Kính dâng Giác linh Cố Ni trưởng thượng NHƯ hạ NGỘ
Viện chủ Chùa Vạn Hạnh Quận 10
Thời gian âm thầm lặng lẽ trôi, giờ nhẩm lại đã gần bốn mươi năm. Trong ngần ấy thời gian, có biết bao sự thăng trầm biến đổi. Ấy mà một kỷ niệm, một dấu ấn, không thể nào phai mờ trong tâm trí của người Sư em, muôn đời trong Chánh pháp.
Lênh đênh giữa đường trần
Đôi đường phải rẽ phân
Tìm cho mình lối thoát
Trở về với tự thân
Sống chung trong Ni viện
Gặp Tri thức ân cần
Đó là Sư Như Ngộ
Thương chúng như người thân.
Thật vậy, lúc còn là học chúng ở Từ Nghiêm, những việc nặng nề Sư Như Ngộ đều gánh vác, để cho các em có thời giờ học hành. Hôm nào Trai đường vắng các em, là Sư đến tận phòng thăm hỏi, Sư có nghề cạo gió, Sư có sức khỏe, lại thêm lòng kiên nhẫn, Sư em nào nhút nhát không chịu cạo gió, sợ đau, Sư hết lời dụ dỗ. Tuổi nhỏ thấy Sư hiền lành dễ tính, thì ưa nhõng nhẽo. Lúc nào Sư cũng làm tròn trách nhiệm của một người Sư chị, an ủi, động viên, sách tấn, nên được Đại chúng yêu thương và kính nể. Có lần sắp phiên đi Đám, chúng trốn không chịu đi, viện lý do học bài, Sư phải năn nỉ từng em. Sư bảo: “Các em đi tụng rồi về học bài cũng không muộn đâu, các chú bớt nói chuyện một chút thì việc gì cũng xong”. Ni trưởng Như Ngộ có âm thanh rất đặc biệt, những ai có hữu duyên, chỉ cần nghe Sư xướng lễ hoặc hô canh “ngồi Thiền” là tâm hồn mình nghe thanh thản, muốn trở về với Chánh pháp. Có lẽ ngày xưa Sư thọ trì kinh Pháp Hoa, nên đời nay có được âm thanh trong trẻo, giọng điệu ngân vang, khi trầm, khi bổng, thôi thúc người nghe buông hết lòng trần tục, sống trong phút giây an lạc. Đến ngày đất nước hòa bình, giang sơn nối liền một mối, Ni chúng được sắp đi canh tác Bình Tuy, Mộc Hóa, Đại tòng lâm. Do vì tuổi nhỏ chưa có kinh nghiệm canh tác, nên bỏ vốn, bỏ công ra nhiều nhưng chẳng thu hoạch được bao nhiêu. Thế là Ni chúng được quý Sư bà cho tự chọn, trở về Thầy Tổ hay tự kiếm chùa hoặc am cốc, để ẩn thân tu học. Lúc ấy Ni trưởng Như Ngộ được Phật tử ái mộ âm thanh của Sư, làm đơn thỉnh nguyện và Sư được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì chùa Vạn Hạnh Quận 10 chùa cấp 4, mái ngói dột nát tứ bề, diện tích khoảng 50 m². Ấy thế mà Sư đã cưu mang năm người em cùng chung một lý tưởng. Đầu tiên là Sư muội Hạnh Nhân – Hạnh Nghiêm, rồi đến Sư muội Phước Giác và đệ tử Trung Ý, kế đến Sư muội Tâm Phương và Sư muội Như Tri. Thật sự tâm của Sư rộng lớn, tuy nhà ở chật hẹp, nhưng huynh đệ đùm bọc lẫn nhau, vật chất rất thiếu, chung quanh Phật tử vẫn sắp hàng mua gạo cân, gạo ký, thì nhà chùa cũng thế thôi, đó là thông lệ chung khi đất nước hòa bình mới lập lại. Tá túc Vạn Hạnh thời gian, nhân duyên đến, Ni trưởng Như Phương ra lãnh chùa Linh Quang Quận 10. Còn Như Tri lãnh chùa Từ Ân Quận 10. Tuy ra riêng nhưng Sư vẫn thường giúp đỡ, từ vật chất đến tinh thần, chị em vẫn thường gặp nhau và thường trao đổi cho nhau trong các Phật sự. Thế rồi, tai nạn ập đến, Ni trưởng Như Ngộ bị té xe, do đi thỉnh trống cho người Sư em ở Trà Vinh. Thời gian dần trôi, mười lăm năm sau khi tuổi về già, bịnh cũ tái phát, những việc hàng ngày lúc nhớ, lúc quên, nhưng câu niệm Phật vẫn hằng ghi nhớ. Khi đại chúng niệm Phật kinh hành, Sư vẫn nhịp tay theo tiếng niệm Phật. Rồi buổi chiều cuối năm Nhâm Dần, Sư muội Phước Giác chuyển Ni trưởng từ Đại học Y – Dược về, đôi mắt của Sư vẫn tinh anh, nhìn qua, nhìn lại, không đờ đẫn như người sắp mất, sau thời niệm Phật của Thượng tọa Nhật Thiện, Thầy Trung Hiếu và chư Ni cùng Phật tử hiện diện, Sư thanh thản ra đi một cách tự tại.
Nhiệm mầu thay! Cuối đời một chuyến rong chơi của kiếp người, mới thấy phút lâm chung sao mà thanh thoát đến lạ thường. Dù Sư đau đã lâu, nhưng trở bệnh chỉ ba ngày, Sư ra đi nhẹ nhàng trong phút giây niệm Phật, lạ lùng thay, ước nguyện đã vuông tròn1.
Sư ra đi, để đời bao thương tiếc
Lá vàng rơi, bao dòng lệ rơi rơi
Sư ra đi, Sư nhẹ gót thảnh thơi
Nỗi thương nhớ không cầm dòng nước mắt
Sống một đời, Sư chẳng cần hương sắc
Không lợi danh, không tài lộc hơn thua
Không chức quyền, không phải quấy tranh đua
Ôi! Thực chất, bậc Chân tu kiệm đức.
TKN. Như Tri – Từ Ân Q.10 (ĐSHĐ-116)
- Khi còn sanh tiền Ni trưởng thường nói cho huynh đệ nghe là: “Khi tôi mất chỉ để 3 ngày và không hầu kim quan”. Sư đi vào ngày 28 tháng Chạp, thế là ước nguyện của Sư được vuông tròn.