Ni Liên Thiền, tên gọi dòng sông gắn liền với đại nguyện của bực Thánh nhân xuất thế. Và bên cạnh dòng sông này, nơi rừng Khổ Hạnh, Thái tử Tất-đạt-đa từng tham thiền tĩnh tọa và đã tìm ra con đường thoát khổ cho muôn loài. Dòng sông êm trôi lặng lẽ bắt đầu cất tiếng nói từ dạo ấy.
Hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, một sự kiện quan trọng từng xảy ra bên dòng sông Ni-liên-thiền, để rồi từ đó, dòng sông bé nhỏ, hiền hòa được người đời nhắc đến với tấc lòng cảm kích, tôn trọng. Là chứng nhân đặc biệt, dòng sông thường kể lại câu chuyện mà mình từng chứng kiến:
… Một buổi sáng ngày cuối đông, cuộc sống im lìm của cư dân quanh khu rừng bỗng sôi động hẳn lên. Người người bảo nhau:
-Mọi người đến mà xem. Lạ lắm! Hoa rừng nở rực bên dòng sông Ni Liên Thiền kìa!
Không chỉ vậy, họ còn bảo trong khu rừng, có cả muôn loại chim cùng tụ về hót vang rộn rã. Hoa nở, chim hót vào mùa đông, quả là điều khác thường. Có người hiểu biết vội lên tiếng giải thích: “Đức Phật Thích Ca vừa chứng đạo, nên mới có điềm lành xuất hiện như thế”.
Con người thông thái ấy lại kể cho dân làng nghe về dòng dõi, xuất thân của Thái tử Tất-đạt-đa cùng lời dự đoán của tiên A-tư-đà khi Thái tử vừa chào đời tại xứ Ca-tỳ-la-vệ xa xôi. Đến tuổi trưởng thành, Thái tử đã chọn con đường tu tập sau khi chứng kiến cảnh sanh, lão, bệnh, tử đầy khổ lụy của kiếp người. Từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan… Thái tử cùng người hầu cận Xa-nặc vượt thành trốn đi trong đêm. Từ đó, trải qua nhiều năm tu hành khổ hạnh cho đến ngày chứng đạo, Người vẫn chưa một lần trở lại quê hương…
Dòng sông yên lặng lắng nghe và cảm nhận rất rõ điều gì đang xảy ra. Hơn ai hết, chính dòng sông đã chứng kiến gần như toàn bộ quá trình tu tập và chứng ngộ của Sa môn Cồ-đàm trong suốt sáu năm qua. Sông cũng biết, thời gian trước đó, Sa môn từng đi khắp nơi tầm sư học đạo và thọ giáo với nhiều vị danh sư đạo hạnh. Ngày qua tháng lại, không bao lâu, Người sớm nhận ra không pháp tu nào khả dĩ có thể đưa đến một chân trời an lạc, giải thoát toàn mỹ. Cuối cùng, Sa môn quyết định tìm đến khu rừng vắng vẻ và tự nỗ lực chuyên tâm thiền định…
Hôm ấy, cảnh tượng bên dòng sông thật lạ thường. Mặt đất tỏa sáng, chim chóc kéo về làm tổ đông vui, nhộn nhịp hơn mọi ngày. Và kìa, dưới gốc cây cổ thụ cao to, một vị Sa môn đang ngồi tư duy tịnh niệm. Khu rừng Khổ Hạnh xưa nay thường có những vị Sa môn tìm đến tu tập. Song riêng với vị Sa môn này, dòng sông nhận ra một điều phi phàm khác hẳn. Vóc dáng gầy gò trong mảnh y bạc màu sương khói, ấy thế mà sắc tướng của Người sáng dịu như trăng rằm, nội tâm tĩnh lặng, tâm đức cao ngời như vầng thái dương chiếu tỏ xuống mặt đất âm u, tăm tối. Người ngồi yên lặng suốt ngày thâu đêm và chỉ đứng dậy khi bóng mặt trời lên cao, thư thả đi lại rồi cúi xuống nhặt vài hạt đậu mè mà chim rừng tha về vương vãi bên gốc cây, dùng làm bữa ăn duy nhất trong ngày. Đã sáu năm trôi qua, Sa môn Cồ-đàm, dân làng thường gọi Người như vậy, chưa từng bước xuống dòng sông. Người cũng không bận lòng đến sự thay đổi thời tiết nắng, mưa, không nghe cả tiếng chim hót, thú kêu. Trong cõi lòng sâu thẳm, Người chỉ chuyên chú vào một điểm duy nhất, đó là tìm ra con đường an vui, giải thoát cho khắp cõi nhân sinh.
Sáu năm ròng rã chuyên tu khổ hạnh, Sa môn đuối sức dần. Khi nhìn thấy vị chơn sư gần như ngất lịm bên bìa rừng, dòng sông vội cất tiếng kêu cứu. Nhưng tất cả chỉ là tiếng xào xạc của lá cây cùng dòng chảy miên man vọng lại giữa chốn đại ngàn xa thẳm. Sông ngơ ngác kiếm tìm. Đây rồi, cô gái chăn cừu vừa bước đến. Cô nhiều lần đến đây nên thường gặp vị Sa môn có phong thái thoát tục đáng kính. Nhận ra vẻ tiều tụy, hơi thở thoi thóp của Người và cô chợt hiểu ra vấn đề. Không chần chừ, cô vội lấy bát, xuống sông rửa sạch, vắt lấy sữa cừu, sau đó đổ vài giọt sữa vào miệng Sa môn. Người hồi tỉnh, mở mắt nhìn chung quanh. Cô gái nhỏ vì thuộc dòng tộc thấp kém hơn nên chỉ dám dâng bát sữa từ xa cho vị Sa môn. Nhờ bát sữa, Sa môn Cồ-đàm hồi phục sức lực nhanh chóng. Dùng xong, Người đặt bát xuống gốc cây rồi thầm chú nguyện cho cô gái.
Mặt trời ngã dần về tây. Không gian sáng bừng trước mắt bậc Đại Giác vừa bước qua dòng thác vô minh vọng tưởng. Lắng đọng tâm tư trong khoảnh khắc thời gian hiện hữu, Sa môn đứng dậy đi về phía bờ sông và lần đầu tiên Người bước xuống tắm rửa, gội sạch hết trần cấu bám chặt trên cơ thể lâu nay. Dòng sông trong xanh mang hương vị nồng dịu của muôn thứ cỏ hoa khiến tinh thần Người trở nên sảng khoái, minh mẫn. Sau khi lên bờ, Người đã nhận ra một chân lý tối thượng. Người biết mình đi gần tới đích của con đường và cần phải trải nghiệm thêm một giai đoạn ngắn nữa để chứng thực. Quán xét lại sự tu tập trước nay, Sa môn nhận ra một điều chính yếu. Không thể có sự chứng ngộ trong một thân thể gầy mòn, suy kiệt cùng tâm hồn khô cứng như sỏi đá. Con đường trung đạo là bước khởi đầu để vươn tới một chân trời an lạc, vĩnh cửu. Chân lý giải thoát rồi sẽ được tìm thấy trước khi ánh bình minh tỏa rạng.
Thời khắc diệu mầu ấy đã xảy ra vào đêm mùng 8 tháng Chạp, đêm trăng rằm xứ Phật cũng đủ cho dòng sông cảm nhận một sức sống mới đang tỏa lan. Ánh trăng trên bầu trời soi sáng cả lòng người. Sa môn Cồ-đàm vừa trải qua giai đoạn tranh luận mạnh mẽ với nội tâm, khắc phục hết mọi ma chướng bủa vây. Từng bước, từng bước chậm rãi trôi qua, bức màn vô minh được vén mở dần, để lộ cả khoảng trời trong xanh dịu vợi. Từng đợt sóng trần trôi qua rồi vụt tan biến nhanh như chưa từng hiện hữu trong tâm trí rạng chiếu của bậc Giác Ngộ. Một thân xác tự tại trong một trạng thái an nhiên tạo thành vầng hào quang sáng rực quanh gốc cây Bồ-đề Phật tĩnh tọa. Có cả ánh sáng của chư Thiên, Long, Thần… hiện đến từ chập tối để hầu cận và tận cảm bao điều kỳ thú trong giây phút Phật chứng đạo quả vô thượng Bồ-đề.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, dòng sông vội dừng hết mọi cuộc phiêu du của mình. Thời khắc quan trọng đang đến. Bậc Đại Giác đã chứng ngộ. Một vị Phật sắp ra đời. Thế gian tăm tối rồi đây sẽ được tận hưởng ánh sáng huy hoàng của ánh đạo từ bi bất diệt. Cuộc đời khổ đau bởi mãi đắm chìm trong vòng vây tranh chấp, vị kỷ, bởi những ham mê dục lạc, rồi sẽ được tắm gội trong dòng nước thuần lương thanh khiết.
Không gian mở rộng và thời gian gần như ngưng đọng dưới chân bậc Đại Giác. Cảnh vật bên dòng sông bỗng trở nên vi diệu, thâm trầm và sắc nét đến diệu kỳ. Trước lúc ánh ban mai đánh thức muôn loài, Sa môn Cồ-đàm xả thiền và hoàn toàn chứng ngộ đạo quả xuất thế. Người rời khỏi gốc cây Pippali, sau này được gọi là cây Bồ-đề, rời khỏi khu rừng thiêng yên tịnh đi về phía phố thị xóm làng. Trước tiên, Phật đến vườn Nai và chuyển pháp luân độ cho năm vị Sa môn đồng học ngày trước còn tu tập tại đây. Thế rồi, trong suốt bốn mươi chín năm hành đạo, bánh xe chánh pháp lưu chuyển khắp cả lưu vực sông Hằng. Những nơi đi qua, đức Thế Tôn đều mang đến niềm tin ánh đạo, cứu khổ cho muôn triệu mảnh đời đang chìm đắm trong bể ái nguồn mê.
Người ta bảo sông Ni Liên Thiền là con sông huyền thoại, là dòng sông linh thiêng. Chỉ có dòng sông mới biết rõ tính chất rất đỗi bình thường, dung dị của mình. Vì là chứng nhân nên người đời đã không bỏ quên nó. Dòng sông đã chảy qua nơi đức Thế Tôn tu tập thành đạo nên nó trở thành nguồn cảm xúc thiêng liêng, vô tận với những ai một lần bước chân đến. Theo dòng thời gian, người người tìm đến rừng Khổ Hạnh, đạo tràng Bồ-đề để chiêm bái lễ lạy thánh tích, nhưng vẫn không quên trải lòng lắng nghe dòng sông đang miên man kể lại câu chuyện một thời còn lưu dấu.
Lam Khê (DSHD-005)