Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Công chúa Phương Dung nổi tiếng là một nữ tướng tài ba thời Hai Bà Trưng. Truyện kể rằng, từ năm 16 tuổi, Người đã nguyện một lòng theo Phật, sớm khuya mõ kinh nơi Thanh Vân Cổ Tự (đầu làng Yên Phú). Giặc Hán xâm lược, hưởng ứng lời hiệu triệu cứu nước của Hai Bà Trưng, Người tham gia đánh giặc, được gọi với tên hiệu Công chúa Phương Dung. Sau khi xưng vương, Hai Bà Trưng ban thưởng cho các tướng lĩnh, Công chúa Phương Dung xin được lập am phụng thờ Đức Phật để tiếp tục tu hành, nuôi dưỡng đệ tử, hoằng dương Chánh pháp. Cũng có thuyết kể rằng, sau khi Hai Bà Trưng bị Mã Viện đánh bại, Công chúa Phương Dung mới mai danh ẩn tích, tu hành lần nữa tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, rồi được nhân dân tôn làm Sư bà và thờ phụng tại cụm di tích đình, đền, chùa Yên Phú. Lăng mộ hiện vẫn còn tại khu Đồng Lăng (cách chùa Yên Phú 300m). Từ thời Lê Trung Hưng đến Triều Nguyễn đã nhiều lần ban tặng các sắc phong để tôn vinh, ghi nhận những công lao to lớn của Sư bà đối với dân tộc. Trong đó, sắc phong năm Dương Hòa thứ 5 (1639) thời Lê Trung Hưng có thể xem là bảo vật quốc gia.
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những đóng góp, công lao của Sư bà Phương Dung đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn 8055 gửi Sở Văn hóa Thể thao về việc công nhận Sư bà Phương Dung là danh nhân Phật giáo tiêu biểu của Thủ đô và xây dựng, tôn tạo lăng mộ Sư bà.
Đặc biệt, vào sáng ngày 06/12, UBND huyện Thanh Trì tổ chức lễ công bố quyết định và gắn biển tuyến đường mang tên Sư bà Phương Dung; đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Đình Yên Phú tại chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Buổi lễ được sự quang lâm chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN hiệp cùng chư Tôn đức BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, chư Tăng Ni sơn môn Tổ đình Đồng Đắc, Trụ trì các chùa trong toàn thành phố.
Đường Phương Dung là đoạn từ ngã 3 giao cắt điểm cuối đường Ngọc Hồi đến hết địa phận huyện Thanh Trì (cầu Quán Gánh); với chiều dài 2.750m, rộng 20m. Theo Nghị quyết số 15-NQ/HĐND; ngày 31/7/2024 UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3967-QĐ/UBND về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024.
Như lời Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS bày tỏ niềm vinh dự khi tên vị Tỳ kheo ni đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được đặt cho một tuyến đường. Điều này khẳng định bề dày lịch sử của Phật giáo Việt Nam; thể hiện sự tiếp nối truyền thống yêu nước, gìn giữ giá trị cốt lõi trong văn hóa cổ truyền; từ đó Tăng Ni Phật tử được tiếp thêm động lực, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, cùng xây dựng đất nước phát triển.
Buổi lễ kết thúc khi chư Tôn đức chứng minh và quý vị khách quý đã thực hiện nghi thức gắn biển tên đường, đồng thời cử hành nghi thức niêm hương lễ Phật, lễ Tổ, trang nghiêm tưởng niệm 31 năm ngày viên tịch của đức Đệ Nhất Pháp chủ GHPGVN – Đại lão HT. Thích Đức Nhuận.
Vân Phàm – Diệu Tường (ĐSHĐ-136)