương miệt mài với đoàn thể Ni giới suốt mấy chục năm qua; đồng hành trong các quỹ học bổng, Câu lạc bộ vì Hoàng Sa, Trường Sa, cấp học bổng cho các cháu dân tộc thiểu số được đến trường, các cháu vùng biển đảo gặp nhiều khó khăn,… Công lao đó đã được Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ghi nhận kể từ năm 1955, khi Ni trưởng đại diện Phật giáo phi chính phủ tham gia Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 4 tại Bắc kinh về vấn đề phụ nữ.
Hôm nay, trở về dưới bầu không khí sum vầy của Ni giới khắp cả nước tại Cần Thơ, con cũng nhận thấy rằng mảnh đất này có một chiếc nôi giáo dục rất lớn. Đó là sự xuất hiện và phát triển của Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer – một trong bốn học viện lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó là các trường, lớp Sơ – Trung cấp Phật học đang được duy trì dưới sự lãnh đạo của chư Tôn đức Tăng Ni trong Giáo hội. Hơn nữa, mảnh đất này cũng từng có rất nhiều bậc lãnh đạo Ni đã từng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, nhất là sự nghiệp đào tạo Ni giới. Trong đó có thể kể đến Sư bà Bửu Trí, Sư bà Bửu Thanh (chùa Thiên Quang), Sư bà Hồng Tích – Diệu Kim (chùa Bảo An)8. Đặc biệt, có Ni trưởng Thích nữ Diệu Ngộ (chùa Quan Âm) – môn đệ của cố Ni trưởng Giác Nhẫn từng là một bậc lãnh đạo của Phân ban Ni giới thành phố Cần Thơ, rất quan tâm đến nhu cầu học Phật của Ni giới tỉnh nhà.
Bài học sau cùng và quan trọng nhất ở Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn chính là sự hành trì, tu học pháp môn cần mẫn để liễu thoát sanh tử. Điều đó có thể thấy qua việc Ni trưởng hành trì niệm Phật và lưu lại nhiều xá lợi cho Ni chúng tu học. Đức Đệ tứ Pháp chủ cũng từng tán thán công hạnh này và tin tưởng “hàng hậu học kế thừa tinh thần tu học sâu sắc của Ni trưởng, sẽ nỗ lực hơn và thực hiện được nhiều việc tốt cho đời, đẹp cho đạo để làm rạng danh Ni giới Việt Nam9. Nhờ di sản tinh thần của Ni trưởng để lại, niềm tin, lý tưởng tu học được nhân đôi trong lòng chư Ni môn đồ đệ tử. Kết quả này không chỉ minh chứng cho niềm tin vào pháp môn mà còn minh chứng sống động cho khả năng giải thoát của nữ giới. Ngày nay, nhiều đạo tràng Tịnh Độ lớn mạnh đã được chư môn đệ của cố Ni trưởng khai mở cho tín chúng tu học như tại Huệ Lâm Sắc tứ, Ni viện Thiện Hòa (Bà Rịa – Vũng Tàu), chùa Long Vân (Đồng Nai)… Các đạo tràng quy tụ hàng trăm, hàng ngàn hành giả tu học và đem lại nhiều lợi ích lớn cho cộng đồng pháp lữ.
Kết luận
Có thể nói, hơn 60 năm hoằng hóa đạo mầu, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn là tấm gương tiêu biểu về sự nghiệp giáo dục của Ni giới. Tàng cây cổ thụ ấy đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều thế hệ Ni tài cho Giáo hội. Ni đoàn trên mảnh đất miền Nam được lớn mạnh cũng nhờ không ít công hạnh của Người. Hôm nay, giữa lòng”Tây Đô‛ mỹ miều” hậu tấn xin tưởng niệm đến ân đức những bậc tòng lâm thạch trụ của Ni giới đã một thời khơi dậy sứ mạng và bản hoài của Ni lưu.
NT. Như Dung
Ni sinh. Diệu Lâm diễn đọc
- Nguyễn Hữu Lộc (2021), “Chùa Sắc tứ Huệ Lâm – Một di sản văn hóa của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh”, Đặc san Hoa Đàm, số 90, tháng 3/2021, tr.67
- Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (2012), Hội thảo khoa học Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển, đôi điều trăn trở về Ni trẻ và giáo dục Phật giáo trong thời đại mới, lưu hành nội bộ, tr.190.
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (Biên soạn, 2009), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.60.
- Tỳ-kheo-ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh) (Biên soạn, 2022), Hành trạng chư Ni Việt Nam, tập 1, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, tr.229
- Tlđd, tr.16.
- Thượng tọa Thích Đạt Đạo (2004), “Điếu văn của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh”, in trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng môn đồ pháp quyến thực hiện, Tưởng niệm Cố Ni trưởng Thượng giác hạ Nhẫn – Viện chủ Sắc tứ Huệ Lâm tự (1919-2003), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.46.
- HT. Thích Trí Quảng (2004), “Điếu văn của HT. Thích Trí Quảng”, in trong: Tưởng niệm Cố Ni trưởng Thượng giác hạ Nhẫn – Viện chủ Sắc tứ Huệ Lâm tự (1919-2003), Sđd, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.35
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (Biên soạn, 2009), Sđd, tr.45.
- HT. Thích Trí Quảng (2004), Tlđd, tr.35.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương (2012), Hội thảo khoa học Giáo dục Phật giáo – Định hướng & Phát triển, đôi điều trăn trở về Ni trẻ và giáo dục Phật giáo trong thời đại mới, Lưu hành nội bộ.
2. Thượng tọa Thích Đạt Đạo (2004), “Điếu văn của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh” trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng môn đồ pháp quyến thực hiện, Tưởng niệm Cố Ni trưởng Thượng giác hạ Nhẫn – Viện chủ Sắc tứ Huệ Lâm tự (1919-2003), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Tỳ-kheo-ni Như Đức (Biên soạn, 2009), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Nguyễn Hữu Lộc (2021), ‚Chùa Sắc tứ Huệ Lâm – Một di sản văn hóa của Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh‛, Đặc san Hoa Đàm, số 90, tháng 3/2021.
5. Tỳ-kheo-ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh) (Biên soạn, 2022), Hành trạng chư Ni Việt Nam, tập 1, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
6. HT. Thích Trí Quảng (2004), “Điếu văn của HT. Thích Trí Quảng”, trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng môn đồ pháp quyến thực hiện, Tưởng niệm Cố Ni trưởng Thượng giác hạ Nhẫn – Viện chủ Sắc tứ Huệ Lâm tự (1919-2003), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.