Đất trời vần xoay, mới ngày nào hành điệu chốn tòng lâm, sáu rồi bảy đến tám… cái thời thơ ấu ấy mà nay đã hơn nửa đời người. Có lẽ tuổi trẻ mọi thứ đều sung mãn về cơ thể vật lý lẫn tinh thần, lắm lúc chúng ta quên đi vô thường đang đốt cháy trong từng sát na. Thuở xuân xanh, lúc ấu thì… nay đã biết bắt đầu sống chậm, nghe được tiếng lòng của chính mình, những khắc khoải lo âu nơi các bậc Tôn sư đối với hậu thế. Bỗng dưng cảm thấy bản thân, phải có ý thức trách nhiệm nhiều hơn về việc tu tập hoàn thiện và phụ giúp Thầy Tổ, hưng thịnh Tông môn, để đèn Thiền rạng chiếu, lợi lạc cho mình và nhân sinh, không thể lơ là cho ngày tháng dần qua. Ôn lại lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ để nhắc nhở bản thân và chia sẻ đến những người hữu duyên, cùng nhau sống với mùa xuân miên viễn trong những ngày đầu Quý Mão ôn lại đạo mầu.
勸世進道
四序循環春復秋,
駸駸已老少年頭。
榮華肯顧一場夢,
歲月空懷萬斛愁。
苦趣輪迴如轉轂,
愛河出沒等浮漚。
逢場亦不摸來鼻,
無限良緣只麼休.
Khuyến thế tiến đạo
Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu.
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu.
Khổ thú luân hồi như chuyển cốc
Ái hà xuất một đẳng phù âu.
Phùng trường diệc bất mô lai tỷ
Vô hạn lương duyên chỉ ma hưu.
Dịch nghĩa:
Ngày tháng xoay vần xuân lại thu
Xăm xăm tóc bạc đắp lên đầu.
Giàu sang nhìn lại một trường mộng
Năm tháng mang theo vạn hộc sầu.
Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh
Sông yêu chìm nổi tợ phù âu.
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi
Vô hạn duyên lành chỉ thế thôi.
(Nguồn: Thiền sư Việt Nam-HT. Thích Thanh Từ)
“Ngày tháng xoay vần xuân lại thu
Xăm xăm tóc bạc đắp lên đầu.
Giàu sang nhìn lại một trường mộng
Năm tháng mang theo vạn hộc sầu.”
Chúng ta thấy đó, ngày ngày tiếp nối, tháng chẳng đợi, năm chẳng chờ, hiện giờ mình đã ra sao so với mười năm trước kia? Ôi phải chăng da nhăn hơn một tí, tay chân biết bắt đầu đau nhức, thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng, đau mỏi vai gáy…? Thời gian qua mau, trên đầu đã hai thứ tóc, dẫu chúng ta có giàu sang hay nghèo hèn cùng khổ thì chung quy lại không thoát khỏi định luật vô thường, anh giàu tôi nghèo khi mất, cát bụi cũng trở về với cát bụi mà thôi, những biến chuyển của cơ thể vật chất mang đến sự ưu tư buồn bã, nên nói: “Năm tháng mang theo vạn hộc sầu,” là như thế.
Hiểu rõ thấu đáo sự vô thường của kiếp nhân sinh, giúp chúng ta tranh thủ thời gian còn lại của mình, có lẽ quá ngắn ngủi so với quỹ đạo của đất trời, để làm lợi ích, tu tập chuyển hóa bản thân, an mình vui người, từ trường ban rải khắp nơi. Biết hiểu, nhắc nhở bản thân không phải là điều vô ích. Tuy chúng ta còn là phàm phu tập tu, hiểu biết chưa chắc hoàn toàn làm được, nhưng ít nhất, khi sai chúng ta biết mình đã sai, có cơ hội để khắc phục và sửa chữa. Trong tâm trí của mỗi người thường nghĩ đến vấn đề gì thì trước sau gì chúng ta sẽ thực hiện được. Tâm của chúng ta là sức mạnh vô hình. Hãy tin như thế, tâm lực trí lực đặt ở đâu thì nơi đó thành tựu, y báo chánh báo song hành.
Người thế gian có những vị cũng hung cực ác, mà cuối cùng họ còn ý thức được sự vô thường của kiếp nhân sinh, hà huống chúng ta là người xuất gia?
Đã trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, tên Đại đế Alexander được xem là một trong những tài năng quân sự kiệt xuất ở lịch sử Cổ đại, vẫn còn nguyên giá trị từ những điều về cái chết kỳ đặc của ông. Đại đế Alexander mang trong mình dòng máu chiến binh thiên bẩm, trong vòng mười ba năm nắm quyền lãnh đạo cho đến lúc qua đời ở tuổi 32, đối đầu và giao chiến với nhiều thế lực quân sự hùng mạnh khác nhau. Alexander Đại đế và đoàn quân thiện chiến của mình chưa bao giờ nếm mùi thất bại. Alexander được dạy về chính trị, văn hóa và chiến tranh bởi những người tài giỏi nhất đất nước, bao gồm cả triết gia Aristotle. Môi trường sống được bao quanh bởi những người tài giỏi, ông lớn lên là một chiến binh xuất sắc và bước lên ngai vàng ở tuổi 20.
Điểm vô cùng đặc biệt là bài học đắt giá cho nhân loại chính những ước nguyện cuối đời của ông.
Alexander Đại đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:
• Quan tài của Ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.
• Tất cả các báu vật của Ngài (vàng, bạc, châu báu, …) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của Ngài.
• Đôi bàn tay của Ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.
Một vị cận thần, rất đỗi ngạc nhiên về những yêu cầu kỳ lạ này, và hỏi Ngài Alexander lý do tại sao Ngài lại muốn như thế.
Ngài Alexander giải thích như sau:
• Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.
• Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).
• Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với 2 bàn tay trắng và khi rời khỏi cũng chỉ có 2 bàn tay trắng.
Đừng để đến cuối cuộc đời, chúng ta mới thấy rằng, điều quý giá nhất trên cuộc đời này là: Tình yêu thương, sự cảm thông buông xả và tha thứ… đây là những chất liệu giúp ta bình an từ ngoại cảnh đến tâm hồn. Có sự bình an thì hạnh phúc kề cận.
“Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh
Sông yêu chìm nổi tợ phù âu.”
Trong cuộc sống nỗi khổ niềm đau của con người tiếp nối vần xoay, không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc khi nào, luân chuyển từ đời này sang kiếp khác? Khía cạnh nhỏ của cuộc sống gia đình, lăn lộn tranh giành trong tài sản vật chất, được một muốn mười, tình cảm lên xuống như mây nổi không bền chắc, hôm nay ta quý thương ai đó tột bậc nhưng theo thời gian tình cảm, con người kia đã giảm dần, đôi lúc cảm xúc biến đổi tinh tế bản thân cũng không nhận ra, quả tâm vô thường, thân vô thường, hoàn cảnh vô thường, kiếp sống mong manh tạm bợ… Thiền sư Linh Hựu ở núi Quy có dạy trong tác phẩm Quy Sơn Cảnh Sách “Vô thường già bệnh không hẹn một ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát-na đã qua đời khác. Giống như sương mùa xuân, móc của ban mai, chốc lát liền không, như cây bên bờ vực, như những thực vật leo mọc trên vách giếng, làm sao có thể lâu bền được? Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, trong một sát-na, chuyển hơi thở thì đã là đời sau.”
“Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi
Vô hạn duyên lành chỉ thế thôi.”
Ý hai câu thơ này nhắn nhủ chúng ta, gặp nhân duyên tốt, thầy lành, đại chúng đồng tu mà không nắm bắt, nỗ lực dụng công tu tập, biết rõ bản tâm không chịu trở về, dù có nhiều duyên lành đến đâu cũng vuột qua, cơ hội đến không nhận lấy thì tìm lại khó có được. Thế nên đừng để mất thời gian cho qua mọi thứ, tuổi trẻ qua rồi không tìm lại được nữa, cơ hội hiếm hoi đến với ta hai lần. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông là vậy.
“Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ đề một đêm mà chín.
Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu đàm mấy kiếp đơm bông.”
(Cư trần lạc đạo phú)
Hội ngộ chánh pháp, gặp được minh sư nào phải chuyện dễ dàng, như rùa mù gặp được bộng cây trên biển, chúng ta đã đủ duyên gặp rồi nguyện hết lòng thân cận học hỏi tu tập thì nhân duyên hiểu đạo, nhận được nguồn tâm không còn xa diệu vợi.
Thời buổi hiện nay, công nghệ truyền thông lên ngôi, người người, nhà nhà đều có điện thoại, cỡ bàn tay mà thu cả thế giới là có thật. Nếu chúng ta sống buông trôi theo sở thích, rất dễ bị cuốn, đắm chìm trong thế giới ảo của màn ảnh, nào là Tiktok, Facebook, Youtube… thời gian chia sẻ, trò chuyện thực tế, để hiểu nhau trong cuộc sống rất hiếm hoi, tất cả đều vội vã, vội ăn, vội làm, vội nghỉ và vội vàng mọi thứ… có phải chăng chúng ta cần sống chậm giữa thế gian vội vã? Một buổi Thiền trà, những câu chuyện đạo lý, được kể và chia sẻ cùng nhau dưới ánh trăng, ấm áp bên khói trà nghi ngút, tưởng chừng như chuyện quá khó giữa thời đại? Ngồi lại viết từng chữ Hán, từng câu kinh chiêm nghiệm đọc dịch, phiên âm, toát yếu, ứng dụng tu hành… có còn chăng? Sự chịu khó cần cù, kiên nhẫn bền bỉ đối diện với chính mình, có quá khó giữa cuộc sống thời nay?
Hàng ngày con chữ vẫn theo tay
Lời Phật ý kinh sáng từng ngày
Dụng vào cuộc sống mầu nhiệm thấy
Thể dụng chân tánh thảy hiển bày.
Toàn bộ bài thơ Khuyến Thế Tiến Đạo của Tuệ Trung Thượng sĩ giúp chúng ta khi đọc lại, sách tấn chính mình. Tuệ Trung Thượng sĩ khuyến khích mỗi người tuy ở đời đầy sanh diệt đối đãi đau thương, nhưng biết tu thì chuyển từ nghịch thành thuận, vẫn tiến trên sự tu tập của chính mình. Chính sự sanh diệt đau thương ngút ngàn ấy là động lực vô hình giúp ta mạnh mẽ, biết khổ mà trở về cái không sanh diệt, tâm Phật hằng sáng nơi tâm, bản thân vui tu và hạnh phúc, bình an nơi cõi lòng thì mới mong mang niềm hạnh phúc ban rải đến mọi người xung quanh. Tâm ta thiện thì từ trường lan tỏa, những câu chuyện vui được chia sẻ thì niềm vui nhân đôi, những chuyện không vui được lan tỏa thì nỗi buồn nhân đôi.
Chúng ta nhìn nhận cuộc sống như thế nào, thì cuộc sống sẽ trao cho bạn như thế ấy. Ở đời mà vui tu đạo mầu, thời giờ không hẹn cùng ai, đừng dễ vui để thời khắc qua suông, đến sông không thuyền thì chới với chông chênh giữa biển khổ sanh tử. Hãy cùng nhau nỗ lực tiến tu, khi chưa chứng Thánh quả chưa tin nổi tâm mình, cẩn trọng dè dặt trong sự tu tập của mỗi chúng ta!
Tu đây không chỉ riêng mình
Tu đây lợi ích khắp cùng nhân sinh
Tu đây Phật pháp xương minh
Tu đây đền đáp thâm ân bao người!
Hải Thuần Bảo Hải (ĐSHĐ-114)