Khi còn nghèo, con người có thể sống với nhau bằng tấm lòng chân tình cởi mở, không tính toán. Nhưng khi giàu có liệu còn giữ được những đức tính này không? Trong cuộc mưu sinh, chúng ta phải đối diện với nhiều áp lực. Sự tranh đua miếng cơm manh áo, công danh lợi lộc và đồng tiền đã làm con người mất đi những giá trị nhân văn, nhân bản mà không hay biết. Vật chất trở thành nhu cầu quá lớn trong khi tinh thần thì thiếu thốn và nghèo nàn. Nếu có đi chăng nữa cũng chỉ là những trò chơi giải trí mang tính tạm thời.
Nước ta, trong vài năm gần đây tình trạng con giết cha, cháu giết bà, vợ giết chồng hay bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, bạo lực gia đình… đều có chiều hướng gia tăng. Trước nguy cơ đó, đạo đức là một vấn đề trong văn hóa đang được nhiều người quan tâm. Ngày nay, nước ta một bộ phận giới trẻ xem thường những giá trị đạo đức, trong quá khứ mà coi những gì của Âu Tây là cao đẹp, chuẩn mực cần đạt được. Còn những giá trị đạo đức đương thời dường như không đủ sức thuyết phục để họ hoàn toàn tin theo nên xu hướng phổ biến sống theo vật dục, vọng tưởng điên đảo và mất hết lý tưởng cao đẹp.
Trong khi đó sự giảng dạy đạo đức ở các trường học khô cứng và đơn điệu, chưa chọn lọc kĩ càng và tiêu hóa các nền đạo đức Âu Tây như thế nào là có lợi. Đó chính là một trong những nguyên nhân làm mất đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Vì sự nhận thức không rõ ràng nên đạo đức ngoại lai trở thành hấp dẫn lòng người hơn thế, đặc biệt là các trò chơi mang tính bạo lực ngoài tầm kiểm soát. Điều này liên quan đến tình trạng tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, hiện nay có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu nghiên cứu mới nhất của Học viện cảnh sát Nhân Dân, thì tội phạm hình sự có 75% là thanh thiếu niên, mà chưa tìm ra biện pháp giải quyết tận gốc. Gây ra nhiều nỗi lo âu cho những người dân có tâm huyết với đất nước.
Hơn một ngàn năm trước, Đạo đức Phật giáo được chọn làm nền tảng xây dựng tinh thần dân tộc. Cho nên, từ vua quan đến thứ dân đều thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Khi đã thấm sâu vào tín ngưỡng của dân tộc, Phật giáo có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Ngôi chùa trở thành các trung tâm văn hóa giáo dục ở các làng xã. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt mang tính tôn giáo mà còn là nhà trường. Học sinh đến chùa không phải chỉ để sau này trở thành các Tăng sĩ mà là để học chữ. Vì thế, Thiền sư không những truyền bá thiền học mà còn là thầy dạy học. Trong làng xã, chư Tăng là người hiểu biết, làm cố vấn cho nhiều người, nhiều công việc và được nhân dân kính trọng.
Các vua Lý, Trần quy y Tam bảo và lấy Phật giáo làm quốc giáo. Năm Giáp Thìn (1304) Trần Nhân Tông “đi khắp các xóm làng để giáo hóa và phá bỏ các dâm từ, dạy cho họ thực hành mười điều thiện”. “Và kêu gọi những người lãnh đạo chính trị phải dùng mười điều thiện làm pháp luật quốc gia và chính sách quốc gia”. Như thế, cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của “giáo lý Thập thiện làm cơ bản cho đạo đức xã hội” đương thời. Dù trải qua bao thăng trầm, thịnh suy nhưng như nước thấm vào lòng đất, đạo đức Phật giáo trở thành những phương châm, phương ngôn trong cuộc sống hằng ngày.
Ngày nay, dù nhiều người không theo Phật giáo nhưng họ vẫn sống với những truyền thống đạo đức Phật giáo. Nhân dân tiếp thu đạo Phật những gì phù hợp với tâm tư trí óc của mình như tình thương đến mọi loài. Những tư tưởng thấm đậm tinh thần Phật giáo như: gieo nhân nào gặp quả ấy, làm lành lánh dữ, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… sự mong muốn xã hội hòa bình và hạnh phúc. Chúng ta nghĩ sao nếu xã hội sống thành thật với những giá trị căn bản bắt nguồn từ Phật giáo thì chắc chắn các giá trị truyền thống sẽ được hồi sinh trở lại nhanh chóng. Bởi đơn giản từ ngàn năm về trước Đạo đức Phật giáo đã bám rễ, ăn sâu vào trong văn hóa của dân tộc.
Phật giáo có những quan niệm hết sức phù hợp với xã hội hiện tại mà không kiềm chế sự phát triển dân tộc. Làm cho con người được tự do, phá bỏ tự ti mặc cảm và không bị lạc hậu với các nền văn hóa khác. “Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật”. Đạo đức Phật giáo làm cho nhân cách con người phát triển theo chiều hướng tích cực, lành mạnh và thánh thiện. Trong thế giới này, Phật giáo góp phần cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên và muôn vật được hài hòa hơn. Nhận thức rõ mối tương quan nhân quả, nghiệp báo và trong đó việc thực hành Năm giới sẽ tạo ra những giá trị cao đẹp. Thế cho nên, Năm giới là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, của gia đình và của xã hội. Khi con người biết khơi mở lòng từ bi, chia sẻ và tôn trọng thì các mối liên kết hữu cơ trong cuộc sống sẽ được đảm bảo. Đức tính từ bi hỷ xả, tinh thần vô úy vị tha của Phật giáo góp phần làm cho cuộc sống an lành, hạnh phúc và không còn sự sợ hãi.
Hiện nay, có không ít người quan niệm rằng tôn giáo là sự phản ảnh những bế tắt của một kiếp người còn mang nhiều ảo tưởng của trần thế cần được cứu rỗi. Nếu cho rằng thế giới văn minh, khoa học tiến bộ giải quyết được tất cả, vậy tại sao không làm cho con người chấm dứt hết mọi khổ đau? Nói rộng ra, hễ là con người tồn tại trong xã hội thì cần phải có đạo đức. Cho nên, “chúng ta cần tỉnh thức trong chánh ngữ, chánh mạng và ý thức về những hệ quả của chúng đối với những người xung quanh chúng ta”.
Đạo đức Phật giáo là một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh giúp cho xã hội thoát khỏi bế tắt và khổ đau. Sở dĩ con người đau khổ vì chúng ta đã sử dụng những giá trị thiêng liêng của bản thân một cách sai lầm dẫn đến xã hội bị rối loạn và mất an ninh. Khi ý thức rằng một hành động tốt hay xấu, thiện hay ác sẽ có kết quả tương ứng với nó thì con người có thể cư xử khôn khéo hơn. Vì chính bản thân con người sẽ chịu trách, không có một thần linh hay định mệnh nào sắp đặt, an bài sẵn. Nên Đức Phật dạy: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, con người sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
Chính vì vậy, tiêu hóa đạo đức thành nguồn hạnh phúc là một nghệ thuật kết hợp khéo léo giữa ba yếu tố: tâm đạo, lòng yêu thương (từ bi) và trí tuệ. Nếu đạo đức mà thiếu lòng yêu thương sẽ khô cứng và đôi khi giết người tàn nhẫn, bởi tình thương là mảnh đất tốt của đạo đức, nếu tình thương được nảy mầm thì các hạt giống cao quý khác sẽ phát sanh. Còn không có trí tuệ thì đạo đức sẽ trở nên trơ trẽn và thô lỗ, bởi con người ai cũng có nhu cầu được tôn trọng. Tâm đạo chính là năng lực vô hình hội tụ của những đức tính ưu việt làm xúc tác cho lòng yêu thương và trí tuệ. Nếu con người có đức tin vững chắc nơi tình thương chân thật thì dù cho trái tim có lạnh lùng, ích kỉ, sỏi đá đến mấy cũng phải rơi lệ.
Mầm mống xã hội tốt đẹp phải bắt nguồn từ sự thay đổi đời sống mỗi con người là tìm thấy ý nghĩa cuộc đời. Một con người sống ích kỉ chúng ta có thể trở thành người biết phụng sự, giúp đỡ và cưu mang người khác. Khi trái tim được đánh thức những công việc đơn thuần trong cuộc sống hằng ngày sẽ trở nên nhiệm mầu hơn. Niềm vui của trái tim tỉnh thức là làm cho mình và mỗi người thấy được ý nghĩa ngay trong hiện tại. Nhưng trong cuộc sống có khi tình thương lại sử dụng như một thứ quyền lực sai khiến người khác, đó là sự biểu hiện của những hạt giống khổ đau sâu thẳm trong tâm thức chưa được chuyển hóa.
Để rồi càng thể hiện tình thương thì càng chuốc lấy cay đắng. Bởi vì những hành động đó được nuôi dưỡng bằng chất liệu u uất, giận hờn và lòng ích kỉ. Vì thế Năm giới là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta có được an lạc, giải thoát và giác ngộ. Cho nên, mỗi ngày thường xuyên tự kiểm tra lại tình thương của mình có gây ra cho ai đau khổ hay không? Và có gây rắc rối cho chính mình hay không? Muốn xã hội khỏe mạnh thì bắt đầu từ những cá nhân tốt đẹp.
Khi chiếc lá non bị con sâu gậm nhấm chỉ còn lại những cành khô như trơ gang cùng tuế nguyệt. Nếu chúng ta là người khôn ngon phải biết cách bảo vệ những cành cây còn lại và làm cho chúng ra lá non, chứ không phải chặt bỏ cây đi. Tất cả những giá trị truyền thống dù bị quên lãng nhưng không vì thế nhổ rễ lên phơi nắng. Chúng ta có lành lùng, sắt đá đến mấy cũng không thể đứng nhìn người khác làm như thế được?! Một khi gốc rễ đã bị nhổ sạch thì dân tộc còn lại những gì? Thật sự chúng ta bị lôi cuốn vào những hình thức đạo đức giả dối mà không thể tự thoát ra được.
Phật giáo có một hệ thống giáo lý hoàn chỉnh giúp con người nhận diện được những giá trị chân thật cuộc sống của chính mình trong xã hội hiện tại. Cộng đồng lành mạnh rất cần đến phẩm chất an lạc của tất cả mọi người. Nhận thức được nhân quả con người sẽ điều chỉnh suy nghĩ việc làm của mình theo chiều hướng tích cực và không dám làm điều xấu, ác. Việc thực tập thiền định giúp chúng ta có được tâm trí thoải mái và làm việc tốt hơn. Cuộc sống lành mạnh là có những giây phút chánh niệm tiếp xúc với hiện tại sâu sắc để làm cho cuộc đời trở nên ý nghĩa và tươi đẹp hơn. Hiện nay, con người sống trong vội vã, tranh đua để ý thức những khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên không phải lúc nào cũng làm được. Cho nên, Đạo đức Phật giáo không chỉ làm trang sức cuộc đời mà còn giúp cho tâm trí được bình thản, thư thái và giải quyết các vấn đề khó khăn trong xã hội. Đây chính là yếu tố góp phần đảm xã hội được an ninh.
Phật giáo xây dựng nền đạo đức dân tộc học với thực hành là một. Trong cuộc sống, chúng ta là người phải tự giải quyết những rắc rối của chính mình gây ra. Đất nước hôm nay tuy phát triển và tiến bộ hơn trước nhưng mâu thuẫn trong xã hội cũng gia tăng. Cuộc sống tình cảm cá nhân với cộng đồng bị thu hẹp, lợi ích được đề cao. Nên xung đột về lợi ích là khó tránh khỏi. Để giải quyết những xung đột này điều cần thiết là thực tập lắng nghe chánh niệm và hiểu rõ vấn đề. Thấy rõ xung đột có thể gây ra khổ đau cho chính mình, mọi người và xã hội. Có như thế chúng ta sẽ nhìn cuộc đời bằng con mắt quán chiếu sâu sắc và tìm ra ý nghĩa thật sự cho bản thân. Chính vì thế, Đạo đức Phật giáo không chỉ nói suông, nghe cho thỏa thích, mà đòi hỏi chúng ta phải hiểu và có lòng kiên nhẫn thực hành thì nhân cách mới thăng hoa được. Bởi đã nghe, đã hiểu mà không thực hành thì có lợi ích gì, làm sao sửa đổi được bản thân. Nếu không chẳng khác gì chiếc muỗng ở trong nồi canh không biết ngon, ngọt, mặn, đắng, chua, chát của canh thế nào.
Phật giáo có đầy đủ những chất liệu để xây nền đạo đức dân tộc lành mạnh. Sự cấu thành quan trọng nền Đạo đức Phật giáo là giới luật, nhưng trong đó năm giới là căn bản. Vì “Năm giới là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc và có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời… Học hỏi và thực hành theo Năm giới, ta sẽ đi đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và thất vọng, ta sẽ xây dựng được an lạc, hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta và đóng góp vào phẩm chất an lạc và hòa bình của xã hội”. Chính vì thế, đạo đức là hoa trái của cuộc đời, là những giá trị căn bản của một con người, nên nó phải được chăm sóc và nuôi dưỡng ngay từ mới lọt lòng. Có như thế theo ngày tháng những ý nghĩ tốt đã ươn mầm sẽ nảy nở thành hành động cao đẹp. Con người nghệ thuật là khôn khéo làm cho hình ảnh đẹp hôm nay ngày mai nó vẫn sống được và sống mãi ngàn sau. Thiết nghĩ, không gì khác hơn là phải làm cho nó trở thành chất dinh dưỡng nuôi sống bản thân trong mỗi con người. Cũng vậy, nếu chúng ta tiêu hóa đạo đức không chỉ trở thành một bản chất sống thực sự của cá nhân, mà đó còn là năng lực an ninh và hòa bình xã hội không một nguy cơ nào đe dọa.
Phật giáo cung cấp các phương pháp để con người tiêu thụ đạo đức theo chiều sâu của tâm hồn. Đạo đức Phật giáo không phải là một hệ thống giáo điều khô cứng, mê tín dị đoan như nhiều người lầm tưởng mà nó là nguồn năng lượng sống cho những ai biết hấp thụ và đáp ứng được nhu cầu đạo đức hiện đại. Vì thế, cho nên nhà khoa học Albert Einstein đã nói: “… Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học… ”. Đạo đức Phật giáo vượt ra ngoài mọi giới hạn của tôn giáo, chủng tộc hay quốc gia. Ai ai đều có thể thực hành được, dù theo hay không theo Phật giáo, dù là người da trắng hay da màu, thuộc thành phần nào trong xã hội, đạo đức Phật giáo không phân biệt hay thiên vị một ai. Nếu ai thực tập đều có lợi ích như nhau. Một khi khai mở được nguồn năng lượng này thì cuộc sống trở nên ý nghĩa, và chúng ta là người thừa hưởng toàn bộ những giá trị cao đẹp đó chứ không ai khác. Việt Nam là một dân tộc tuy có nhiều tín ngưỡng khác nhau nhưng người sống theo tư tưởng Phật giáo vẫn chiếm số lượng đông nhất. Việc xiển dương đạo đức Phật giáo vào trong xã hội sẽ làm sống lại tinh thần hào khí Đông A vốn có của dân tộc.
Phật giáo giúp nền đạo đức dân tộc nhân văn, nhân bản phát triển. “Đạo đức Phật giáo không phân biệt giai cấp và không mang tính giai cấp”. Nước ta dù người Nam kẻ Bắc, đồng bằng hay cao nguyên, thôn quê hay thành thị, trí thức hay bình dân, công nhân hay nông dân… dù thuộc giai cấp nào, thực hành Đạo đức Phật giáo đều tạo ra ý nghĩa cuộc đời như nhau và được xã hội tôn trọng bình đẳng. Sự thừa hưởng của các cá nhân là hoàn toàn giống nhau, đạo đức giúp cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện nhân cách của mình. Bởi Đức Phật đã gửi cho nhân loại một thông điệp rằng “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn”. Kinh Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm kể lại câu chuyện tôn giả A-nan, xin nước uống từ một cô gái thuộc giai cấp cùng đinh, đã khiến cô gái hoảng hốt bỏ chạy, tôn giả đã gọi cô gái lại và ôn tồn bảo: “Hãy cho tôi nước uống. Tôi xin nước, chứ không xin giai cấp” .
Phật giáo xây dựng nền đạo đức dân tộc tiến bộ, bền vững và khỏe mạnh. Người thực hành đạo đức Phật giáo không chỉ bỏ những thói quen tiêu thụ đạo đức sai lầm mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa mới tiến bộ cho đất nước. Bởi “trên quả địa cầu này, Đức Phật đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn Độ mà cho cả nhân loại. Ðức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ”. (Albert Schweizer). Đạo Phật là đạo của hòa bình trên thế giới nên muốn xây dựng một xã hội hòa bình và ổn định thì người người phải được học đạo đức Phật giáo. Một nhà lãnh đạo thực hành Năm giới thì đem lợi ích cho chính mình và cho muôn người, nếu muôn người thực hành theo thì xã hội sẽ ổn định, quốc gia hưng thịnh. Phật giáo không chỉ cải thiện thực trạng sa sút đạo đức, giúp cho văn hóa dân tộc được hùng mạnh, phát huy những giá trị truyền thống vốn có mà còn làm cho quốc gia cường thịnh.
Nếu Đạo đức Phật giáo được áp dụng rộng rãi trong xã hội mà không bị phân biệt, kì thị thì nhất định sẽ cải tạo được nhân tâm bị tha hóa. Chúng ta nghĩ sao nếu giáo lý Phật giáo được giảng dạy ở các trường học mà không bị xem là truyền bá tôn giáo? Chỉ đơn thuần xem nó như một môn học cần thiết để nuôi dưỡng nhân cách cao đẹp, củng cố nền văn hóa quốc gia, và lòng tự tôn dân tộc. Bởi mọi người có biết, có hiểu, có lòng kiêu hãnh thì mới nỗ lực khôi phục lại nền văn hóa truyền thống. Chính vì thế, lúc này việc phổ cập đạo đức Phật giáo trong các trường học là rất cần thiết.
Với những tính chất thiết thực của đạo Phật, Đạo đức Phật giáo có thể dung hòa các nền văn hóa khác mà không có sự chống đối nào. Trong nền văn hóa của dân tộc, Phật giáo có sự đóng góp và xây dựng to lớn ngay từ thuở ban đầu mới du nhập cách nay hơn 2000 năm. Theo dòng lịch sử sự đóng góp ấy có lúc khác nhau. Nhưng chưa bao giờ Phật giáo quay lưng lại dân tộc. Phật giáo và dân tộc như nước hòa với sữa. Hôm nay, Phật giáo vẫn đồng hành cùng dân tộc, sự hưng vong của đất nước có ảnh hưởng đến Phật giáo rất lớn. Nếu như trong quá trình tiếp biến Phật giáo đã làm cho nền văn hóa dân tộc phát triển đa dạng và phong phú. Từ văn hóa phong tục tập quán đến kiến trúc nghệ thuật, thơ ca… đều mạng đậm nét của Phật giáo.
Tạo nên một nền văn hóa vững mạnh có thể chống lại chiêu bài Hán hóa của phương Bắc. Thì hiện nay, trước thực trạng sa sút đạo đức các nhà lãnh đạo và toàn dân tộc rất cần đến sự đóng góp của Phật giáo. Cho nên, “nếp sống ấy cần phải đem ra hành trì, thực hiện, không phải để lễ bái cầu xin. Có thực hiện người hành trì mới hưởng được hạnh phúc an lạc, thiết thực hiện tại và ngay trong đời này, có thể thấy biết được, không phải là một cảnh giới thiên đường xa xăm tưởng tượng”. Để làm được lúc này, chúng ta cần vượt qua những ảo tưởng lý luận và học thuyết, sự mặc cảm sai lầm của cá nhân thì mới có thể có những chính sách giúp đỡ để Phật giáo thuận lợi góp phần to lớn hơn trong việc xây dựng và củng cố đạo đức dân tộc.
Thích Nhựt Hải (ĐSHĐ-006)