Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Đặc san Hoa Đàm có bài phỏng vấn PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Tân Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM). Được biết, Cô là vị nữ Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học với lịch sử hình thành và phát triển 60 năm. Đồng thời, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan còn là một nữ trí thức trẻ của ngành Nhân học, đang độ tuổi 44 tràn đầy nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp Khoa học lẫn Giáo dục.
CTV Minh Phúc: Đầu tiên, thay mặt Đặc san Hoa Đàm, trân trọng chúc mừng Cô vừa được Giám đốc ĐHQG TP.HCM bổ nhiệm giữ cương vị Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV. Kính chúc Cô gặt hái nhiều thành công trên cương vị mới, sức khỏe dồi dào và gia đình luôn hạnh phúc. Rất mong Cô giới thiệu về cá nhân cũng như hoạt động khoa học, đào tạo của mình trong thời gian qua?
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan: Xin cảm ơn Đặc san Hoa Đàm!
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Đông phương học tại Trường, tôi theo học chương trình Thạc sĩ Nhân học Văn hóa – Xã hội tại Trường Đại học Toronto (Canada). Về nước, tôi tiếp tục theo học chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Dân tộc học tại Trường. Từ năm 2013, tôi làm nhiệm vụ với vai trò Phó hiệu trưởng, phụ trách Quản lý khoa học và Sau đại học. Tôi được tập thể tín nhiệm và Giám đốc ĐHQG TP.HCM bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Với tôi, đây là một vinh dự và cũng là trọng trách khi điều hành ngôi trường có bề dày truyền thống và sự cống hiến của rất nhiều thế hệ giảng viên, cán bộ, sinh viên, học viên và sự ủng hộ của xã hội.
CTV Minh Phúc: Theo Cô, các ngành khoa học xã hội và nhân văn có vai trò như thế nào trong đời sống đương đại?
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan: Xã hội muốn vận hành tốt cần có một hệ tri thức khoa học được kết hợp với nhau thành một thể thống nhất, biện chứng, trong đó có vai trò quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn. Sẽ rất không nên nếu nói rằng ngành khoa học nào quan trọng nhất, mà đúng ra cần đặt các ngành khoa học ở một vị trí phù hợp với từng thời kỳ phát triển của nhân loại.
Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo – những cỗ máy hiện đại mang những đặc điểm xử lý vấn đề của con người. Đó là một xu hướng không thể đảo ngược nhưng suy cho cùng, xã hội càng tiện ích, hiện đại bao nhiêu, cần đề cao tính nhân văn bấy nhiêu. Nếu không những cỗ máy ấy lại làm cho con người trở nên kém hạnh phúc, thiếu sự trải nghiệm cần thiết hay thậm chí là chống lại loài người. Thế giới này, nhiều khu vực vẫn đang phải vật lộn với những vấn đề kinh tế – xã hội nan giải như: nghèo đói, xung đột sắc tộc, sự mai một của các ngôn ngữ, hay sự phai nhạt các giá trị văn hóa của dân tộc, hình thành các dị giáo… Điều đó không thể được giải quyết bởi trí tuệ nhân tạo.
Khoa học xã hội và nhân văn phát triển sẽ giúp cho sự phát triển của của thế giới trở nên nhân bản hơn, xã hội phát triển hài hòa và bền vững hơn, những nhóm yếu thế phát triển bình đẳng và con người cảm nhận tốt hơn về sự hạnh phúc của mình.
Tại Việt Nam, chúng ta thấy rõ rằng, khoa học xã hội và nhân văn chưa đạt được kết quả kỳ vọng và xã hội cũng chưa đặt ngành khoa học này vào vị trí ưu tiên sau một quá trình dài tập trung phát triển kinh tế từ sau khi thống nhất đất nước. Chúng ta thấy sự ô nhiễm môi trường, tội phạm gia tăng, lối sống truyền thống mai một, đô thị hóa không được kiểm soát tốt,… đã đặt ra những thách thức nan giải cho đất nước. Hơn lúc nào hết, khoa học xã hội và nhân văn cần được đề cao.
CTV Minh Phúc: Cô có nhận định như thế nào về những đóng góp của nữ trí thức trong sự nghiệp khoa học, giáo dục ở nước ta hiện nay?
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan: Trong bầu cử Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỉ lệ đại biểu nữ trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV là 133/496 người, đạt 26, 8%; Đại biểu HĐND TP.HCM, tỉ lệ phụ nữ trúng cử đạt 43%.
Một báo cáo do Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) vừa công bố cho thấy 25% trong số các Giám đốc điều hành (CEO) và thành viên Ban Giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ. Với con số này, Việt Nam có tỉ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí lãnh đạo vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%).
Những minh chứng đó cho thấy, phụ nữ tham gia vào quá trình điều hành xã hội, điều hành kinh tế đang ở mức độ khá tốt. Trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, nữ giới cũng đang chiến một tỉ lệ khả quan, nhất là ở các cấp học Phổ thông, Tiểu học. Những điều này minh chứng cho sự bình đẳng về giới ở Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây. Ngày càng nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam khẳng định vị trí và uy tín học thuật của mình ở các lĩnh vực khoa học khác nhau. Một số còn tham gia quản lý các trường Đại học, Cao đẳng và các Viện Nghiên cứu. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Để có được điều này là cả một chặng đường phấn đấu nỗ lực của người nữ trí thức. Ngoài ra, tôi cũng được biết có nhiều vị Ni tốt nghiệp Tiến sĩ về Phật học, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử,… ở nhiều nước trên thế giới về lại Việt Nam tham gia giảng dạy tại các học viện Phật giáo và các trường Phật học. Đó là sự tương đồng của người nữ trí thức chúng ta trong thời Đại hội nhập và phát triển dù ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội với khát khao cống hiến trí tuệ.
CTV Minh Phúc: Năm 2016, “Hội thảo Khoa học Nữ giới Phật giáo Truyền thống và Hiện đại” được tổ chức thành công tại Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM. Với tư cách là Trưởng ban Tổ chức Hội thảo này, Cô vui lòng cho biết suy nghĩ của mình về Ni giới Việt Nam?
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan: Phụ nữ Việt Nam nói chung và Nữ giới Phật giáo nói riêng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội. Ni giới Việt Nam vốn có truyền thống hộ trì đạo pháp và luôn nỗ lực cống hiến cho xã hội bằng nhiều hoạt động từ thiện thật ý nghĩa. Đây là hai giá trị nổi bật, cần được khẳng định và hết sức trân trọng!
Trong thời gian qua, Ni giới Việt Nam được quan tâm và được tạo điều kiện phát triển như: Nâng cao trình độ học vấn, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, truyền bá Phật giáo trong và ngoài nước, nhất là nỗ lực giao lưu, hội nhập với Ni giới các nước. Đây là cơ hội quý báu để học tập và phát triển. Thật vậy, thông qua các bài báo cáo do các vị Ni trình bày tại Hội thảo, tôi nhận thấy Ni giới Việt Nam đã có những đóng góp lớn cho cả đạo và đời. Họ đã thực hiện nhiều công việc Phật sự hiệu quả và chất lượng cũng như tham gia rất tích cực trong các hoạt động công tác xã hội, phát triển cộng đồng, là những tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo. Có thể nói, Ni giới Việt Nam hiện nay đã trở thành một lực lượng đông đảo trong GHPGVN, nên tôi tin vào tương lai phát triển của họ khi được tham gia vào các lĩnh vực khác nhau như học thuật, văn hóa, giáo dục, báo chí, công tác xã hội và giao lưu quốc tế,…
CTV Minh Phúc: Xin chân thành cảm ơn Cô đã dành thời gian quý báu cho buổi phỏng vấn!
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan: Kính chúc Đặc san Hoa Đàm ngày càng phát triển và thành công hơn nữa. Nhân đây, tôi cũng hy vọng rằng Trường Đại học KHXH&NV và Phân ban Ni giới T.Ư sẽ có nhiều hợp tác trên lĩnh vực học thuật hỗ trợ cho sinh viên của Trường trong thời gian tới.
CTV. Minh Phúc (ĐSHĐ-057)