Năm tháng qua đi dòng ký ức tuôn chảy không thể nào lẩn trốn, mới ngày nào theo mẹ đến chùa lễ Phật kỳ siêu cho ba, được hầu chuyện với Thầy trụ trì khả kính, Đạo – Đời quyện sâu, thế mà gần ba mươi năm, bao buồn vui lẫn lộn trong tâm hồn tôi.
Theo chân ba mẹ về Suối Cát tái định cư, quê hương thứ hai của tôi không có lũy tre làng, không có cây cao bóng cả, do xứ này mới lập nghiệp như vùng kinh tế mới, chỉ có những hàng cây mì (dân quê tôi gọi là sắn) lá xanh rợp bóng đường làng. Khắp xóm làng đều trồng mì nên đi đâu cũng có thể thấy mì, cơ man là mì, chạy dài từ thổ cư đến tận sườn núi. Dân quê lam lũ sớm chiều, hít thở chung không khí tươi mát trong lành của thiên nhiên.
Rồi cứ thế, đời sống vật chất ngày thêm phát triển, trên con đường làng xuất hiện những người mặc chiếc áo lam dịu hiền, đang bước đi thanh thản dưới nắng chiều làng quê bình dị, tôi như ngây ngất với hình ảnh khác thường ấy. Ôi tuyệt vời quá! Màu lam, màu thêm sức sống, màu kết bao tình thương nhân loại. Cứ thế, ngày lại ngày tôi thật sự mê say “những con người ấy”. Như huyền thoại, như cổ tích, thích gần gũi, thích trông thấy, thích làm quen. Nhưng làm sao gặp gỡ họ? Qua thiết tha tìm hiểu, từ đó, tôi đến chùa làm công quả, để hiểu biết nguồn gốc về chiếc áo lam đã quyến rũ tôi thế ấy! Quê hương tôi thật diễm phúc: Các vị Tu sĩ phương xa hay về thăm chùa, thăm Thầy trụ trì trao đổi giáo lý… Thầy cùng quý Sư cô xưng hô với nhau bằng “Pháp tự” nghe tao nhã làm sao! Được chọn làm Thị giả pha trà bưng nước, nhờ thế mà tôi trộm nghe câu được, câu mất, niềm tôn kính Thầy, quý Ni lại dấy khởi trong tâm.
Chùa làng tôi vào đêm Rằm, Mùng Một có khóa lễ Sám hối dành riêng cho Gia đình Phật tử, mọi người kéo về tham dự đông vui lắm cơ! Những đêm trăng sáng vằng vặc, lũ trẻ em áo quần xốc xếch đủ màu sắc, xếp thành hàng một cùng tôi hát nghêu ngao: “Trăng Rằm sáng lên em đi đến chùa”, thoáng chốc đã kéo nhau đến cổng chùa. Chuông trống bát nhã vang lên trầm hùng, làm chấn động khắp thôn làng. Tất cả im lặng và trang nghiêm một cách tuyệt đối, mọi người quỳ chắp tay ngay thẳng thành kính lắng nghe Thầy trụ trì niệm hương. Giây phút thiêng liêng ấy, có lẽ ai cũng đang giữ tâm trở về một trạng thái bình yên. Chánh điện bừng sáng lung linh bởi những ngọn đèn nhỏ được thắp bằng dầu lửa treo hai bên tường. Những ngọn đèn được bao lưới cẩn thận, e ngại con thiêu thân bay vào mất mạng. Ánh sáng của đèn dầu mờ mờ ảo ảo không đủ lấp khoảng không gian chật hẹp. Tiếng tụng Kinh vang vọng gần xa, âm thanh trầm bổng phá tan khoảng không gian hữu hạn, vượt thoát và quyện sâu vào không gian vô tận.
Từng bước tập tễnh đến chùa qua lời Kinh tiếng Kệ, để từ đó chí xuất trần trong tôi lớn mạnh. Tuy chưa chính thức là “Đoàn sinh”, nhưng tôi được Thầy, bác Gia trưởng cùng các anh chị Huynh trưởng nhiệt tình bảo ban hướng dẫn, thương yêu và nâng đỡ. Được theo Thầy và các anh chị hộ niệm lễ “Kỳ an, kỳ siêu” giúp xóm làng khi hữu sự. Biết được ý chí hướng thượng của tôi, nên Thầy trụ trì tận tâm giảng dạy giáo pháp Phật Đà để nuôi lớn hạt giống giải thoát vào tâm hồn tôi.
Hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp, của những tháng ngày kết tinh những giọt sương lam mà Thầy hiền bạn tốt, đã ấp ủ nuôi dưỡng tâm linh tôi dõng mãnh, kiên cố, mà lòng ngập tràn mến thương! Màu lam trinh nguyên ấy, quả thật trung trinh, thánh thiện, làm sao có thể nhạt mờ trong ký ức tuổi thơ của tôi? Bởi có Thầy, có anh chị đã un đúc cho tôi hình thành một nhân cách sống tỉnh – thức, sống tình – người. Hôm nay, ngồi khâu lại chiếc áo lam xưa để làm hành trang cho cuộc hành trình “độ sanh đền ơn Phật”, nghĩ đến Cha Mẹ, Thầy Tổ và bao công ơn khác, tôi không thể phó thác đời mình cho vòng “danh lợi” mãi quay cuồng cuốn hút. Tôi hiểu rất rõ: “Biết rằng dù đã quay đầu nhìn lại, vẫn thấy rằng bến giác mãi còn xa… ”, nhưng không thể nào không quay về nương tựa “quê hương tâm linh.”
Người ơi, hãy “sống” với màu lam cho màu lam tươi mãi, để em thơ có cơ hội về chùa lễ Phật; cho cụ già bình tâm an vui hướng về Chánh pháp; cho hàng thức giả vững niềm tin Đạo, đến với màu lam nguyên vẹn, không bị chất nắng của thời gian làm loang lổ. Ước nguyện tha thiết trong tôi bừng dậy: Đạo – Đời dạt dào sâu lắng, pháp luân thường chuyển, tất cả người dân làng quê của tôi, cùng những người hữu duyên với Tam – bảo đều có cơ duyên trở về Quê hương Tâm linh, không còn hụt hẫng, xen lẫn với bụi trần của nhân thế.
Thích Nữ Diệu Mãn (ĐSHĐ-016)