Trên tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật nói chung và Ni giới Việt Nam nói riêng. PBNG tỉnh Bình Phước đã tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công diễn ra vào ngày 22-23/4/2023 (nhằm ngày 3-4/3 Quý Mão) với phương châm “sự dấn thân và truyền trì chánh pháp”. Hòa cùng không khí đó, PBNG khắp các tỉnh thành dọc ba miền Tổ quốc đều về tham dự trong sự hân hoan, rạo rực để tưởng nhớ đến Đức Thánh Tổ thành lập Ni đoàn, hay người mẹ từ bi thấu hiểu của nhân loại.
Từ năm 2009, khi PBNG trực thuộc Ban Tăng sự Trung ương được tái thành lập, đã đem lại một luồng sinh khí mới, mở ra một trang sử mới trong kho tàng lịch sử Ni giới Việt Nam. Nhớ ơn Đức Thánh Tổ Ni khai sáng Ni đoàn và các bậc tiền bối Ni hữu công Việt Nam đi trước mở đường. Lần đầu tiên trong lịch sử Ni giới Việt Nam, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiên phong tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di (2014). Nối tiếp tinh thần đó, cứ mỗi năm một tỉnh thành sẽ đăng cai tổ chức, trải qua lần lượt các tỉnh Bến Tre (2015), Huế (2016), Bình Dương (2017), Đồng Nai (2018), Tiền Giang (2019), sau đó do đại dịch Covid-19 diễn ra nên đại lễ gián đoạn 2 năm. Năm 2022 thì đến TP.HCM, hiện tại là Bình Phước. Mặc dù tỉnh Bình Phước là nơi có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, địa hình thường là vùng núi và đất đỏ bazan cùng đất phù sa xám. Thế nhưng, điều đó không thể làm khó tinh thần cùng sự kiên cường của PBNG tỉnh Bình Phước. Từ đó, có thể thấy tinh thần dấn thân và mong muốn truyền trì chánh pháp của Ni giới Bình Phước là vô cùng thiêng liêng, cao cả. Và sự dấn thân, truyền trì chánh pháp đã thể hiện rõ rệt ở các mặt:
Thứ nhất, là một vùng đất với địa hình đồi núi, đất đỏ bazan, cùng sự phát triển của nhiều tôn giáo khác. Nhưng các bậc tiền bối, chư Ni đã không quản xa xôi, khó khăn về không gian địa lý, khí hậu, vùng ít phát triển. Mà đã tiên phong, bỏ hết vỏ bọc thuận lợi của chính mình để dấn thân mang Phật pháp đến vùng đất xa lạ có nhiều khắc nghiệt. Với mong muốn truyền bá Phật pháp, ở đâu có người khổ, ở đó có Phật pháp xoa dịu tinh thần con người. Hay “Chúng sanh cần con đến, đạo pháp cần con đi, không nề gian lao, không từ khó nhọc, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của vị Như Lai sứ giả”. Như thế, từ nơi có rất ít chùa chiền mà đặc biệt là chùa Ni. Giờ đây, Bình Phước đã mang màu sắc mới khi đi đến đâu cũng gặp các ngôi chùa, và khắp địa bàn tỉnh giờ đây có đến 90 tự viện do chư Ni quản lý, toàn tỉnh có trên 240 chư Ni đang hướng dẫn Phật tử tu học.
Thứ hai, Bình Phước là tỉnh biên giới, có nhiều dân tộc thiểu số, người dân còn rất khó khăn. Chủ yếu có đường biên giới giáp với Campuchia là 258, 939km, có 15 xã biên giới, 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ. Hiện có 1 thành phố, 3 thị xã, 7 huyện, 111 xã phường, trị trấn. Gồm 41 dân tộc thiểu số cùng chung sống. Nhận thấy điều đó, PBNG Bình Phước rất quan tâm, nỗ lực để lãnh đạo, định hướng chư Ni thực hiện phương châm “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”. Bằng cách lên tận các vùng cao, vùng biên giới để trao tặng các phần quà cho gia đình khó khăn, các ngôi nhà tình thương, giúp đỡ những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ,… Từ sự dấn thân đó đã kết duyên với những người dân tộc thiểu số, hướng họ đến Phật pháp trên tinh thần xây dựng nên người công dân sống “Tốt đời – Đẹp đạo”.
Thứ ba, chư Ni Bình Phước đi tiên phong trong sự hoàn thiện, ổn định hoạt động tôn giáo và trách nhiệm. Trên tinh thần dấn thân, phát triển đạo pháp, PBNG tỉnh Bình Phước đã từng bước bổ nhiệm trụ trì tại các tự viện, ổn định sinh hoạt, tiến hành trùng tu, xây dựng, sửa chữa các cơ sở tự viện trong tỉnh ngày càng khang trang. Hoạt động duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho bà con tại địa phương. Cùng với thực hiện tốt công tác hướng dẫn Phật tử tu tập cũng như hoàn thành các nhiệm vụ Giáo hội giao phó, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ Ni giới.
Thứ tư, đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni và Chư vị tiền bối hữu công. Nêu cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” cũng như “Tri ân và báo ân” – một truyền thống nhân văn và tốt đẹp của Ni giới. PBNG tỉnh Bình Phước đã nỗ lực, chỉn chu trong mọi công tác chuẩn bị, thời gian đó diễn ra đến sáu tháng. Và thời điểm sắp diễn ra buổi lễ là lúc cao điểm nhất của chư Ni tỉnh Bình Phước. Các chư Ni đã nỗ lực ngày đêm, không quản vất vả, sức khỏe để chuẩn bị chu đáo từ các ban như: Ban Lưu trú, Ban Thị giả, Ban Nghi lễ, Ban Cung nghinh,… để buổi lễ diễn ra một cách thuận lợi, hoàn mãn nhất. Qua đó, mong muốn Đại lễ diễn ra thật trang hoàng, thiêng liêng để một phần khẳng định vị thế Phật giáo ngày càng phát triển cũng như Ni giới Bình Phước ngày càng vững mạnh trên mảnh đất vốn khắc nghiệt, khó khăn này. Cùng với tấm lòng trọn vẹn hướng đến Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo.
Có thể thấy, PBNG tỉnh Bình Phước đã kế thừa những truyền thống tốt đẹp từ những tấm gương của các bậc Ni lưu tiền bối, luôn dấn thân để đóng góp cho xã hội và Giáo hội. Góp phần cùng nhân dân xây dựng đất nước ngày càng văn minh, tiên phong trong tinh thần “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Luôn đi đầu trong công tác phát triển, xây dựng nước nhà, xây dựng đời sống đạo đức, văn hóa lành mạnh, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn trong thiên tai, dịch bệnh. Những hoạt động mang đậm nét nhân văn ấy đã góp phần lan tỏa trách nhiệm, tình cảm tương thân tương ái trong toàn xã hội. Qua đó, Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng đã đứng vững trên mảnh đất Bình Phước – nơi có nhiều dân tộc, tôn giáo, cùng là vùng có đường biên giới dài để thực hiện sứ mệnh “Truyền trì chánh pháp.”
Giác Huệ (ĐSHĐ-116)
Diễn đọc: SC Sakyadhita